Báo Điện tử Gia đình Mới

Tỉ lệ nạn nhân là nam giới bị bạo lực gia đình có dấu hiệu tăng

So với năm 2022, trong năm 2023, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỉ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước. Tuy nhiên, phần lớn số người gây ra bạo lực gia đình là nam giới.

Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 của Chính phủ, năm 2023 có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với tổng số 3.240 vụ (năm 2022 là 4.454 vụ). Trong tổng số vụ bạo lực gia đình, bạo lực thân thể là hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất với 1.521 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.404 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Có 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó: Nạn nhân nữ là 2.628 người, chiếm 82,3% (năm 2022 là 3.440 người, chiếm 87,73%); nạn nhân là nam giới là 565 người, chiếm 17,7%, năm 2022 là 481 người, chiếm 12,27%. Như vậy, so với năm 2022 số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên, tỷ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước.

Số nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023. Ảnh: Gia Đình Mới

Số nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023. Ảnh: Gia Đình Mới

Theo đánh giá của báo cáo, trên thực tế, nhiều người bị bạo lực còn tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị và không muốn đi báo cáo việc bị bạo lực vì cho rằng đó là chuyện bình thường, “xấu chàng hổ ai”. Phần lớn người bị bạo lực chỉ đi báo cáo và tìm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Điều này gây khó khăn cho công tác thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ, can thiệp và ứng phó với bạo lực.

Năm 2023, tổng số người gây bạo lực gia đình là 3.208 người (năm 2022 là 3.975), trong đó nam giới là 2.677 người chiếm 83,4%, nữ giới là 531 chiếm 16,6%. Số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là 2.949/3.208 người (92%), trong đó biện pháp chủ yếu là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư (2.215 người, chiếm 75,1%); áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 58 người; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/phường/thị trấn 259 người; xử phạt vi phạm hành chính 288 người; xử lý hình sự 129 người.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến cuối năm 2023 có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược Bình đẳng giới đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030; 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 22.5. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 22.5. Ảnh: Quochoi.vn

Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội và thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với năm 2022 và những năm trước.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 chỉ tiêu còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025, đặc biệt là tỉ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn.

Theo kết quả số liệu của modul mở rộng từ điều tra Lao động việc làm năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới cao hơn 1,8 lần so với nam giới (nữ làm 16,13 giờ/tuần, nam làm 8,75 giờ/tuần). Năm 2022, mức chênh lệch này là 1,78 lần.

Theo Quế Chi/Lao Động

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO