Tối 19/3, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, các bệnh nhân vụ ngộ độc ở Quảng Nam vẫn đang đợi theo dõi sát sao.
Đặc biệt, sau khi dùng thuốc giải, 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum mức độ nặng tại Quảng Nam đều có cải thiện bước đầu. Các bệnh nhân sẽ được theo dõi sát, từng bước cai thở máy.
Cụ thể, ca ngộ độc nặng nhất đang điều trị là bệnh nhân H.V.Đ, 57 tuổi (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ngày 18/3, bệnh nhân Đ. có tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, phải thở máy và được truyền thuốc giải độc BAT lúc 20h.
Đến sáng nay, người bệnh biết khi được gọi hỏi, thực hiện được y lệnh nhưng chậm, có nhịp tự thở yếu, sức cơ tứ chi 2/5. Bệnh nhân có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc nhưng tiên lượng dè dặt.
Trường hợp thứ hai là H.V.Đ, 26 tuổi (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được truyền thuốc giải tối 18/3. Trước truyền thuốc, người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi 4/5, nhịp tự thở khá hơn.
Trường hợp thứ ba được truyền thuốc là H.T.T, 37 tuổi (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trước đó, bệnh nhân T. tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu, đang đặt máy tạo nhịp tim. Sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi 4/5, nhịp tự thở khá hơn và giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp.
Hai trường hợp H.V.Đ (26 tuổi) và H.T.T (37 tuổi) cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở, tiên lượng khá.
Ngoài ra, 2 bệnh nhân trong chùm ca bệnh ở xã Phước Kim ngộ độc mức độ nhẹ, tỉnh, sinh hiệu ổn, có thể cải thiện không cần dùng thuốc giải.
Trước đó, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đang có mặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho hay, khoảng 1 tuần sau mới có thể đánh giá chính xác tình trạng. Mặc dù được dùng thuốc giải nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp biến chứng nặng nên cần theo dõi sát sao.
“Thuốc giải rất quý và hiếm, chúng ta phải đánh giá, cân nhắc sử dụng thật hiệu quả, không nên lạm dụng. Thực tế, vẫn có những trường hợp cơ thể tự phục hồi. Ví dụ ở chùm ca bệnh thứ nhất, một người tử vong nhưng 4 người còn lại chỉ cần điều trị hỗ trợ, vẫn tỉnh táo”, bác sĩ Hùng lý giải.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thông tin mới nhất về sức khỏe các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn cá muối ủ chua tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].