60 năm hiến máu cứu người, cụ ông trở thành ân nhân cứu mạng của hơn 2 triệu trẻ em

Năm 1951, James Harrison 14 tuổi. Cậu thức dậy sau ca phẫu thuật lồng ngực, phải cắt bỏ một bên phổi và được tiếp tới 13 đơn vị máu từ những người hiến máu tình nguyện. Sống sót sau ca đại phẫu, cậu tự hứa sẽ trở thành người hiến máu tình nguyện ngay khi đủ 18 tuổi.

Người đàn ông giản dị này là ân nhân cứu mạng của 2,4 triệu trẻ em Australia

Người đàn ông giản dị này là ân nhân cứu mạng của 2,4 triệu trẻ em Australia

Người đàn ông này đã giữ lời hứa của mình suốt hơn 60 năm qua, cứ đều đặn 2 tuần lại đến hiến máu ở trụ sở của tổ chức Hồng thập tự Australia (một tổ chức chuyên cung cấp máu cho những người bệnh). Điều kỳ diệu là các bác sĩ phát hiện máu của ông Jame Harrison có chứa một kháng thể đặc biệt hiếm, kháng thể này giúp cứu mạng hơn 2 triệu bệnh nhi suốt thời gian qua.

Thuốc chữa hàng ngàn ca sảy thai đến từ James Harrison

Cùng trong thời điểm cuối những năm 60 của thế kỷ trước, các bác sĩ Australia đang phải vật lộn để tìm ra nguyên nhân tại sao có hàng ngàn ca sảy thai, thai chết lưu và bị dị tật não ở trẻ sơ sinh.

Jemma Falkenmire, một chuyên gia của Hồng thập tự Australia cho biết: “Ở Australia, cho đến tận năm 1967, thực chất vẫn có hàng nghìn trẻ sơ sinh chết mỗi năm, các bác sĩ không biết tại sao, điều đó thật tồi tệ. Phụ nữ bị sảy thai rất nhiều, và nhiều trẻ sinh ra bị dị tật não”.

Sau đó, các bác sĩ đã phát hiện ra nguyên nhân chính là bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh (Haemolytic Disease of the Newborn, viết tắt là HDN).

Tình trạng này thường xảy ra khi phụ nữ mang nhóm máu hiếm Rh âm tính, trong khi thai nhi mang nhóm máu Rh dương tính. Sự không tương thích giữa cơ thể của mẹ và thai nhi khiến cho các tế bào hồng cầu của thai nhi bị kháng lại và xảy ra tình trạng “tan máu”.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể xử lý được nếu như tìm thấy một loại kháng thể cực hiếm trong huyết tương của máu hiến tặng. Các bác sĩ đã “lục tung” những ngân hàng máu trên toàn nước Úc để tìm kiếm loại kháng thể. Cuối cùng, họ tìm ra một người hiến máu ở New South Wales có loại huyết tương này, chính là ông James Harrison.

Huyết tương của ông James chứa một loại kháng thể cứu sống  những em bé có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ

Huyết tương của ông James chứa một loại kháng thể cứu sống những em bé có nhóm máu không tương thích với nhóm máu của mẹ

Dòng máu hiến kỳ diệu giúp cứu sống 2,4 triệu trẻ em

Ngay sau khi phát hiện ra ông James, các bác sĩ đã đề nghị ông tham gia chương trình phòng chống bệnh HDN. Các nghiên cứu được tiến hành để phát triển một mũi tiêm có tên Anti-D – sử dụng huyết tương từ máu hiến của Harrison. Mũi tiêm đầu tiên được tiêm cho một phụ nữ mang bầu vào năm 1967, đã thể hiện hiệu quả rõ rệt.

Từ đó đến nay, các mũi tiêm Anti-D sử dụng huyết tương của người đàn ông này cứu 2,4 triệu trẻ em Úc, sinh ra từ các bà mẹ có nhóm máu hiếm Rh.

Robyn Barlow, chuyên gia thuộc tổ chức phòng chống bệnh HDN, đã nói: “Tất cả những mũi tiêm Anti-D từng được sản xuất ở Úc đều có James trong đó. Ông ấy đã giúp cứu mạng hàng triệu trẻ sơ sinh. Chỉ cần nghĩ về điều đó tôi cũng bật khóc”.

Đến nay các nhà khoa học vẫn không hiểu được lý do vì sao cơ thể ông James lại có thể sản xuất được những kháng thể dạng hiếm có tác dụng chữa bệnh một cách tự nhiên như vậy. Họ tin rằng điều này có thể liên quan đến lượng máu lớn mà ông đã được tiếp khi 14 tuổi.

Hàng thập kỷ qua, James vẫn cần mẫn hiến máu để “tri ân” cuộc đời. Ông đã nhận được sự tôn vinh của nhiều tổ chức, đặc biệt là nhận chứng nhận Guinness là người hiến máu nhiều nhất trên thế giới.

Người ta gọi ông là “Người đàn ông với cánh tay vàng” vì cánh tay của ông đã trải qua vô số lần cắm kim để hiến máu. Thành quả lớn nhất mà James thực hiện được, theo lời tự nhận của ông, đó là hiến huyết tương cứu sống rất nhiều trẻ sơ sinh – trong đó có cả cháu của ông.

Vào ngày 11/5 vừa qua, ông James đi chuyến cuối cùng đến trung tâm hiến máu tình nguyện. Ở tuổi 81, ông đã vượt quá cả tuổi giới hạn dành cho người hiến máu tình nguyện. Các nhân viên y tế quyết định ông nên ngừng hiến máu để bảo vệ sức khỏe của mình.

Khi ông cụ James ngồi vào chiếc ghế hiến máu lần cuối, xung quanh ông có rất nhiều các bố mẹ, mang theo con của họ, những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh nhờ mũi tiêm Anti-D. Họ kỷ niệm sự kiện đặc biệt này bằng 4 quả bóng mạ bạc – với các con số 1, 1, 7, 3. Những quả bóng bay lơ lửng bên trên ông cụ, biểu tượng cho 1.173 lần hiến máu của “người đàn ông có cánh tay vàng”.

James Harrison trong lần hiến máu cuối cùng

James Harrison trong lần hiến máu cuối cùng

Các quan chức trung tâm hiến máu cho biết họ hy vọng các tình nguyện viên sẽ xuất hiện nhiều hơn, và có lẽ có sẽ có một James Harrison khác trong số đó. Hiện tại chỉ có khoảng 200 nhà tài trợ đủ điều kiện tham gia chương trình Anti-D.

Nói về lần hiến máu 1.173, lần hiến máu cuối cùng của mình, ông James cho hay: “Tôi hy vọng đó là một kỷ lục mà ai đó sẽ phá vỡ”.

Phương Phương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính