Tăng huyết áp tái phát vì suốt ngày ăn trứng
Ông Nguyễn Bá Hòa (62 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) phát hiện bị tăng huyết áp, mỡ máu cao từ 3 năm trước trong một lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Từ khi bị biết tình trạng sức khỏe của mình, ông Hòa tuân thủ rất tốt việc uống thuốc huyết áp đều đặn và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Thời gian gần đây, dù vẫn uống thuốc đều đặn nhưng thi thoảng ông vẫn gặp tình trạng đau tức ngực, khó thở, đo huyết áp tại nhà thấy huyết áp tăng cao. Lo sợ bệnh trở nặng, ông Hòa vào viện thăm khám thì được bác sĩ cho biết chỉ số huyết áp, mỡ máu của ông tăng cao do thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Mặc dù ông Hòa uống thuốc đầy đủ nhưng thời gian gần đây ông hay ăn mì tôm trứng vào buổi sáng. Chính vì ăn nhiều đồ ăn liền chứa nhiều muối, ăn quá nhiều trứng trong thời gian dài nên sức khỏe của ông bị ảnh hưởng.
TS.BS Nguyễn Thu Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ: “Trong quá trình thăm khám bệnh tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân dù trước đó đã điều trị tăng huyết áp, mỡ máu ổn định, nhưng vì ăn quá nhiều trứng, thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý dẫn đến bệnh tái phát phải nhập viện điều trị.
Khi vào viện bác bệnh nhân có kể lại cho tôi rằng, dạo này gà nhà bác đẻ trứng, vì trứng gà nuôi sạch, tươi ngon nên sáng nào bác cũng ăn mì với trứng. Có những hôm buổi tối trước khi đi ngủ thấy bụng đói lại tiếp tục ăn mì trứng. Ăn liên tiếp như vậy dài ngày và đến khi thấy cơ thể khó chịu, ngực đau tức, khó thở mới vội vã vào viện kiểm tra thì phát hiện bệnh tăng huyết áp tái phát”.
Bác sĩ Thủy thông tin thêm, trứng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng ăn quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe. Với những người đang bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, người mắc bệnh lý về tim mạch, mỗi tuần chỉ nên ăn khoảng 2 bữa trứng.
Bên cạnh đó, cũng có những người bệnh nghĩ rằng ăn trứng làm tăng cholesterol nên kiêng khem tuyệt đối, điều này là hoàn toàn không đúng. Cái gì cũng vậy, kiêng khem quá mức, hay ăn quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Cần hình thành thói quen ăn uống, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Ăn trứng thế nào để tốt cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng là sản phẩm của một loại gia cầm, có giá trị dinh dưỡng cao, trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, can xi, sắt, kẽm, se len, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, acid béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi, cholesterol,... Hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối. Thành phần dinh dưỡng có trong 100 gam trứng gà toàn phần như sau: 14,8 g chất đạm; 11,6 g chất béo; 55 mg can xi; 2,70 mg sắt; 47 µg folat; 210 mg phospho; 1.29 µg vitamin B12; 700 µg vitaminA; acid béo không no nhiều nối đôi 1,36 g; cholesterol 470 mg, cùng nhiều chất khóang, acid béo no và không no khác.
Trứng là thức ăn quen thuộc và giàu chất dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng lại có tỷ lệ cân đối, do vậy trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn. Với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả; trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần. Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả/tuần, người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn từ 1- 2 quả/tuần.
Cách lựa chọn trứng có chất lượng tốt:
Soi trên nguồn ánh sáng: Nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc sáng điện). Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không? có ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không?. Trứng soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng; túi khí có đường kính < 1cm, đường bao quanh cố định.
Thả vào dung dịch nước muối 10%: khi thả vào dung dịch trứng chìm xuống đáy có nghĩa là trứng mới đẻ trong ngày. Trứng lơ lửng trong dung dịch có nghĩa là trứng đã đẻ 3 -5 ngày. Nếu trứng nổi trên mặt dung dịch thì trứng đã để quá 5 ngày.
Phương pháp lắc trứng: cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, khẽ lắc. Trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu lắc càng kêu.