Theo Tiến sĩ, giám đốc chuyên môn lâm sàng của Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Tương Nhã số 2 thuộc Đại học Trung Nam (Trung Quốc), căng thẳng và lo âu không phải là điều xấu. Nó có thể giúp nâng cao sự tập trung và hiệu quả học tập của thí sinh. Do đó, thí sinh nên học cách chấp nhận cảm xúc lo âu của bản thân.
Thí sinh có thể giải tỏa căng thẳng bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như nói chuyện với gia đình và bạn bè, thực hiện các bài tập thể dục đơn giản và nhẹ nhàng như đi bộ, nghe nhạc nhẹ, tập hít thở sâu,...
Bên cạnh đó, thí sinh nên duy trì thói quen học tập và nghỉ ngơi đều đặn, không cố tình điều chỉnh lớn về thời gian để tránh gây ra các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ. Nếu bị khó ngủ, thí sinh không nên quá lo lắng. Đặc biệt, đừng liên tưởng giấc ngủ kém với việc trượt bài thi vào ngày hôm sau để không làm bản thân lo lắng thêm.
Chuyên gia cũng khuyên rằng, thí sinh nên đặt kỳ vọng thực tế về kết quả bài thi dựa trên khả năng của bản thân. Chỉ tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình và đừng dự đoán, lo âu về những thứ mình không thể kiểm soát được. Thí sinh nên nói trực tiếp những việc bố mẹ cần chuẩn bị cho mình trước kỳ thi, tránh căng thẳng không đáng có do các yếu tố bên ngoài.
Về phía phụ huynh, bố mẹ cần giữ bình tĩnh và tránh thể hiện những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, căng thẳng trước mặt con. Cần chú ý đến những thay đổi về mặt cảm xúc của con và tư vấn tâm lý kịp thời. Khi thấy con bị áp lực quá mức, hãy giao tiếp nhiều hơn, hiểu và chấp nhận cảm xúc của con, hỗ trợ và động viên tâm lý cho con, cùng con đi dạo và cố gắng tạo môi trường thoải mái trước kỳ thi cho con bạn, theo Xinhuanet.
Bố mẹ hãy giúp con chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho kỳ thi, đảm bảo con có đủ điều kiện tốt nhất để tham dự kỳ thi và hoàn toàn tôn trọng ý kiến của con. Khuyến khích, động viên con nhưng không cằn nhằn. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá mức và tránh nói về điểm số của con. Bố mẹ không nên điều chỉnh quá lớn về chế độ ăn trong quá trình thi cử, miễn là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích của con.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra vào ngày 27 - 28/6. Sáng 27/6, thí sinh thi môn Ngữ văn. Chiều 27/6, thí sinh thi môn Toán. Sáng 28/6, thí sinh thi bài tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội). Chiều 28/6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ. Các môn thi đều dưới dạng trắc nghiệm, trừ Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Bố mẹ nên làm gì khi thấy con bị áp lực thi cử? tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].