Hạt vi nhựa trong kem đánh răng, sữa rửa mặt để làm sạch sâu bị cấm ở nhiều nước

Trong các sản phẩm kem đánh răng, sữa tắm, sữa rửa mặt... mà chúng ta sử dụng vẫn thường có các hạt siêu nhỏ (hạt vi nhựa) được quảng cáo có tác dụng làm sạch sâu, tuy nhiên chúng lại là những 'kẻ giết người' âm thầm mà ta không hay biết.

'Hạt vi nhựa' là gì?

Hạt vi nhựa là những hạt li ti mà chúng ta thường thấy trong các sản phẩm kem đánh răng, sữa tắm, sữa rửa mặt...

Với kích thước nhỏ hơn 5 mm (đa số là nhỏ hơn 1mm), tỷ lệ hạt vi nhựa trong các sản phẩm là khác nhau, có thể dao động từ 1% đến 90% trọng lượng sản phẩm.

Hạt vi nhựa chính thức bị cấm ở Anh và nhiều nước phát triển trên thế giới

Từ tháng 9 năm 2016, chính phủ Anh đã cam kết việc cấm sản xuất mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa, và vào ngày 9/1 vừa qua, lệnh cấm này chính thức có hiệu lực.

Không chỉ ở Anh, cho đến tháng 7 năm 2017, các sản phẩm làm đẹp và sức khỏe chứa hạt vi nhựa cũng đã bị cấm tại Mỹ, Canada và New Zealand.

Nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đã thực hiện những chiến dịch hướng đến lệnh cấm tương tự. 

Hãng mỹ phẩm L’Oreal (Pháp) cũng cam kết loại bỏ các hạt nhựa li ti này ở các sản phẩm thương hiệu của mình vào năm 2017.

Nguyên nhân nào khiến hạt vi nhựa bị cấm?

Khi mua các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là chúng có tác dụng làm sạch sâu mà không ngờ rằng chúng có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sau khi hoàn thành vai trò 'chất làm sạch sâu' như quảng cáo, các hạt nhựa nhỏ này lọt sàng qua hệ thống xử lý nước thải ra sông hồ, ao và đại dương, từ đó nó gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn.

Ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn tỷ tấn hạt nhỏ này được đổ ra môi trường.

Theo Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. 1 năm sau đó, con số đã lên hơn 299 triệu tấn.

Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc.

Cá, chim và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật.

Hạt vi nhựa lưu cữu trong cơ thể cá

Hạt vi nhựa lưu cữu trong cơ thể cá

Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn, và con người là 'bến đỗ' cuối cùng trong chuyến hành trình 'du ngoạn' của các hạt vi nhựa.

Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 90% các loài chim được tìm thấy có các hạt vi nhựa trong dạ dày và ăn 6 con hàu là tiêu thụ 50 hạt vi nhựa vào cơ thể.

Ngay cả khi hạt vi nhựa không có độc, trong quá trình hạt vi nhựa 'chu du' khắp các môi trường, các chất độc hại có thể bám bên ngoài các hạt vi nhựa và gây hại cho sức khỏe khi đưa vào cơ thể con người.

Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Con người có thể hấp thụ chất độc hạt vi nhựa qua đường hít thở

Một vài năm gần đây, nhiều chuyên gia đã lớn tiếng cảnh báo thảm họa trong môi trường nước biển và nhiều người cũng đã biết đến.

Nhưng mới đây, ngày 24/5, Trường Đại học Hoàng gia Anh đã trình một báo cáo lên Ủy ban Bảo vệ Môi trường thuộc Hạ viện Anh, nói rằng nhựa còn có thể đang làm ô nhiễm cả bầu không khí mà chúng ta đang hít thở.

'Hít phải chúng có thể khiến các hóa chất độc hại sẽ được vận chuyển khắp cơ thể, qua đường máu, xuống phổi cũng như hệ tuần hoàn... hậu quả tương tự như khói thải từ động cơ xe mà chúng ta vẫn lo sợ hàng ngày' - giáo sư Frank Kelly, chuyên ngành sức khỏe môi trường, tham gia vào nghiên cứu cho biết.

Hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm không chứa hạt vi nhựa

Thérèse Coffey - bộ trưởng Bộ Môi trường của Anh chia sẻ: 'Hạt vi nhựa hiện nay hoàn toàn không cần thiết bởi có rất nhiều sản phẩm tự nhiên thay thế, tôi rất mừng rằng hiện nay các nhà sản xuất mỹ phẩm sẽ không thể sử dụng loại nguyên liệu độc hại như hạt vi nhựa trong các sản phẩm tẩy rửa được nữa'. 

Mai Hoa

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính