Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Thực hư chuyện 'muốn hiến tạng phải bỏ ra 17 triệu đồng'

Trước thông tin người muốn hiến tạng phải bỏ ra 17 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc, đại diện Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã lên tiếng.

ht3

Hiến tạng là nghĩa cử nhân văn, có thể giúp hàng chục ngàn bệnh nhân có thêm hy vọng sống. Câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc sau khi qua đời đã lan tỏa trong cộng đồng và khiến số người hiến tạng tăng đột biến. 

Sau khi bé Hải An hiến giác mạc, số lượng người hiến tạng tăng đột biến

Sau khi bé Hải An hiến giác mạc, số lượng người hiến tạng tăng đột biến

Tuy nhiên, tờ Pháp luật TP.HCM vừa công khai trường hợp hiến tạng của bà L.T.T.H (Thanh Oai, Hà Nội) hiến thận cho cháu gái và phải trả 17 triệu tiền chi phí xét nghiệm. Điều này khiến nhiều người e ngại việc hiến tạng và hiểu rằng một nghĩa cử đầy tính nhân văn lại không được hỗ trợ hay khuyến khích về mặt chính sách. 

Không phải người hiến tạng nào cũng mất phí xét nghiệm

Hoàn toàn không có chuyện

Hoàn toàn không có chuyện "ai muốn hiến tạng cũng phải bỏ ra 17 triệu đồng"

Thông tin "muốn hiến tạng phải bỏ ra 17 triệu đồng" đã khiến nhiều người hiểu lầm về hoạt động liên quan đến đăng ký hiến tạng và hiến tạng.

Thực tế, thủ tục đăng ký hiến tạng rất đơn giản, người đăng ký chỉ cần điền theo mẫu đơn, ký vào đó, kèm bản photo chứng minh, ảnh… và chờ nhận thẻ. Thủ tục này là hoàn toàn miễn phí, do đó những người muốn thực hiện nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng sau khi chết/chết não hoàn toàn không phải chi trả bất cứ chi phí nào. 

Ai sẽ là người phải chi trả số tiền 17 triệu?

Việc nhiều người hiểu lầm "ai muốn hiến tạng cũng phải bỏ ra 17 triệu" là do chưa phân biệt rõ các hình thức hiến tạng.

Hiện nay có 2 hình thức hiến tạng, mỗi hình thức lại có đặc thù khác nhau:

Hiến tạng khi đang sống: Việc hiến tạng khi đang sống không được ngành Y tế khuyến khích và thường được thực hiện giữa những người thân trong gia đình. Thực hiện hiến tạng khi đang sống đồng nghĩa với việc người có nhu cầu hiến tạng sẽ phải chi trả các chi phí cần thiết, bao gồm các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…. Người hiến thận khi còn sống thì phải chụp cắt lớp, dựng hình 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến... Những khoản phí này có thể lên đến 15 - 20 triệu đồng.

Hiến tạng sau khi chết/chết não vẫn là một nghĩa cử cao đẹp và được hỗ trợ hết mức

Hiến tạng sau khi chết/chết não vẫn là một nghĩa cử cao đẹp và được hỗ trợ hết mức

Hiến tạng/xác khi chết và chết não: Đây cũng là hình thức mà các hoạt động truyền thông hướng đến. Toàn bộ các chi phí xét nghiệm trước lúc lấy tạng đều do cơ sở y tế chịu trách nhiệm. Thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã quy định chi trả tiền mai táng sau đó.

Do đó, nếu là một người có mong muốn hiến tạng để giúp đỡ đem hy vọng sống cho 16.000 người bị suy tim, gan, thận, phổi... đang chờ ghép tạng và khoảng 6.000 người chờ ghép giác mạc hiện nay, người dân vẫn hoàn toàn có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời/chết não mà không phải chịu bất cứ khoản chi phí phát sinh nào.

Chính sách dành cho người hiến tạng

ht5

Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, có hai đối tượng với quyền lợi tương ứng:

Người hiến mô tạng lúc sống: Sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí sau khi hiến, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép tạng, được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

Người hiến tạng lúc sống cũng được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ nếu không thể đi về trong ngày; được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại khám sức khỏe định kỳ… Những người có thẻ BHYT nếu đăng ký hiến tạng được BHYT thanh toán một số các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, nước tiểu hay chiếu chụp X-quang...

Ngoài  ra, nếu không may người hiến tạng bị suy tạng, sẽ là người được ưu tiên tiếp nhận nguồn tạng. Đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp đó của người hiến tạng, luôn được xã hội, cộng đồng tôn vinh, trân trọng.

Người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác: Sẽ được được truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, có chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài…

Với người hiến tạng sau khi chết não, mọi thủ tục xét nghiệm để xác định có thể ghép được cho các bệnh nhân khác hay không hoàn toàn do bệnh viện chi trả, gia đình người hiến không phải bỏ ra bất kỳ khoản nào. Thậm chí, chi phí khám chữa bệnh giai đoạn đầu của người hiến tạng cũng được bệnh viện hỗ trợ.

Mai Hoa

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính