CẬP NHẬT 5 GIỜ SÁNG 4/7:
Khoảng 4 giờ 30- 5 giờ sáng ngày 04/7, cơn bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (50-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Bão số 2: Mưa lớn, đi thẳng vào bờ biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình
Trước đó, sáng 3/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp bàn và triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2.
Cập nhật dự báo mới nhất về cơn bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết dự báo từ các đài quốc tế hiện nay về quỹ đạo bão, hướng đổ bộ và cường độ bão là khá tập trung.
Sáng 3/7, tâm bão đang nằm trên khu vực phía tây đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 220 km và cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định 340 km về hướng đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong 24 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10-15 km/h. Rạng sáng ngày 4/7, vị trí tâm bão sẽ nằm ngay trên bờ biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.
Lúc này, bão giữ nguyên hướng di chuyển rồi đi sâu vào đất liền với vận tốc 15 km/h, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Sau đó, bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Đặc biệt, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng lưu ý, hoàn lưu bão gây mưa rất rộng ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh bắc Trung bộ.
Trong đêm nay, khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ sẽ có mưa nhiều, dự báo lượng mưa trong 24 giờ lên tới 100 mm, một số nơi mưa trên 100 mm.
Với diễn biến cụ thể của bão số 2, cơ quan khí tượng cảnh báo khu vực vịnh Bắc Bộ bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn sẽ có gió mạnh dần lên đến cấp 8, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rất lớn trong 3 ngày từ 3/7 đến 5/7.
Theo ghi nhận của cơ quan khí tượng, từ nhiều huyện tại Sơn La đã có mưa lớn kéo dài suốt 3 giờ đồng hồ vào rạng sáng nay, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực.
Khu vực Hà Nội sẽ có mưa lớn kèm theo dông lốc từ chiều 3/7 và kéo dài đến hết ngày 4/7.
Những biện pháp tránh bão số 2
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 cũng khiến các tỉnh miền Trung có mưa lớn, tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng.
Mưa lớn tập trung trong 2 ngày sau đó sẽ giảm dần vào ngày 5/7, sau khi bão suy yếu thành áp thấp và di chuyển lên khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão, kịp thời triển khai phương án khắc phục, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm và sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo thông tin từ Bộ đội biên phòng, cho đến sáng nay khu vực đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đang có trên 1.600 khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi bão đổ bộ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với du khách.
TIN BÃO KHẨN CẤP (Cơn bão số 2) | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Theo đó, đại diện Bộ đội biên phòng kiến nghị phải đôn đốc địa phương có phương án đưa du khách trên đảo Cô Tô về đất liền trước khi bão gây ảnh hưởng đến đảo.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão số 2 là cơn bão đầu mùa dù không phải là cơn bão quá mạnh nhưng công tác ứng phó không được chủ quan khi khu vực ảnh hưởng của bão là vùng trọng điểm kinh tế, các hoạt động du khách, khai thác hải sản đang mùa sôi động, nhộn nhịp.
Đặc biệt là công tác ứng phó mưa lớn, úng ngập ảnh hưởng mưa sau bão đối với các khu vực đất liền. Trong đó, các tỉnh bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc rà soát các điểm xung yếu, có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất để cảnh báo nguy hiểm đối với người dân.
Đối với công tác ứng phó trên biển trong vùng bảo ảnh hưởng trực tiếp, ông Cường cũng lưu ý các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu vận tải vãng lai, vì kinh nghiệm ứng phó bão trước đây thì tai nạn, sự cố xảy ra chủ yếu đối với loại tàu này khi chịu ảnh hưởng của bão và khi bão đổ bộ.
Liên quan đến thông tin khách du lịch tại đảo Cô Tô, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai thông tin đến tỉnh Quảng Ninh để sớm có phương án đưa du khách vào bờ tránh bão.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Bão số 2: Giật cấp 8, đi vào vùng biển từ từ Hải Phòng đến Nam Định tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].