Bệnh nhân H.V.Q. (25 tuổi, ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) không may bị tai nạn trong quá trình lao động.
Anh Q. đươc đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng cấp cứu tối khẩn cấp, hôn mê nguy kịch, mất nhiều máu, trụy mạch cấp, da niêm mạc nhợt, tím tái, suy hô hấp, dập nát toác rộng vùng ngực bụng bên trái lộ toàn bộ phổi - lách - dạ dày kèm nhiều chấn thương phức tạp.
Tiên lượng bệnh nhân nặng, có thể tử vong bất kỳ lúc nào nên sau khi sơ cứu chống sốc, bệnh nhân lập tức được đưa lên phòng mổ để vừa hồi sức vừa phẫu thuật cấp cứu kiểm soát tổn thương gây chảy máu ồ ạt.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu, sốc đa chấn thương nặng: Rách toác ngực và bụng, mất đoạn nhiều xương sườn gây dập thuỳ dưới phổi trái, vỡ cơ hoành, vỡ nát lách, thủng lớn dạ dày, gãy phức tạp cẳng tay trái. Bệnh nhân gần như mất máu hoàn toàn.
Bệnh viện đã nhanh chóng huy động kíp mổ liên khoa tiến hành cắt phân thùy dưới phổi trái theo tổn thương, đặt cố định lại xương sườn, chuyển vạt da, cơ tạo hình phục hồi thành ngực bụng, cắt lách, khâu phục hồi vết rách cơ hoành và lỗ thủng dạ dày.
Bệnh nhân mất nhiều máu do tổn thương nặng nề lại trải qua các phẫu thuật lớn nên trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ đã phối hợp với khoa Huyết học truyền bổ sung trên 15 đơn vị máu và các chế phẩm máu cho người bệnh.
Sau hơn 4 giờ phẫu thuật căng thẳng giành giật sự sống, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Đến nay, bệnh nhân tỉnh táo, đã được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, mạch và huyết áp ổn định, có thể nói chuyện sau 5 ngày điều trị tích cực.
Bác sĩ CKII Nguyễn Huy Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện, người trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho biết: “Hy vọng sống của bệnh nhân này vô cùng mong manh bởi khi nhập viện đã mất rất nhiều máu lại đa chấn thương nặng, phức tạp, nhiều vùng dập nát không còn nguyên vẹn, nếu không kịp thời phẫu thuật xử trí tổn thương thì sống sót là điều không thể.
Do tình thế cấp bách, không thể khảo sát tổn thương trước mổ nên trong quá trình phẫu thuật chúng tôi đã sử dụng thiết bị hiện đại để kiểm soát triệt để các tổn thương, tránh bị bỏ xót.
Trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, tiếp nhận cấp cứu nhanh chóng, xử trí tổn thương chính xác chính là yếu tố quan trọng để ca mổ diễn ra thành công, bảo toàn tính mạng cho người bệnh”.
B.NinhBạn đang xem bài viết Tai nạn lao động bị dập nát lồng ngực, bụng rách toác hở nội tạng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].