Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.Hà Nội mới tổ chức Hội nghị phản biện đối với Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP.Hà Nội.
Các chuyên gia bày tỏ quan điểm đồng thuận với chủ trương điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt của TP.Hà Nội. Hầu hết các gia cho rằng, việc Hà Nội tăng giá nước sạch sinh hoạt là phù hợp với thực tiễn, khi mà tất cả các yếu tố đầu vào phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh đều tăng, làm cho chi phí sản xuất và kinh doanh nước sạch sinh hoạt cũng tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tăng giá nước sạch sinh hoạt phải đi đôi với việc đảm bảo chất lượng nguồn nước theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế, đồng thời phải đảm bảo cung cấp nước ổn định, liên tục cho người dân, tránh tình trạng một số nơi mất nước liên tục trong những ngày nắng nóng, một số nơi khác có nước nhưng chất lượng nước lại không đảm bảo.
Bà Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, phương án điều chỉnh giá nước mới của TP.Hà Nội cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân thủ đô.
Bởi theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang là 10 - 16 m3/hộ/tháng. Với mức tiêu dùng nước như này thì khi điều chỉnh giá nước, số tiền phải chi thêm sẽ là 15.000 – 26.000 đồng/tháng.
Còn ở khu vực nông thôn, mức tiêu dùng nước đang là 6 - 8 m3/hộ/tháng. Với mức này thì số tiền phải chi thêm khi điều chỉnh giá nước sẽ là 10.000 - 13.000 đồng/tháng.
Đối với các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m³ đầu tiên sẽ giữ nguyên là 5.973 đồng/m3, không tăng giá.
Còn đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn thì Thành phố có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực này.
Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt của Hà Nội xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Khi được hỏi về việc Hà Nội tăng giá nước sạch sinh hoạt, bà Trần Thị Kim (ở Yết Kiêu, Hà Đông) bày tỏ: “tăng giá một chút người dân chúng tôi vẫn chấp nhận được, nhưng tăng giá nước thì chất lượng cũng phải tăng. Nếu tiền nước tăng lên nhưng để mất nước liên tục hoặc cung cấp nước bẩn, không đảm bảo chất lượng thì không ai chấp nhận được”.
Đồng quan điểm đó, chị Nguyễn Lan Anh (ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm) cho hay: “nhà tôi kinh doanh nhà trọ nên mỗi khi mất nước sẽ rất phiền phức. Khách ở trọ liên tục gọi hỏi tôi bao giờ có nước, mất nước lâu thế… làm tôi rất mệt. Vậy nên nếu giá nước tăng mà chất lượng tăng (không bị mất nước, cung cấp nước đảm bảo chất lượng) thì tôi ủng hộ”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, sau 10 năm không tăng giá thì việc Hà Nội tăng giá nước sạch sinh hoạt là phù hợp với thực tiễn, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra toàn bộ các khâu đầu tư xây dựng các nhà máy, các trạm sản xuất nước sạch trên địa bàn Thành phố và khu vực; cần đảm bảo chất lượng nước sạch đúng tiêu chuẩn.
An AnBạn đang xem bài viết Tăng giá nước sạch sinh hoạt: Giá phải đi đôi với chất lượng tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].