Buồn ngủ sau bữa ăn là gì?
Các chuyên gia định nghĩa buồn ngủ sau bữa ăn là hiện tượng chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn xong. Mặc dù nguyên nhân chính chưa thực sự rõ ràng, nhưng có nhiều giả thuyết về vấn đề khá thú vị này.
Một vài chuyên gia cho rằng động vật, đặc biệt là con người thường có "những tín hiệu cảnh giác" giúp cơ thể tỉnh táo và cảnh báo khi chúng ta thấy đói.
Những dấu hiệu này giúp con người định vị và tìm kiếm thức ăn. Và khi con người hoặc động vật ăn nhiều, những tín hiệu cảnh báo này bị phá vỡ và được thay thế bằng cảm giác mệt mỏi.
Một giả thuyết khác lại cho rằng sau khi ăn, sự lưu thông máu trong cơ thể thay đổi và có thể khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ.
Nguyên nhân gì khiến chúng ta buồn ngủ sau khi ăn?
Các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hiện tượng buồn ngủ sau khi ăn, đó là:
Do thực phẩm
Tiến sĩ Raphael Kellman, nhà sáng lập Trung tâm Sức khỏe Kellman và là tác giả của cuốn "The Microbiome Breakthrough" cho rằng những thực phẩm tinh chế, chứa nhiều đường có thể làm rối loạn nồng độ glucose và cơ thể của chúng ta có cảm giác buồn ngủ, lơ mơ.
Do bữa ăn và cách ăn
Hormone tên là trong cơ thể ghrelin cảnh báo cho bạn biết khi nào đói và khi nào cái bụng đã no.
Nếu bạn ăn quá nhanh, cơ thể sẽ không có cơ hội để bắt kịp. Bên cạnh đó, khi ăn quá nhiều, bạn sẽ dễ bị đầy bụng. Các chuyên gia cho rằng ăn quá nhiều có thể khiến bạn dễ buồn ngủ, đặc biệt khi bạn ăn nhiều thực phẩm chứa protein và muối.
Buồn ngủ sau khi ăn no có thể là do giấc ngủ hỗ trợ hệ tiêu hóa. Một vài cuộc nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấc ngủ thay đổi cách các côn trùng hấp thụ chất dinh dưỡng như protein.
Do vấn đề tuyến giáp
Khi tuyến giáp hoạt động kém, nồng độ glucose cũng bị rối loạn theo, bởi vì cơ thể không tạo ra đủ năng lượng để hoạt động và khiến chúng ta buồn ngủ sau khi ăn.
Tiến sĩ Kellman cho rằng nếu chúng ta có tuyến giáp và tuyến thượng thận khỏe mạnh, cơ thể có thể điều chỉnh và thích nghi để mang glucose trở lại, duy trì mức năng lượng cho cơ thể và giúp chúng ta chống lại sự lên xuống thất thường của glucose.
Hệ sinh vật yếu
Nếu hệ sinh vật trong cơ thể không được khỏe, nó có thể cản trở sự hấp thụ của các thực phẩm. Khi hệ sinh vật khỏe mạnh, nó có thể làm dịu nồng độ đường huyết hoặc rối loạn của hormone.
Dị ứng
Không phải dị ứng nào cũng gây ra dấu hiệu phát ban. Một số người có thể dị ứng với thực phẩm và khiến họ cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn xong.
Do thiếu chất dinh dưỡng
Chúng ta có thể sẽ ăn nhiều hơn nếu bị thiếu chất như vitamin B12, chất xơ và sắt. Khi ăn nhiều, chúng ta thường có cảm giác buồn ngủ.
Làm sao để phòng tránh cảm giác buồn ngủ sau khi ăn?
Nếu thường xuyên cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, bạn có thể đi khám để kiểm tra vấn đề về thượng thận, tuyến giáp và xem có thiếu chất hay không. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách như sau:
- Ăn uống khoa học, không ăn quá nhanh và quá nhiều.
- Cân đối chất béo và protein nhằm ổn định đường huyết.
- Chăm vận động: Chúng ta thường có xu hướng thở ít hơn khi ăn, nên cơ thể sẽ chứa nhiều nồng độ CO2 và có thể khiến năng lượng bị giảm. Vì vậy, bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn quá no để thúc đẩy oxy trong cơ thể.
(Theo Time/Goodhousekeeping)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Tại sao chúng ta thường buồn ngủ sau khi ăn? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].