Một ngày, dù thế nào cũng chỉ có 24 tiếng. Một tuần, dù ra sao cũng chỉ có 7 ngày. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian. Nhưng hoàn toàn chúng ta có thể cho nó dài hơn hay ngắn đi bằng cảm nhận của chính mình!
Sống chậm lại là cách để kéo dài mỗi ngày được sống, làm dày lên cuộc đời của mình và cho những năm tháng đi qua có thêm nhiều ý nghĩa!
Sống chậm lại để cảm nhận mỗi giây phút đi qua, mỗi tháng năm được sống và mỗi mối quan hệ được thiết lập!
Sống chậm lại bằng trái tim, bằng lắng nghe, bằng cảm nhận! Nghĩ ít đi, đừng lo lắng và đừng giữ mãi những nỗi đau. Nó chính là thứ ăn cướp thời gian của bạn nhiều nhất đấy!
Sống chậm lại bằng cảm nhận sách thay vì đọc báo, đi thay vì ngồi một chỗ, hít thở không khí thay vì phòng máy lạnh, nghe nhạc thay vì nghe tin tức, tận hưởng hạnh phúc thay vì lo lắng hạnh phúc ấy sẽ biến mất trong tương lai.
Sống chậm lại để tưới tắm cho trái tim mình những điều thú vị của cuộc sống chứ không phải bằng việc thể hiện ta đây đọc nhiều tin sốc hay scandal trên báo. Là để xem những bức tranh đẹp thay vì xem những bức ảnh máu me đang được share đầy rẫy trên Facebook.
Sống chậm lại bằng việc dành ra nhiều hơn thời gian ngồi máy tính để ngồi bên nhau. Hoa sữa thơm thế kia mà! Mùa Thu đẹp thế kia mà! Và cả những lúc như lúc này, mở toang cửa ra để mùa Thu ùa vào đi!
Có thể xuống đường, có thể đọc một cuốn sách hay nghe một bản nhạc. Cũng có thể, ngày mai, bắt đầu một tuần mới bằng việc dậy sớm hơn, đi chậm trên con đường hoặc ngồi lại ở một vỉa hè nào đó nhìn thành phố tháng Mười của mình!
Sống chậm lại để ngày dài hơn nhờ ta cảm thấy nhiều hơn! Sống chậm lại để mỗi ngày đi qua không phải là lặp lại của những ngày trước đó!
Sống chậm lại để yêu thêm chính bản thân mình! Và sống chậm lại để chạm vào nhau thật chậm, thật lâu.
Tôi chọn sống chậm lại cho mỗi ngày của mình và cho tháng Mười đẹp ngẩn ngơ thế này!
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sống chậm tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].