Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nghiên cứu về các mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam và trên thế giới

Bài viết nghiên cứu các mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm đưa ra một bức tranh về thực trạng các giải pháp phòng chống bạo lực học đường hiện nay, làm cơ sở để định hướng các mô hình và giải pháp hiệu quả hơn tại Việt Nam.

 Tác giả: Nguyễn Thị Hiền - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

nckh

TÓM TẮT:

Từ nhiều năm nay, bạo lực học đường vẫn là một trong những vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh trong môi trường học đường, mặc dù đây được coi là môi trường giáo dục chuẩn mực nhất. Bài viết tổng hợp một số mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam và trên thế giới, trong đó có điểm lại thực trạng bạo lực học đường hiện nay. Từ đó đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng bạo lực học đường và những mô hình phòng chống bạo lực học đường phổ biến ở một số quốc gia và ở Việt Nam gần đây. Qua đó, bài viết rút ra kết luận về đặc điểm chung của các mô hình hiện nay để làm cơ sở định hướng phát triển, xây dựng các mô hình hiệu quả, phù hợp với bối cảnh mới.

TỪ KHÓA: Bạo lực học đường, phòng chống bạo lực học đường, mô hình phòng chống bạo lực học đường, kĩ năng, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 1895/QĐ-TTg trong ngành Giáo dục. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là “Xây dựng tài liệu hướng dẫn xử lí tình huống, rèn kĩ năng sống, kĩ năng phòng chống bạo lực học đường, tư vấn tâm lí, pháp lí cho học sinh các cấp”. Như vậy, phòng chống bạo lực học đường được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung. Theo đó, rất nhiều chính sách (Quyết định số 1895/QĐ-TTg, Kế hoạch 588/ KH-BGDĐT về phòng, chống bạo lực học đường năm 2019, chỉ thị 993/CT-BGDĐT về việc Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục…) và hàng loạt các giải pháp phòng chống bạo lực học đường dựa vào trường học, một số mô hình phối hợp giữa trường học và các lực lượng địa phương đã được nghiên cứu và thực hiện. Tuy nhiên, phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều hạn chế, nhiều về số lượng nhưng thực tế chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Các giải pháp chủ yếu tập chung vào tuyên truyền, lồng ghép và một số kĩ năng xử lí khi đã xảy ra bạo lực học đường. Hầu hết chỉ dừng ở các giải pháp đơn lẻ, mang tính ứng phó trước mắt sẽ khó mang lại hiệu quả lâu dài đối với việc phòng chống bạo lực học đường. Vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng một mô hình phòng chống bạo lực học đường theo một quy trình có tính hệ thống, dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học, phân tích các mối quan hệ và có cơ chế vận hành linh hoạt sẽ giúp đạt được mục tiêu. Mô hình phòng chống bạo lực học đường phù hợp sẽ giúp giải quyết vấn đề bạo lực từ gốc dễ và hiệu quả dài hạn. Bài viết nghiên cứu các mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm đưa ra một bức tranh về thực trạng các giải pháp phòng chống bạo lực học đường hiện nay, làm cơ sở để định hướng các mô hình và giải pháp hiệu quả hơn tại Việt Nam.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Khái niệm cơ sở

Bạo lực học đường: Bạo lực học đường được hiểu là những hành vi bạo lực diễn ra trong phạm vi trường học, hoặc là những hành vi bạo lực của học sinh, sinh viên, các em trong độ tuổi đến trường. Bạo lực học đường bao gồm bạo lực ngôn từ, bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể diễn ra trong các mối quan hệ của học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với giáo viên, trong đó phổ biến hơn cả là bạo lực giữa học sinh với nhau. Hành vi bạo lực có thể xảy ra trong và ngoài trường học [1], [2].

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khái niệm về bạo lực học đường, là “Hành vi cố ý dùng sức mạnh thể chất hoặc uy quyền để đe dọa hoặc thực hiện hành vi chống đối lại bản thân, người khác hoặc một nhóm người hay một cộng đồng, gây ra hoặc làm gia tang khả năng tổn thương về tâm lí, ảnh hưởng đến sự phát triển hay gây ra sự mất mát” [1], [3].

Ở một quan niệm khác, bạo lực học đường được xem là một dạng hành vi lệch chuẩn ở học sinh. Có thể coi đó là hành vi chống đối, hành vi vi phạm vi quy tắc, chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trường học…, thể hiện ở nhận thức, hành vi và thái độ của các học sinh. Trong bài viết, chúng tôi cho rằng, bạo lực học đường là các hành động, hành vi làm tổn hại đến thể chất, tinh thần và vật chất của người khác dưới nhiều hình thức khác nhau (dùng vũ lực, vũ khí, lời nói làm tổn hại người khác) diễn ra trong hoặc ngoài phạm vi môi trường học đường.

2.2. Thực trạng bạo lực học đường trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay

a. Trên thế giới

Tình trạng bạo lực học đường đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn thế giới. Dưới đây là một số thống kê về thực trạng bạo lực học đường ở các quốc gia và khu vực trên thế giới:

Số liệu của Unicef (2018) cho thấy, khoảng 50% thanh thiếu niên hiện nay đã và đang là nạn nhân của bạo lực học đường. Trong đó, học sinh độ tuổi từ 13 đến 15, cứ ba em sẽ có hơn một em từng bị bắt nạt. Theo đó, bạo lực học đường cũng là làm gián đoạn việc học tập cho khoảng 150 triệu trẻ em tuổi từ 13- 15 trên thế giới [3].

Số liệu của UNESCO công bố 2017, số trẻ em và vị thành niên bị bạo lực học đường tăng lên con số 246 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.

Một kết quả từ Khảo sát về Tội phạm và An toàn Trường học của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (Mĩ, 2020) đã công bố: Trong năm học 2019 - 2020, khoảng 939.000 vụ bạo lực xảy ra ở các trường công lập Hoa Kì. 70% trường học cho biết đã gặp ít nhất một vụ bạo lực và 62% cho biết đã gặp ít nhất một sự cố bất bạo động. 60% trường học cho biết có ít nhất một vụ tấn công hoặc đánh nhau mà không có vũ khí ở trường. Dữ liệu từ Khảo sát nạn nhân tội phạm quốc gia Mĩ.

Tại báo cáo Khảo sát về Tội phạm và An toàn Trường học của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (Mĩ, 2021), Hệ thống giám sát tử vong do bạo lực liên quan đến trường học (SAVD-SS, Mĩ) công bố, đã có tổng cộng 39 trường hợp tử vong do bạo lực liên quan đến trường học ở Hoa Kì trong năm học 2018 - 2019, bao gồm 29 vụ giết người và 10 vụ tự sát. Trong năm 2020 - 2021, có 93 vụ xả súng ở trường học gây thương vong. Điều này bao gồm 43 vụ xả súng ở trường học có người chết và 50 vụ xả súng ở trường học có người bị thương. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Trung Quốc công bố số liệu nghiên cứu (2016): có 2.337 học sinh vi phạm và bị kết tội liên quan đến bạo lực học đường. Đại học Sư phạm Hoa Trung, Trung Quốc cũng đã thực hiện một khảo sát về hiện đại hoá quản trị giáo dục trên hơn 10.000 học sinh, thuộc hơn 130 trường tiểu học và trung học, kết quả đưa ra là bắt nạt trường học lên đến 32,4%, bao gồm bạo lực qua các mối quan hệ tiêu cực chiếm 10,5%, bạo lực ngôn từ chiếm 17,4%, bạo lực về thân thể: 12,7%, bạo lực qua mạng 6,8%. Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường cũng được đưa ra là: thiếu sự quan tâm, giáo dưỡng của gia đình, nhà trường thiếu trách nhiệm trong bảo vệ học sinh, xã hội, cộng đồng thiếu sự giám sát, quan tâm đến trẻ vị thành niên [3], [4].

Bộ Giáo dục và Đào tạo Nhật Bản thực hiện cuộc khảo sát (năm 2016) đã công bố về các vụ bắt nạt ở trường tiểu học và trung học đạt mức kỉ lục với 224.540 vụ, so với năm 2015 con số này đã tăng hơn 36.400 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận số lượng các ca bạo lực học đường tăng vọt 10 năm gần đây. Cụ thể, năm 2013, báo cáo có 11.749 vụ bạo lực học đường, tăng hơn gấp đôi so với 2019 và gần một nửa là bạo lực thể xác. Tuy nhiên, các vụ bạo lực bằng tinh thần, ngôn từ, giam giữ, ép buộc, thậm chí cả bạo lực tình dục đã và đang gia tăng theo thời gian [5].

Tại Thái Lan (2018), Cục Sức khỏe tâm thần, Bộ Y tế Thái Lan đưa ra con số khoảng 600.000 trẻ em Thái Lan bị bạo lực trong trường học, chiếm khoảng 40% tổng học sinh toàn quốc và xếp thứ hai trên toàn cầu, đứng sau Nhật Bản. Năm 2020, Mạng lưới Luật sư vì trẻ em và thanh thiếu niên (Thái Lan) cũng thực hiện một khảo sát với học sinh từ 10-15 của 15 nhà trường trong cả nước. Kết quả cho thấy, gần 92% học sinh thừa nhận từng bị bắt nạt; khoảng 69% học sinh nhận định rằng bắt nạt cũng là một loại hình bạo lực. Trong đó, khoảng 35% học sinh thừa nhận đã từng bị bắt nạt tối thiểu từ một đến hai lần một học kì và trong số đó, khoảng 25% em thừa nhận đã phải chịu tối thiểu ba, bốn lần bị các bạn bắt nạt trong một tuần [3], [4].

b. Ở Việt Nam

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2011 đến hết quý I năm 2018: Toàn quốc xảy ra 18.571 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường ở các đối tượng là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Trong đó có

32.418 là người gây bạo lực và 15.757 người bị bạo lực. Các trường hợp hầu hết là hành vi đánh nhau có thương tích (64,01%), bạo lực tinh thần (4,92%), bạo lực tình dục (1,37%) và hình thức khác (26,9%). Phần lớn các vụ việc diễn ra bên trong trường học (hơn 53%). Về địa bàn xảy ra bạo lực: Ở nông thôn chiểm đến 51,8%; Khu vực thành thị chiếm hơn 30% và khoảng 15% diễn ra ở vùng miền núi, trung du. Về đối tượng tham gia bạo lực chủ yếu là bạo lực giữa học sinh với nhau.

Báo cáo từ Bộ Công an (2012) về thực trạng phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện cho thấy: Ở lứa tuổi chưa thành niên (16 đến 18 tuổi) có xu hướng tăng lên, với tỉ lệ chiểm khoảng 60% ; Phạm tội của trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 là 32% ; với trẻ dưới 14 tuổi là 8%. Ngoài ra, trong toàn quốc các vụ phạm tội do trẻ em, vị thành niên tăng 231 vụ so với năm 2011, đối tượng phạm tội nhiều nhất là học sinh trung học cơ sở với 41,8%, trung học phổ thông với 31,9%. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là điểm nóng, với đối tượng chưa thành niên tăng 11,08% so với 2011, cao nhất cả nước [1], [6].

Viện Nghiên cứu Y học - Xã hội học và tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện khảo sát về bạo lực trường học tại 30 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại thành phố Hà nội. Kết quả cho thấy, 80% học sinh thừa nhận đã từng bị bạo lực giới tối thiểu một lần trong trường học, 71% các em đã từng bị bạo lực trong 6 tháng gần đây. Khảo sát cũng đưa ra các nhóm bạo lực phổ biến : 73% là bạo lực về tinh thần như đe doạ, xúc phạm, đổ lỗi, chửi mắng; 41% là bạo lực về thân thể gồm đánh, đá, kéo tóc, tát, đẩy...; 19% là tỉ lệ bạo lực tình dục gồm việc nhắn tin có nội dung kích thích, tình dục, chia sẻ thông tin, video về tình dục… Nghiên cứu tuy tiến hành trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2014, cho thấy một bức trang hiện trạng đáng cánh báo về bạo lực trong trường học [1], [7].

Báo cáo Kháo sát hành vi sức khoẻ học sinh toàn cầu tại Việt Nam (2019), kết quả khảo sát số học sinh bị bắt nạt trong 30 ngày trước khi tham gia khảo sát cho thấy: có 22,1% bị bắt nạt do ngoại hình, tóc hoặc khuôn mặt; 15% bị bắt nạt dưới hình thức đánh bằng tay, bằng chân hoặc bị xô đẩy; 11,9% bị trêu đùa tục tĩu; 6,3% hoàn toàn bị tẩy chay; 3,6% đã từng trải qua việc bị phân biệt chủng tộc, màu da; 2,7% đối mặt với sự phân biệt tôn giáo và 39,6% bị bắt nạt theo một số cách khác [8].

Bộ Công an (tháng 5 năm 2023) đưa ra con số khoảng 7000 học sinh bị kỉ luật do hành vi đánh nhau, dọa dẫm, lôi kéo đánh bạn trên phạm vi toàn quốc.

Như vậy, có thể thấy một bức tranh về bạo lực học đường đang diễn ra hết sức căng thẳng ở khắp nơi trên thế giới và ở mọi trường học với vô số các hình thức khác nhau. Dưới ảnh hưởng của công nghệ khoa học, của mạng Internet, bạo lực học đường ngày càng phức tạp và gia tăng. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp, mô hình phòng, chống bạo lực học đường là vô cùng cấp thiết và quan trọng.

2.3. Một số mô hình phòng chống bạo lực học đường ở các quốc gia trên thế giới

a. Mô hình Cardiff - Mô hình phòng chống bạo lực nói chung

Mô hình Cardiff được tạo ra bởi Jonathan Shepherd, một bác sĩ phẫu thuật và giáo sư tại Đại học Cardiff ở Wales, Vương quốc Anh. Năm 1996, Shepherd đã tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, lãnh đạo thực thi pháp luật và các bên liên quan khác trong cộng đồng để thảo luận về khái niệm chia sẻ dữ liệu và phát triển các biện pháp can thiệp ngăn ngừa bạo lực. Đến năm 1998, Mô hình Cardiff trở thành phương pháp chính để ngăn chặn bạo lực trên khắp Vương quốc Anh. Mô hình đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các giải pháp đối với bạo lực như thay đổi môi trường của những nơi bạo lực (tăng cường chiếu sáng đường phố và tạo ra nhiều đường phố thân thiện với người đi bộ hơn), thay đổi chính sách (Chuyển từ dụng cụ pha lê bằng thủy tinh sang nhựa trong quán rượu) và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ đối tác cộng đồng (Tăng cường các chương trình hợp tác với giáo sĩ để hỗ trợ ngăn chặn bạo lực).

Mô hình Cardiff là một cách tiếp cận đa cơ quan để ngăn chặn bạo lực dựa trên việc sử dụng thông tin có chiến lược từ các tổ chức thực thi pháp luật và y tế để cải thiện các chương trình ngăn ngừa bạo lực cộng đồng và kiểm soát chính sách. Cơ sở của mô hình là chia sẻ thông tin. Trong môi trường chăm sóc sức khỏe, dữ liệu thương tích liên quan đến bạo lực bao gồm địa điểm, thời gian, ngày tháng và cơ chế thương tích được thu thập.

Mô hình Cardiff dựa trên quan hệ đối tác bền vững giữa các cơ quan y tế, thực thi pháp luật, y tế công cộng, các cơ quan chính phủ khác và các tổ chức cộng đồng. CDC đã hợp tác với Tiến sĩ Shepherd để tiến hành đánh giá trong nhiều năm so sánh kết quả bạo lực ở Cardiff, Wales với trải nghiệm ở 14 thành phố tương tự. Kết quả cho thấy các thương tích do cảnh sát ghi nhận đã giảm 32% (so với các vụ hành hung nghiêm trọng ở Mĩ) và giảm 42% số ca nhập viện vì các thương tích liên quan đến bạo lực [4], [9].

Với mô hình kiểm soát bạo lực này, Việt Nam có thể vận dụng trong phòng chống bạo lực học đường, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan giáo dục với cơ quan y tế, pháp luật, tổ chức cộng đồng, nhằm thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hành vi bạo lực của học sinh, trẻ vị thành niên để nắm được sơ đồ cơ bản về địa điểm, thời gian thường xảy ra bạo lực học đường, cơ chế gây thương tích, tổn thương của hành vi bạo lực…

b. Mô hình phòng ngừa bạo lực học đường trong trường học của Tổ chức Y tế Thế giới (2019) [3], [9]

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra các nội dung chính cho mô hình triển khai phòng chống bạo lực học đường nói chung như sau:

- Phát triển lãnh đạo, chính sách trường học và các phương pháp phối hợp: Thành lập nhóm điều phối để giải quyết bạo lực; xây dựng chính sách trường học về bạo lực, lên án bạo lực và đảm bảo công bằng cho tất cả; Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

- Thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi những thay đổi theo thời gian: Từ dữ liệu thu thập để theo dõi, giám sát về địa điểm, thời gian, cách thức, đối tượng thực hiện bạo lực học đường; thiết lập hệ thống hồ sơ lưu trữ về các vụ bạo lực học đường, cách xử lí của nhà trường và đảm bảo các thông tin được giữ riêng tư, tôn trọng cá nhân.

- Ngăn chặn bạo lực học đường thông qua các hoạt động dựa trên chương trình giảng dạy, có thể gồm những hoạt động như: phát triển kĩ năng sống cho học sinh, dạy về hình vi an toàn và tự vệ bản thân, giải quyết các yếu tố ảnh hưởng đến bạo lực học đường như sử dụng chất, thành tích học tập kém…

- Đào tạo đội ngũ giáo viên về các giá trị, niềm tin (Củng cố niềm tin tích cực về giá trị chuẩn mực xã hội, loại bỏ niềm tin tiêu cực) và kỉ luật tích cực, kĩ năng quản lí lớp học.

- Đào tạo lực lượng tham gia về kĩ năng xử lí bạo lực: Đào tạo, tập huấn cho giáo viên, nhân viên nhận biết hành vi bạo lực, cách khai thác học sinh để phát hiện bạo lực học đường, quản lí tình huống bạo lực học đường, sử dụng kỉ luật tích cực và kĩ năng quản lí trực tiếp xử lí tình huống có bạo lực, tập huấn cho cha mẹ về nhận biết hành vi bạo lực, cách xử lí và hỗ trợ con cái khi bị bạo lực học đường hoặc gây ra bạo lực học đường.

- Xem xét và thay đổi bối cảnh, khuôn viên trường học nhằm giảm thiểu bạo lực học đường diễn ra: Giám sát và thay đổi địa điểm dễ xảy ra bạo lực trong trường, đảm bảo trường học sạch sẽ, an toàn và có sự riêng tư nhất định giữa nam và nữ.

- Kết nối sự tham gia của cha mẹ học sinh trong phòng chống bạo lực học đường: Thông báo cho cha mẹ học sinh về các chính sách, hoạt dộng ngăn ngừa bạo lực học đường của nhà trường, phối hợp trong việc hỗ trợ học tập cho học sinh, mời cha mẹ học sinh tham gia ban diều phối hoạt dộng phòng ngừa bạo lực học đường, nâng cao nhận thức về bạo lực học đường cho toàn bộ cha mẹ học sinh bằng nhiều cach thức.

- Thu hút sự tham gia của cộng đồng: Chủ động tham gia vào các ban điều phối đa ngành về phòng chống bạo lực học đường của địa phương, cơ quan liên quan; Thu hút sự tham gia hưởng ứng của các thành viên khác trong cộng đồng vào ban điều phối hoặc tham gia các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường tại trường học.

- Đánh giá hoạt động phòng ngừa, đưa ra các con số lượng giá cụ thể và các bằng chứng xác thực để củng cố các phương pháp phòng ngừa đã triển khai cũng như những điều chỉnh cần thiết.

Đây là những nội dung chính, quan trọng để các quốc gia có thể vận dụng và xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện, môi trường của đất nước.

Với mô hình này, bài học cho Việt Nam đó là: Vận dụng xây dựng một mô hình phòng chống bạo lực học đường chặt chẽ từ chính sách đến thực thi. Trong đó, chú trọng khâu đào tạo, chuẩn bị nhân lực tham gia như: Đào tạo kiến thức, kĩ năng xử lí bạo lực cho các đối tượng; Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lí vận hành vô hình; Đào tạo cha mẹ học sinh và học sinh về phòng chống bạo lực học đường; Xem xét các yếu tố về môi trường, địa điểm nhằm giảm thiểu hành vi bạo lực; Thu hút sự tham gia của nhiều lực lượng từ nhà trường đến xã hội để đạt hiệu quả lâu dài, bền vững; Thu thập dữ liệu ban đầu để có bước đánh giá tình trạng chuẩn xác, cũng như đánh giá sau quá trình thực hiện để rút ra kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.

c. Mô hình “Phó hiệu trưởng pháp chế” tại Trung Quốc [9]

Trung Quốc một trong những điểm nóng về bạo lực học đường cũng như các vấn đề xã hội khác trong trường học bởi cơ cấu trường học và mật độ dân cư cao. Bạo lực học đường do vậy được xã hội đặc biệt quan tâm. Một trong những mô hình phổ biến những năm gần đây ở Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào việc phòng, chống các vụ bạo lực trường học. Đó là mô hình Phó Hiệu trưởng pháp chế. Mô hình này xây dựng ở mỗi trường học một chức danh gọi là Phó Hiệu trưởng pháp chế, người đảm nhiệm chức vụ được mời từ các cơ quan luật pháp như tòa án, viện kiểm soát, cơ quan công an, cơ quan tư pháp… với tư cách chức danh kiêm nhiệm. Với mô hình này, đã được Bộ Giáo dục Trung Quốc thông qua và ban hành quy chế tuyển dụng, quản lí đối với chức danh trên và được thực hiện tại các trường phổ thông từ tiểu học đến trung học trên cả nước. Trung Quốc coi đây là một trong những giải pháp chủ lực trong phòng ngừa bạo lực ở trường học. Vai trò của Phó hiệu trưởng pháp chế với tư cách, chuyên môn là người nắm rõ về pháp luật, sẽ đảm nhiệm các công việc chính như:

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục pháp luật (đặc biệt kiến thức pháp luật liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em..), tham gia giảng dạy cho học sinh, giáo viên, phụ huynh trên lớp học, trong đó có thông qua phân tích các tình huống, vụ việc thực tế để thấy rõ nguyên nhân, tác hại của hành vi từ đó cung cấp kiến thức, kĩ năng phòng, xử lí tình huống cho người học.

- Tham gia cùng nhà trường trong xây dựng và thực thi các quy định, nội quy, kỉ luật trường học đảm bảo tính đúng đắn về luật pháp, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Phó Hiệu trưởng pháp chế giữ vai trò là người đưa định hướng, xây dựng kế hoạch, các giải pháp, hoạt động phòng chống bạo lực cho trường học theo năm học.

- Phát hiện và đưa ra các giải pháp kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực khi nó xảy ra trong và ngoài trường học.

- Tìm ra các nguy cơ bạo lực để có phương án xử lí, tổ chức hoạt động phòng ngừa để phòng chống hành vi bạo lực từ sớm.

- Xử lí các vụ bạo lực đã xảy ra căn cứ trên pháp luật một cách khách quan, công bằng nhằm răn đe, giáo dục hành vi một cách triệt để.

Có thể thấy, mô hình trên đã phát huy những điểm mạnh về tính giáo dục, răn đe nghiêm khắc với hành vi bạo lực, giáo dục học sinh tuân thủ pháp luật, tôn trọng cá nhân khác theo tôn chỉ luật pháp. Mô hình đã được Bộ Giáo dục Trung Quốc xác định là trương trình quốc gia, được đầu tư bài bản, tiếp tục cải tiến, điều chỉnh thường xuyên về nội dung, hình thức, phương pháp… để đáp ứng nhu cầu thực tế của các trường học. Tuy nhiên, một phần hạn chế của mô hình là chưa tính đến việc tìm hiểu các nguyên nhân tâm sinh lí của học sinh để hỗ trợ các em vượt qua khó khăn về tâm lí, xoá bỏ suy nghĩ tiêu cực, loại bỏ hành vi bạo lực. Dù vậy, tính đến nay, các trường học ở Trung Quốc đều vận dụng mô hình này, với vai trò chính là phòng, chống hành vi bạo lực trường học. Mô hình đã đem lại những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong phòng, chống và giảm thiểu các vụ bạo lực học đường ở Trung Quốc.

đến nay, các trường học ở Trung Quốc đều vận dụng mô hình này, với vai trò chính là phòng, chống hành vi bạo lực trường học. Mô hình đã đem lại những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong phòng, chống và giảm thiểu các vụ bạo lực học đường ở Trung Quốc.

d. Mô hình “Tổ hòa giải” ở Nga [9]

Mô hình được thực hiện tại trường học, trong đó nhà trường lập một tổ hoạt động riêng có các thành viên gồm giáo viên, cha mẹ học sinh và một số học sinh được chọn. Tổ này được tập huấn về kiến thức, kĩ năng thực hiện hòa giải, xử lí mâu thuẫn, xử lí tình huống với phương châm xây dựng bầu không khí an toàn, hướng tới sự hoà bình, đoàn kết, gắn bó hơn giữa các cá nhân có mâu thuẫn. Mục đích và nhiệm vụ của tổ hòa giải là hàn gắn các mối quan hệ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bạo lực, mâu thuẫn. Theo đó, tổ sẽ tìm cách xử lí mâu thuẫn theo hướng có lợi nhất cho các bên, thúc đẩy sự thương lượng, hợp tác của các bên, tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở, các bên được tôn trọng quyền cá nhân, được tự trình bày những bức xúc và được cảm thông, thấu hiểu, không gây áp lực, không dùng từ ngữ đe dọa, ép buộc... Từ đó, các bên tìm đến sự thỏa hiệp phù hợp, có sự thấu hiểu vai trò, vị trí của đối phương, nạn nhân được chữa lành, người phạm lỗi có sự ăn năn, hai bên được hướng dẫn để tránh lặp lại mâu thuẫn, có sự tham gia hòa giải của cả cha mẹ hai bên gia đình giúp quá trình hòa giải triệt để hơn. Như vậy, nòng cốt của mô hình là tăng cường gắn kết, xây dựng môi trường lành mạnh chung và mọi người hướng tới việc giải quyết mâu thuẫn bằng chia sẻ, giao tiếp, hòa giải. Mô hình này đã được thực hiện hơn 20 năm tại Nga. Ở nhiều địa phương, mô hình tổ hòa giải đã triển khai đến con số hàng trăm tổ, nhóm. Tại Thủ đô Moskva, mô hình được nhân rộng bằng việc tổ chức đào tạo cho một lượng lớn giáo viên để triển khai trong các trường học. Sở Giáo dục Thành phố hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ mới, trong đó mời các cán bộ về hòa giải có kinh nghiệm dầy dặn làm việc tại các tổ hòa giải ở các trường học chia sẻ. Các buổi học sẽ có phân tích các ca xử lí khó, điển hình để các cán bộ học tập, rút kinh nghiệm. Mô hình này được cha mẹ học sinh hưởng ứng và ủng hộ tích cực. Những thành quả gặt hái được là cha mẹ được giao tiếp tích cực hơn với nhau và với con cái sẵn sàng chấp nhận lỗi của con và bản thân.

Mô hình tổ hòa giải ở Nga có thể vận dụng kết hợp trong hoạt động phòng ngừa, tư vấn của tổ tư vấn trường học tại Việt Nam nhằm tối ưu hóa điều kiện thực hiện. Phát huy và nhân rộng thành tổ hòa giải độc lập chuyên về phòng chống bạo lực học đường trường học để có thể kiểm soát tốt hơn các hành vi bạo lực.

2.4. Một số mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay

Một số mô hình phòng ngừa đã thực hiện tại trường học hiện nay ở Việt Nam:

- Trường Trung học cơ sở Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang thành lập mô hình phòng chống bạo lực học đường (2019). Tháng 9 năm 2019, Uỷ ban nhân dân thành phố cùng phường Mỹ Thời, Trường Trung học cơ sở Mỹ Thới phối hợp thành lập mô hình về phòng chống bạo lực trường học. Trong đó, thành lập tổ thực hiện với đối ngũ điều hành có lãnh đạo, công an phường nơi cư trú, lãnh đạo nhà trường, thầy cô chủ nhiệm, đại diện cha mẹ học sinh và một số gia đình buôn bán cạnh, gần trường học. Mục tiêu chính của mô hình này là hướng học sinh tới việc chấp hành nội quy, quy định của trường học và quy định pháp luật. Trong đó có các hoạt động chính gồm: Phổ biến tuyên truyền và giám sát việc chấp hành quy định học đường của toàn thể học sinh; Tìm hiểu và nắm rõ các nhóm học sinh cá biệt, nhóm học sinh hay tụ tập gây sự với học sinh khác bên ngoài cổng trường để kịp thời ngăn chặn, xử lí trước khi sự việc nghiêm trọng hơn. Đồng thời, có kế hoạch giáo dục, động viên các em học sinh nguy cơ thay đổi tích cực, hiểu, chấp hành nội quy, quy định, không thực hiện hành vi gây hấn, bạo lực với người khác… Tổ điều hành đồng thời cũng thực hiện vận động người dân cũng như toàn thể tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực thường xuyên, tích cực. Công an phường Mỹ Thới được phân công việc giám sát, thực thi, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân cùng làm, hướng tới mở rộng mô hình đến các trường học khác trên địa bàn.

- Mô hình câu lạc bộ “Phòng, chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường” của Trường Trung học phổ thông Phong Phú, huyện Cầu Kè, thành phố Trà Vinh. Được biết đến là một trường chuẩn của thành phố, với 20 năm phát triển, ngoài những thành tích đạt được, nhà trường cũng tồn tại những hiện tượng bạo lực học đường khó kiểm soát. Với mục tiêu phòng, đẩy lùi bạo lực nơi trường học, mô hình câu lạc bộ Phòng chống vi phạm pháp luật và bạo lực học đường được thành lập từ 2021 đến nay. Mô hình huy động sự tham gia của cán bộ nhà trường, đại diện cơ quan công an, các cơ quan đoàn thể nơi cư trú như đoàn thanh niên, công đoàn, ban phụ huynh, đại diện cư dân, trong đó phụ trách chính là hiệu trưởng nhà trường. Mục tiêu chính của mô hình hướng tới xây dựng môi trường an toàn, đảm bảo trật tự trong phạm vi trường học và khu vực lân cận. Ban quản lí câu lạc bộ xây dựng kế hoạch, đưa ra các nhiệm vụ, phân công công việc cho các thành viên và giám sát thực hiện. Nhiệm vụ của câu lạc bộ gồm: Phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh, cán bộ nhân viên. Đặc biệt, hoạt động chào cờ, sinh hoạt lớp, giờ học giáo dục công dân được lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực nơi trường học… Ngoài ra, các thông tin tuyên truyền phòng chống còn được phổ cập qua trang wed nhà trường, mạng xã hội của các tổ chức đoàn đội, hội cha mẹ thường xuyên. Câu lạc bộ cũng tổ chức các hoạt động giáo dục cho sinh có nguy cơ dùng bạo lực và bị bạo lực nhằm ngăn chặn, hỗ trợ các em. Mô hình vận hành đến nay đã mở rộng ra được hơn 90 câu lạc bộ tương tự trên địa bàn thành phố, góp phần vào công tác phòng chống bạo lực học đường nói chung rất tích cực [10], [11].

- Mô hình “An toàn mạng Internet”: Mô hình được thực hiện ở một số trường học ở tỉnh Nghệ An và Hà Nam. Các bước triển khai của mô hình đó là:

1) Thành lập nhóm phòng ngừa bắt nạt (với đại diện là lãnh đạo nhà trường, cán bộ tâm lí, nhóm cán bộ nghiên cứu);

2) Huy động các lực lượng khác nhau cùng tham gia vào nhóm gồm giáo viên, cha mẹ, cán bộ, nhân viên nhà trường;

3) Thực hiện hoạt động đánh giá thực trạng;

4) Phối hợp với đội phòng ngừa để thiết lập các chính sách/quy định của trường học để khắc phục việc bắt nạt;

5) Mở các khóa, lớp học cho giáo viên, nhân viên và các đối tượng liên quan nhằm cung cấp kiến thức, kĩ năng, giải pháp;

6) Với đối tượng học sinh - đối tượng quan trọng trong phòng chống bắt nạt: Tổ chức lớp học hỗ trợ các em phòng chống bắt nạt theo cả hình thức lớp học và toàn trường với sự giám sát của nhóm nghiên cứu;

7) Thường xuyên thực hiện các chương trình phòng ngừa bắt nạt trực tuyến với các hình thức như thi vẽ tranh, thi thiết kế poster với chủ đề liên quan;

8) Bước cuối cùng là nhận định, đánh giá lại quá trình nhằm rút kinh nghiệm và điều chỉnh [10], [11].

- Mô hình “Tự quản của học sinh trong việc phòng, chống bạo lực học đường” Trường Trung học phổ thông Cần Giuộc, Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình này có sự tham gia của nhiều lực lượng từ công an huyện, ban chỉ đạo phong trào của trường, cán bộ, giáo viên nhà trường. Mục tiêu của mô hình gồm: Tuyên truyền, trao đổi, thông tin tình hình, cung cấp cách thức hoạt động của tội phạm ma túy; tác hại của ma túy; bạo lực học đường; luật giao thông,... Tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát giao thông, nhà trường và các lực lượng phối hợp nhằm đảo bảo an toàn cho học sinh trên đường đi học. Quản lí, xử lí các nguồn thông tin phản ánh về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh [10], [11].

Ngoài ra, còn một số mô hình phòng chống bạo lực học đường trong phạm vi nhà trường cũng đã được thực hiện tại Hà Nội, Hải phòng… và một số mô hình khác như mô công tác xã hội, mô hình tham vấn học đường vận dụng trong phòng chống bạo lực học đường trong trường học cũng được một số địa phương tiến hành như: Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang triển khai mô hình Công tác xã hội trường học (từ năm 2014). Mô hình đã tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng, nghiệp vụ tham vấn, kĩ năng làm việc với trẻ em, hỗ trợ cho công tác phòng chống bạo lực học đường. Tuyên truyền thông tin về số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em, phòng chống mua bán người của tỉnh 18008077 và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tại các trường học. Mở rộng việc niêm yết, quảng bá, chia sẻ, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, bảo vệ cho trẻ em ở cộng đồng nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em. Hiện nay, mô hình tham vấn tâm lí đã được khá nhiều trường phổ thông ở các thành phố cũng như địa phương triển khai và thông qua đó kết hợp để phòng ngừa bạo lực học đường cho học sinh, tuyên truyền kiến thức cho giáo viên, cha mẹ học sinh [12]. Tuy nhiên, các mô hình phòng chống bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay có đặc điểm sau:

- Về nghiên cứu, còn hạn chế về số lượng và quy mô, mới chỉ tiến hành thử nghiệm, chưa thể hiện được sự tương thích, phù hợp ở phạm vi quốc gia. Do đó, cơ sở tư liệu còn yếu để triển khai thực hiện.

- Các mô hình đã tổ chức tại một số trường phổ thông mang tính chất nhỏ lẻ, tự túc của cơ sở giáo dục, kết hợp với một số đoàn thể địa phương. Nội dung chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong một số buổi sinh hoạt toàn trường, treo biển bảng tuyên truyền.

- Giáo dục thông qua lồng ghép, tích hợp vào môn học và một số hoạt động giáo dục trong trường học như hoạt động ngoài giờ lên lớp nhưng không thường xuyên do lịch trình học tập trong trường học hạn hẹp. Lực lượng tham gia mỏng, chủ yếu lực lưỡng nhà trường do vậy tính chuyên sâu của việc phòng chống không cao, thiếu hiệu quả.

- Triển khai các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh về phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, thời gian tập huấn ngắn hạn, không thường xuyên, nội dung chủ yếu kiến thức, thiếu thực hành và mang tính hình thức.

- Các giải pháp từ phía gia đình, cộng đồng cũng mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, mạng xã hội.

- Một số mô hình được triển khai trong trường học. Tuy nhiên, đây là những mô hình quy mô nhỏ, triển khai trong nhà trường và vẫn mang tính chất phong trào, triển khai tập trung vào việc tuyên truyền phổ biến kiến thức và thông qua một số hoạt động lồng ghép trong các hoạt động giáo dục nhà trường.

3. Kết luận

Bài viết đã tổng kết một số mô hình phòng chống bạo lực học đường điển hình ở quốc gia lớn trên thế giới gồm: Tổ chức Y tế Thế giới, Hoa Kì, Trung Quốc, Nga. Các mô hình đã cho thấy những kết quả nhất định, giúp giảm thiểu hành vi bạo lực học đường trong trường học, các mô hình được nghiên cứu và nhân rộng tại nhiều địa phương và trường học như ở Trung Quốc và Nga. Qua các mô hình trên, bài viết cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho giáo dục Việt Nam trong xây dựng mô hình phòng chống bạo lực học đường hiện nay như về liên kết cơ sở dữ về bạo lực học đường liệu giữa giáo dục, y tế, cơ quan pháp luật, cộng đồng nhằm tạo ra ma trận kiểm soát việc phát sinh hành vi bạo lực; Bài học từ việc xây dựng quy trình hoàn chỉnh từ chính sách đến thực thi của Tổ chức Y tế Thế giới. Vận dụng bài học về sử dụng cán bộ pháp luật tham gia vào vị trí quan trọng trong phòng ngừa bạo lực ở trường học của Trung Quốc. Với mô hình xây dựng tổ hòa giải của Nga, chúng ta có thể thông qua phòng nhân sự và sự hỗ trợ của phòng tư vấn tâm lí học đường tại các trường học Việt Nam nhằm hướng tới sự tháo gỡ, phát triển mối quan hệ mâu thuẫn của học sinh một cách triệt để, tránh sự tổn thương đến cả bên gây bạo lực và bị bạo lực.

Lời cảm ơn: Bài báo là kết quả nghiên cứu của đề tài: "Xây dựng mô hình phòng chống bạo lực học đườngcho học sinh trung học cơ sở trong bối cảnh chuyển đổi số", mã số: B2024 VKG-10.

Tài liệu tham khảo 

[1] Lê Vân Anh, (2013), Giải pháp ngăn ngừa hành vi bạo lực trong học sinh trung học phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ.

[2] http://www.stopbullying.gov/

[3] World Health Organization, (2019), School-based violence prevention: a practical handbook, World Health Organization.

[4] https://special.nhandan.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong/index.html

[5] Nguyễn Văn Tường, (2014), Mô hình can thiệp tổng hợp đối với hành vi bạo lực học đường ở Mĩ, Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế về tâm lí học trường học lần IV, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Nguyễn Thị Thanh Bình - Nguyễn Thị Mai Lan, (2013), Bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ tâm lí học, NXB Từ điển Bách khoa.

[7] Trần Thanh Tú, Trần Bình Nguyên, (5/2014), Đánh giá thực trạng bạo lực học đường tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, Tạp chí Y tế thực hành.

[8] WHO, (2019), Báo cáo Khảo sát hành vi sức khoẻ học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019.

[9] https://www.cdc.gov/

[10] https://giaoanhay.com/tai-lieu-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-830/

[11] https://giaoducthoidai.vn/viet-hoa-mo-hinh-quoc-tephong-chong-bao-luc-hoc-duong post646019.html.

[12] Ngô Phan Anh Tuấn, (2019), Biện pháp phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Nai, số 15.

[13] https://www.vietnamplus.vn/bao-luc-hoc-duong-chuyen-khong-chi-rieng-cua-viet-nam-post565785.vnp

(Bài được đăng trên Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, Số 2, tháng 2 năm 2024)

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO