Tưởng như chỉ mới đây thôi, ta vẫn còn xúc động với hình ảnh hơn 3000 học sinh Lương Thế Vinh hát chúc thầy Văn Như Cương mau khỏe.
Thế nhưng giờ đây, cũng những học sinh ấy lại đang chia sẻ những dòng tâm sự về thầy Văn Như Cương với nỗi nghẹn ngào.
Suốt 25 năm gắn bó và cống hiến cho trường THPT Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều người với những cống hiến cho nghề giáo và những chia sẻ đầy thẳng thắn về giáo dục.
Sau khi biết tin thầy Văn Như Cương qua đời vào rạng sáng ngày 9/10/2017, nhiều bạn bè, học sinh đã để lại những tâm sự đầy thương tiếc.
Những kỷ niệm xưa cũ về thầy Văn Như Cương
Học thầy rất nhiều từ cuộc đời lại có nhiều kỷ niệm với PGS. TS. Văn Như Cương, nhà giáo Lê Thống Nhất đã tưởng nhớ về thầy và chia sẻ những điều đáng nhớ về người thầy tận tâm ấy.
'Thời đi học Thầy học giỏi cả hai môn Toán và Văn nhưng Thầy đã coi Toán là xương cốt còn Văn là da thịt của cuộc sống. Cha của Thầy gợi ý 2 lựa chọn để Thầy theo đuổi: Sư Phạm hoặc Kỹ thuật, nhưng Thầy quyết tâm chọn đi vào con đường dạy học.
Năm 1954, Thầy vào học Khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội với ước mơ sẽ làm thầy giáo dạy toán. Tốt nghiệp ra trường chỉ dạy toán một thời gian ở Hà Nội, theo tiếng gọi của Người Thầy mà Thầy yêu quý nhất: Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Thầy Văn Như Cương cùng Thầy của mình vào xây dựng trường Đại học Sư phạm Vinh'.
'Các thầy cô và sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh không chỉ biết tới Thầy là một giảng viên giỏi, dạy rất dễ hiểu, thường ví von kiến thức toán với những điều trong cuộc sống mà còn mê giọng hát của Thầy và trên sân bóng chuyền, Thầy là một 'tay đập' tuyệt vời (mỗi khi đập hỏng là Thầy lại cúi xuống và thả hai cánh tay tỏ ra tiếc).
Thời ấy, cái gì cũng phân phối trong đó có thuốc lá. Một lần đi công tác, Thầy đã nghĩ ra một mẹo bàn với thầy Nguyễn Trọng Tuất (giáo viên môn Nga văn). Với dáng vóc và râu 'như Tây', Thầy cùng thầy Tuất vào một cửa hàng có bán thuốc lá 'phân phối'.
Thầy nói tiếng Nga để thầy Tuất dịch lại và giới thiệu: 'Đây là chuyên gia Liên Xô sang giúp ta, ông ấy hết thuốc lá dự trữ mà đang đi công tác vào phía Nam. Cô có thể linh động bán cho mấy bao không?'.
Cô bán hàng tròn mắt và tất nhiên không tiếc và không sợ gì để bán cho 'ông chuyên gia Liên Xô' hẳn một cây thuốc.
Thế rồi... Thầy trở lại ngôi trường mà Thầy đã từng học ngành sư phạm.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Thầy đã mạnh dạn sáng lập trường Lương Thế Vinh, Hà Nội - trường dân lập đầu tiên của Hà Nội. Mái trường nhanh chóng có thương hiệu trong giáo dục Thủ đô và tiếng tăm lan rộng cả nước.
Từ lúc phải thuê mượn địa điểm, gian nan vất vả đến lúc đã xây được ngôi trường khang trang trên mảnh đất khoảng 1 héc - ta quả là một cố gắng không nhỏ của Thầy'.
Tiếc thương của những người tri âm tri kỷ
Nhà phê bình Văn Giá (Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội) - người đã có khoảng thời gian 20 năm gắn bó với ngôi trường Lương Thế Vinh và thầy Văn Như Cương đã viết những dòng thơ nghẹn ngào.
Bày tỏ sự thương tiếc của mình đối với sự ra đi của 'một nhà sư phạm lỗi lạc' - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ trên trang cá nhân những dòng chia sẻ xúc động dành cho thầy Cương.
'Khi Thầy bị bệnh ung thư phải đi điều trị, hơn 3.000 học sinh toàn trường hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh tiễn Thầy vào bệnh viện. Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin của các em là, những con hạc giấy sẽ giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau khỏi bệnh. Và khi thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón Thầy với tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.
Nhưng Thầy Cương đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 80 tuổi (1937-2017).
Với tôi, Thầy Cương như một người cha, người anh cả và là người bạn vong niên vô cùng quý trọng. Thầy chân thực, tình cảm, thông minh và thẳng tính, thường đưa ra những phát biểu hay bất ngờ, làm cho nhiều người ngạc nhiên và khâm phục.
Ước gì nền giáo dục Việt Nam có được nhiều thầy như Thầy Văn Như Cương. Nhưng thật khó thay. Vì thế mà Thầy ra đi để lại một khoảng trống, như một cây đại thụ nằm xuống để trống một khoảng trời khó lòng bù đắp'.
Thầy Văn Như Cương trong lòng thầy cô giáo và học sinh Lương Thế Vinh
Thầy Lại Tiến Minh chia sẻ: 'Thầy Cương không chỉ là người thầy của những học trò mà còn là người thầy của những thế hệ giáo viên như chúng tôi.
Có một lần thầy kể cho tôi nghe bài học về sự yêu thương của thầy cô dành cho học sinh. Một học sinh phản ứng lại giáo viên chủ nhiệm khi em mắc lỗi, bị phạt.
Thầy nói: 'Học sinh bây giờ tinh lắm, nếu các thầy cô yêu thương các em thật lòng thì chúng sẽ nhận ra là các thầy cô đang giúp chúng tốt lên chứ không phải bị ghét bỏ hay trù dập'.
Câu nói ấy khiến tôi nhớ mãi và luôn cố gắng yêu thương, quan tâm học trò nhiều hơn nữa. Tôi và bao thế hệ học sinh của trường Lương Thế Vinh sẽ luôn ghi nhớ bài học của thầy về sự nhiệt huyết, ý chia, can trường, không lười biếng… và sẽ luôn cố gắng trở thành những người thật tử tế'.
Trong mắt các học sinh của trường, thầy Cương là "giáo sư Dumbledore" của Lương Thế Vinh, người tiếp lửa đam mê và truyền sức mạnh tinh thần để các em vững bước theo đuổi ước mơ.
Học trò của thầy chia sẻ những ký ức vẫn còn đọng lại mãi về thầy, những lời thầy dặn dí dỏm, hài hước nhưng sâu sắc.
Học trò P.T (CHS khóa 2008 – 2012) vẫn chưa thể tin rằng thầy đã ra đi: 'Với chúng em, thầy Cương như một tượng đài sống. Thầy không chỉ là người thầy, mà còn là linh hồn của trường Lương Thế Vinh. Tuy mắc bệnh ung thư, nhưng thầy vẫn kiên cường được 3 năm nên em vẫn không thể tin được thầy đã ra đi.
Mỗi lần nhắc đến thầy, chúng em đều nhắc với lòng tự hào vô điều kiện, rất thật lòng và không hề gò ép. Trong mắt em, thầy Cương giống như ông Bụt. Ngày xưa, được vào trường học, em còn xin chữ ký thầy như thần tượng vậy. Thầy rất dễ gần, em coi thầy như người ông đáng kính của mình'.
Lan Phương (CHS 1996 – 2003) có rất nhiều kỷ niệm dưới mái trường Lương Thế Vinh bởi cô đã gắn bó 7 năm với mái trường này. Với Lan Phương, Lương Thế Vinh giống như ngôi nhà thứ hai của mình vậy.
Chính vì thế, Lan Phương không khỏi bàng hoàng: 'Nghe tin thầy mất, mình có cảm giác như mất đi một phần ký ức về thời học sinh.
Với mình, hình ảnh nhớ nhất là nụ cười của thầy. Người hiệu trưởng hóm hỉnh, vui tươi, với chòm râu dài và đôi mắt sáng, luôn nhìn học trò vui chơi, học tập đầy lấp lánh.
Mình nhớ, cấp 2 trường tổ chức đi chơi ở Kim Bôi. Lúc ấy, thầy còn khỏe, thầy cõng tụi con trai vòng vòng bể, vui và tình cảm lắm. Thầy là người hiệu trưởng tuyệt vời và chúng mình luôn tự hào về điều đó!'.
Có lẽ, tất cả những ai đã từng biết đến thầy Văn Như Cương đều sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người thầy luôn gần gũi với học trò, vừa nghiêm khắc vừa hiền từ, hóm hỉnh ấy.
PGS Văn Như Cương được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng của THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam.
Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường từ năm 2014. PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).
PGS Văn Như Cương có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"...
Đặc biệt, những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn.
Bạn đang xem bài viết Tiễn thầy Văn Như Cương: 'Ru giấc ngủ ngàn năm cho thầy hạc nhé!' tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].