Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thường xuyên sử dụng điện thoại có thể bị mọc sừng?

Người trẻ nghiện dùng điện thoại, sử dụng điện thoại quá nhiều có thể mọc sừng ở phần sau của xương sọ, mắc hội chứng đau cổ, đau ngón tay cái…

Theo bác sĩ Trần Lê Vũ (Phòng khám CarePlus), những người nghiện điện thoại, người thường xuyên sử dụng điện sẽ gặp phải những vấn đề về sức khỏe, trong đó có một số rối loạn thường gặp sau:

1. Mọc sừng trên xương sọ

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 1200 phim chụp X-quang của người trưởng thành từ 18 đến 30 tuổi và phát hiện các gai giống sừng nhô ra từ phần sau của xương sọ trong khoảng một phần ba số người được khảo sát.

  Cúi đầu về trước khi sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể mọc sừng. Ảnh minh họa

Cúi đầu về trước khi sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể mọc sừng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế là các gai xương này không mọc ra trực tiếp từ xương sọ. Các gai xương này có thể xuất hiện khi người dùng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử cúi xuống trước.

Hành động này dịch chuyển trọng lực từ cột sống sang các cơ vùng sau đầu, hậu quả là xuất hiện các gai ở dây chằng và gân kết nối.

Điều này tương tự như việc xuất hiện các cục chai ở các vùng da bị đè nén hoặc trầy xước liên tục.

Để phòng ngừa, chúng ta cần:

- Giữ đúng tư thế và không khom xuống khi dùng điện thoại.

- Thư giãn, nghỉ ngơi định kỳ.

2. Hội chứng đau vai cổ do điện thoại

Dùng điện thoại di động nhiều giờ liền có thể làm căng cơ vùng cổ và lưng và hội chứng đau cổ là một hệ quả.

Đây là một loại tổn thương gây đau thực sự ở vùng cổ do sự căng cơ liên tục, nó cũng ảnh hưởng đến đầu, vai và lưng.

Khi dùng điện thoại di động, cổ liên tục ở vị trí gập lại với đầu cúi xuống trước. Tư thế này tạo ra sự căng lớn ở phần sau của cổ.

Đầu nặng khoảng 4kg và tư thế cúi xuống 30 độ tạo ra một lực tì đè khoảng 18kg lên cột sống, theo một nghiên cứu được công bố tại Hoa Kỳ.

  Cúi đầu sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể mắc hội chứng đau vai cổ. Ảnh minh họa

Cúi đầu sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể mắc hội chứng đau vai cổ. Ảnh minh họa

Để phòng ngừa, bạn cần:

- Giữ điện thoại di động ngang tầm mắt để hạn chế tình trạng căng cơ cổ.

- Dùng máy tính để bàn, thay vì dùng laptop khi phải làm việc kéo dài nhiều giờ để tránh phải ngồi ở tư thế gập người kéo dài.

- Thư giãn, duỗi người định kỳ để cải thiện tuần hoàn của máu và giảm căng thẳng.

3. Hội chứng đau ngón tay cái

Hiện nay chưa có hướng dẫn chẩn đoán chính thức cho hội chứng này, nhưng bệnh nhân thường mô tả cảm giác đau giống với hội chứng ống cổ tay.

Hầu hết các cơn đau gây ra do gõ và quẹt màn hình quá nhiều, dẫn đến co cơ ngón cái và phần dưới của bàn tay.

Phần lớn bệnh nhân sẽ có cảm giác ngón tay cái bật ra đau đớn khi co lại và duỗi thẳng; tình trạng này còn được gọi là ngón tay cái cò súng. Rối loạn này có thể làm viêm khớp ở ngón tay cái trở nặng và cần phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, cũng cần biết là các bác sĩ vẫn chưa khẳng định chắc chắn mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động với hội chứng đau ngón tay cái.

Để phòng tránh, chúng ta cần:

- Nghỉ ngơi định kỳ và đặt điện thoại xuống để thư giãn cơ và gân.

- Nắm và duỗi bàn tay định kỳ, thư giãn cổ tay và cẳng tay.

  Thường xuyên sử dụng điện thoại có thể gây đau mắt, mắc các tật khúc xạ. Ảnh minh họa

Thường xuyên sử dụng điện thoại có thể gây đau mắt, mắc các tật khúc xạ. Ảnh minh họa

4. Hội chứng thị giác máy tính

Từ điện thoại di động cho đến máy tính bảng cũng như ti vi, máy tính và laptop, nhìn vào màn hình của những thiết bị này một thời gian dài có thể gây mỏi mắt và các vấn đề về thị lực.

Đồng thời, mắt cũng trở nên khô do phải mở mắt kéo dài và ít chớp mắt, hậu quả của việc tập trung nhìn vào mản hình.

Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm mệt mỏi và đau mắt, nhìn mờ và đỏ mắt. Điều này làm mắt cần nháy và nhắm thường xuyên.

Để phòng tránh, bạn cần:

- Kiểm tra lại độ khúc xạ của kính mắt, vì đeo kính với độ không thích hợp có thể làm mắt dễ mỏi.

- Bảo đảm môi trường làm việc đủ ánh sáng.

- Điều chỉnh đúng độ sáng và độ tương phản của màn hình thiết bị.

- Cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên.

- Tăng cỡ chữ thích hợp trên màn hình khi làm việc.

5. Hội chứng tưởng tượng rung điện thoại

Hội chứng tưởng tượng rung điện thoại xảy ra khi người dùng cảm thấy điện thoại của họ đang rung hay reo, trong khi thực sự thì không hề có.

Sự gia tăng cảm giác này có thể trở thành thói quen, khi đó một sự rung giật cơ nhẹ nhất hoặc sự dịch chuyển của quần áo cũng có thể được cảm nhận sai lầm thành điện thoại rung. Hội chứng này, do vậy, còn được gọi ngắn gọn là hội chứng lo lắng điện thoại rung.

Ngoài ra, việc kết nối mạng bị chậm cũng gây ra những mức độ lo lắng nhất định. Một báo cáo của Ericsson vào năm 2016 kết luận: “Sự chậm tải trang web và video dưới áp lực về thời gian làm nhịp tim của người dùng điện thoại tăng lên trung bình 38 phần trăm. Sự chậm phát video khoảng sáu giây cũng làm tăng mức độ stress lên 33%”.

Chú ý là báo cáo này sử dụng các công nghệ chính xác trong khoa học nghiên cứu về thần kinh. “Nói cách khác, mức độ stress gây ra tương đương với việc thi kiểm tra môn Toán, hoặc tương đương với việc xem phim kinh dị một mình, và mức độ stress là lớn hơn so với việc đứng trên một vách đá tưởng tượng,” báo cáo này kết luận.

Làm thế nào để phòng ngừa và giảm lo lắng? Chúng ta nên:

- Tắt chế độ rung trên điện thoại.

- Hạn chế việc mang điện thoại trong túi.

  Sử dụng điện thoại quá nhiều có thể đau ngón tay cái, giảm thị lực, đau vai gáy... Ảnh minh họa

Sử dụng điện thoại quá nhiều có thể đau ngón tay cái, giảm thị lực, đau vai gáy... Ảnh minh họa

6. Ung thư

Một câu hỏi thường được hỏi ngày nay là: “Sử dụng điện thoại di động có gây ra ung thư não, hay ung thư ở vùng đầu và cổ không?”

Bức xạ sóng cao tần từ điện thoại di động là một dạng bức xạ không ion hóa, nó khác với các dạng bức xạ khác mạnh hơn (dạng bức xạ ion hóa) mà được biết tăng nguy cơ ung thư ở người, ví dụ như bức xạ từ tia X hoặc tia cực tím.

Hiện tại không có chứng cứ thống nhất cho thấy bức xạ từ sóng cao tần làm tăng nguy cơ ung thư ở người, mặc dù vài chuyên gia tin rằng ít nhất dạng bức xạ này cũng có khả năng tạo thuận lợi cho ung thư phát triển khi có sự hiện diện của các yếu tố gây ung thư khác.

Bức xạ sóng cao tần phát ra từ điện thoại di động có thể được hấp thụ bởi mô cơ thể nằm gần ăng-ten của thiế bị.

Mặc dù tác hại của việc tiếp xúc quá nhiều với dạng bức xạ này là chưa rõ, nhưng chúng ta vẫn có lý do để hạn chế tiếp xúc với điện thoại di động, nhất là trẻ em.

Vì vậy, việc cần làm là:

- Nên hạn chế việc đi ngủ với điện thoại di động đặt kế bên hoặc gọi điện thoại trong môi trường sóng yếu.

- Giới hạn độ dài của cuộc gọi.

- Nên dùng chế độ thoại rảnh tay để giữ điện thoại ở một khoảng cách an toàn.

Bác sĩ Trần Lê Vũ

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính