Giải đáp thắc mắc này của người bệnh, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị cho biết, sau khi khỏi COVID-19 người bệnh vẫn nên tiêm vắc-xin để phòng dịch bệnh COVID.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người sau khi mắc COVID-19, được điều trị khỏi bệnh (hồi phục) và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định cần sớm được tiêm chủng vắc-xin COVID-19 bao gồm các liều vắc-xin cơ bản và mũi tiêm nhắc lại.
“Tuy nhiên, người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh thường gặp phải các triệu chứng mệt mỏi, có người mất ngủ, ho dai dẳng, sức khỏe suy giảm. Nguyên nhân là do bệnh nhân gặp phải những tổn thương kéo dài do COVID-19.
Để phục hồi những tổn thương do COVID-19 gây ra cần thời gian khoảng 1 – 3 tháng. Do đó, tôi thường khuyên người bệnh sau 3 tháng khỏi COVID-19, tức là khi cơ thể đã phục hồi thì hãy tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Nếu người bệnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ngay sau khi khỏi bệnh thì dễ gặp phải triệu chứng mệt mỏi, phản ứng sau tiêm, bởi cơ thể người bệnh lúc này còn đang yếu do gặp tổn thương khi mắc bệnh” – bác sĩ Oanh khuyến cáo.
Đối với người đã mắc COVID-19, sau khi khỏi bệnh cần lắng nghe cơ thể mình để xem có những triệu chứng trong giai đoạn cấp tính có còn dai dẳng kéo dài không, bệnh có tái phát lại không, có biến chứng mới xuất hiện lại không để sau 4 – 5 tuần mắc bệnh đi khám và điều trị kịp thời.
Những triệu chứng cần đi khám sớm gồm: mệt mỏi, mất ngủ, giảm trí nhớ, hay quên, hụt hơi, khó thở, ho nhiều, SPO2 giảm dưới 94%.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng sau khi nhiễm và trong thời gian nhiễm cũng cần được đảm bảo để tăng cường sức khỏe, uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày, kiêng ăn uống đồ lạnh vì vùng họng đang tổn thương, ăn uống đồ lạnh sẽ làm họng khó chịu hơn.
An AnBạn đang xem bài viết Sau khi mắc COVID-19 bao lâu thì tiêm vắc-xin phòng COVID? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].