Theo các chuyên gia y tế, virus gây COVID-19 tại Đà Nẵng và đang lây lan nhanh sang các địa phương khác được xác định là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam.
Các nhà khoa học của Việt Nam đã phân tích nguồn gene của virus từ các bệnh nhân và kết quả cho thấy virus từ vùng dịch COVID-19 ở Đà Nẵng là chủng mới so với 5 chủng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở Việt Nam.
Đặc biệt, chủng virus mới gây bệnh COVID-19 này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây.
Trước tình hình chủng virus mới gây bệnh COVID-19 lây lan nhanh hơn, nhiều người đặt câu hỏi, liệu sự xuất hiện của chủng mới có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh COVID-19.
Trả lời về vấn đề này, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH, Bộ Y tế) cho biết, với những virus ARN (là một loại virus có RNA (axit ribonucleic) làm chất liệu di truyền của nó) như dạng của SARS-CoV-2 thì virus luôn có những biến thể.
Trước đây, phải ít nhất 1-2 tuần số ca mắc mới tăng lên đến 1 triệu, nhưng sau đó thời gian rút ngắn xuống còn 1 tuần đã có 1 triệu ca mới. Và đến nay, chỉ vài ngày ca nhiễm đã lên mốc 1 triệu tại một số quốc gia.
Chính tốc độ lây nhiễm nhanh của virus SARS-CoV-2 khiến các nhà khoa học phải đặt câu hỏi liệu virus có sự biến đổi hay không.
Tuy nhiên, theo TS Đạt, đến nay, những biến đổi của virus chưa ảnh hưởng đến vùng gene các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho kháng nguyên và vắc-xin.
TS Đạt giải thích rõ hơn: “Bản thân virus sẽ có những biến đổi và được đánh giá trên 2 đặc tính về lâm sàng. Thứ nhất chủng virus mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn và dễ lây nhiễm hơn. Thứ 2 là theo dõi về gene để tìm những biến đổi về di truyền.
Đây là những mối quan tâm của những nhà làm vắc-xin. Và điều quan trọng nhất là các nhà nghiên cứu phải lựa chọn vùng gene ổn định, ít những biến đổi nhất.
Hơn nữa, không phải toàn bộ con virus được sử dụng trong nghiên cứu vắc-xin nên sự biến đổi của con virus không phải là điều đáng lo ngại. Nghiên cứu vắc-xin chỉ sử dụng vùng gene gây ra các đáp ứng miễn dịch”.
Vị chuyên gia về vắc-xin này cũng cung cấp thêm thông tin, đến nay, các nhà nghiên cứu vắc-xin trên thế giới vẫn sử dụng vùng gene S, với mức độ ổn định về di truyền.
Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin không chỉ dừng lại ở mức độ chỉ sản xuất một vài liều. Với yêu cầu về vắc-xin đại dịch lại là một câu chuyện lớn và và các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để giải bài toán vắc-xin đại dịch.
An AnBạn đang xem bài viết Sự lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng đến nghiên cứu vắc-xin? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].