Trước thềm năm học mới, diễn đàn chọn trường tư hay trường công do Gia Đình Mới khởi xướng đã có rất nhiều ý kiến tham gia, chia sẻ.
Mỗi người đều có những lý lẽ riêng, thậm chí có phần 'cực đoan' cho việc gửi gắm con mình vào môi trường giáo dục công hay tư.
Để khép lại diễn đàn này, Gia Đình Mới đã có cuộc trao đổi với PSG Văn Như Cương về vấn đề này:
PV: Thưa PGS Văn Như Cương, có phải việc lựa chọn trường tư thay vì trường công như trước đây đang trở thành 1 xu hướng không, thưa thầy?
PGS Văn Như Cương: Sự thật thì số phụ huynh lựa chọn cho con học trường tư càng ngày càng tăng.
Ở trường Lương Thế Vinh chúng tôi nếu anh hay chị đã và đang học tại trường thì hầu như mọi phụ huynh đều định hướng cho con út phấn đấu vào trường cho bằng được.
Đặc biệt trường Lương Thế Vinh đã hoạt động 29 năm, lứa học sinh đầu tiên đã có con cái học phổ thông cơ sở, và ai cũng muốn gửi con vào ngôi trường mà bố mẹ nó đã học.
Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, được biết đến à một trường Trung học dân lập đào tạo có chất lượng cao, nổi tiếng dạy nghiêm – học nghiêm.
'Linh hồn' của trường chính là PGS Văn Như Cương với hơn 50 năm đóng góp cho sự nghiệp trồng người, một tấm gương mẫu mực về đạo đức người thầy.
PV: Sở dĩ có điều đó là có một số ý kiến cho rằng để con học trường công sẽ khiến con ‘không có tuổi thơ’, thầy nghĩ sao về ý kiến này?
PGS Văn Như Cương: Có người nói như vậy, nhưng cũng có người nói ngược lại.
Dù vậy, nhìn chung nhiều ý kiến cho rằng con em mình học trường tư không nặng nề vất vả, không phải làm bài tập tới khuya, không bị lo nếu điểm kém.
Ngoài giờ học còn được thường xuyên đi tham quan, sinh hoạt câu lạc bộ...
Cố nhiên cũng có trường này trường kia, nhưng theo tôi áp lực của các trường tư đối với học sinh thường không lớn quá.
PV: Ngược lại, cũng có nhiều người phản ánh rằng con học trường tư được thả tự do quá đà, dẫn đến thiếu tính kỷ luật. Quan điểm của thầy như thế nào về vấn đề này?
PGS Văn Như Cương: Chúng ta vẫn nói rằng nền giáo dục được đặt trên cái kiềng ba chân: nhà trường, gia đình và xã hội.
Thiếu một trong ba chân áy thì nền giáo dục không đứng vững chãi và thăng bằng được.
Bởi vậy, nếu gia đình không tham gia vào việc dạy trẻ mà cứ 'trăm sự nhờ nhà trường, nhờ các thầy cô' thì con trẻ chúng ta không phát triển và trưởng thành được.
Lấy ví dụ: nhà trường luôn luôn giáo dục các em phải tôn trọng luật lệ giao thông, nhưng khi ông bố đón con tan học vẫn thường xuyên vượt đèn đỏ thì việc hô hào của các thầy cô trở nên vô nghĩa.
Hiện nay ở các trường công nói chung, việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường rất lỏng lẻo và nặng về hình thức.
Mỗi năm có hai lần họp phụ huynh của lớp mà hình như nội dung chủ yếu chỉ là công bố các khoản tiền mà phụ huynh phải nộp.
Ở các trường tư dường như tiếng nói của phụ huynh có trọng lượng hơn, họ có quyền góp ý với nhà trường trong nhiều vấn đề, thậm chí kể cả việc yêu cầu thay đổi giáo viên, nhà trường theo đó cần phải giải quyết những yêu cầu chính đáng của đa số phụ huynh, vì nếu không sẽ có nguy cơ bị 'mất khách'.
PV: Thưa thầy, điểm khác biệt cơ bản giữa trường công và trường tư là gì?
PGS Văn Như Cương: Điểm khác nhau cơ bản giữa trường công và trường tư là trong một chừng mực nào đó trường tư có quyền tự chủ nhiều hơn trường công.
Trường tư có quyền tự chủ trong việc định ra mức học phí học sinh phải đóng, mức lương và thưởng cho giáo viên, trong việc tuyển chọn giáo viên, trong viêc phân phối chương trình, đưa thêm những môn học mới...
Tất cả các trường công đều giống nhau, đều theo một mô hình, một khuôn khổ nhất định, cứng nhắc và rập khuôn.
Nhưng các trường tư thì đều khác nhau, mỗi trường mỗi khác, tùy theo tiêu chí đầu ra cho học sinh của trường. Chẳng hạn có trường đặt mục tiêu là học sinh có thể đi du học sau khi tốt nghiệp. Khi đó học sinh được học tiếng Anh nhiều và do giáo viên nước ngoài giảng dạy.
PV: Đối với các phụ huynh mà nói thì việc lựa chọn giữa trường công và trường tư luôn là vấn đề ‘đau đầu’ nhất. Vậy liệu các phụ huynh nên lưu ý những điều gì khi quyết định giữa trường công hay trường tư thưa thầy?
PGS Văn Như Cương: Vấn đề đầu tiên cần suy nghĩ khi chọn trương công hay trường tư cố nhiên phải là vấn đề tài chính.
Bởi vì học phí trường tư không hề rẻ, thấp thì khoảng gần 2 triệu đồng/tháng, cao thì có khi đến 10 - 15 triệu đồng/tháng, nói chung là đắt hơn học phí trường công rất nhiều.
Có một số phụ huynh cho rằng học phí càng đắt thì chất lượng giáo dục càng tốt. Họ cho rằng 'đắt thì xắt ra miếng'. Thực ra hoàn toàn không phải thế, tuy ít nhưng trong giáo dục cũng có 'của rởm' đấy.
Sau vấn đề tài chính thì cần xem chương trình học tập của trường có phù hợp định hướng của con em mình hay không.
Cuối cùng là cần theo dõi sát sao việc học tập của con em mình trong năm đầu tiên. Nếu phát hiện ra những vấn đề không ổn thỏa thì hãy tìm cách chuyển sang một trường phù hợp hơn.
PV: Xin cảm ơn thầy!
Đôi nét về PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937.
Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường.
PGS đã chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Mai HoaBạn đang xem bài viết PGS Văn Như Cương: Phụ huynh hãy bỏ tư tưởng 'trăm sự nhờ nhà trường, nhờ các thầy cô' tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].