Thông tin với PV Gia Đình Mới về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhữ - Trưởng phòng Truyền thông, Giáo dục Sức khỏe Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, với người dân mong muốn đi hiến máu nhưng do mới tiêm vắc-xin COVID-19 hoặc vừa bị mắc COVID-19, Viện Huyết học đã tuyên truyền chi tiết, đầy đủ để mọi người chuẩn bị tốt nhất về tâm lý, thể trạng trước khi tới hiến máu.
Cụ thể, theo Thạc sĩ Nhữ: Sau tiêm phòng vắc-xin COVID-19, nếu sức khỏe ổn định thì có thể hiến máu sau 07 ngày với các loại vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt; sau 01 tháng với các loại vắc-xin sống giảm độc lực hoặc không nhớ chính xác loại vắc-xin đã được tiêm và sau 06 tháng với người tham gia thử nghiệm vắc-xin. Thời gian trì hoãn này cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu.
Mục đích của việc trì hoãn ít ngày này để các tác dụng của vắc-xin được dung nạp tốt nhất sau tiêm, đảm bảo sức khỏe người hiến máu sau tiêm và tránh được các phản ứng sau hiến máu.
Còn những người bị COVID-19 mà khỏi rồi thì sau 10 ngày có thể hiến máu được.
Các trường hợp F0 có thể hiến máu sau 10 ngày kể từ thời điểm đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: âm tính với virus Sars-CoV-2 và không còn 1 hoặc nhiều triệu chứng như sốt, ho, khó thở, tiêu chảy.
Điều này cũng phù hợp với hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). FDA cũng không khuyến cáo phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người hiến máu.
Thạc sĩ Nhữ cũng thông tin, với các trường hợp F1, thời gian trì hoãn hiến máu sẽ áp dụng theo quy định của Bộ Y tế về cách ly y tế với F1.
Thạc sĩ Nhữ cũng lưu ý người hiến máu chỉ đăng ký hiến máu khi thực sự khỏe mạnh và không có các nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường truyền máu, không có các yếu tố nguy cơ liên quan đến COVID-19; khai báo y tế qua ứng dụng PC - COVID, tuân thủ thông điệp 5K, hiến máu khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn...
Thạc sĩ Như thông tin: Nhu cầu máu ở Việt Nam mỗi năm cần 2 triệu đơn vị máu. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương , mỗi năm cần khoảng 350.000 – 360.000 đơn vị máu (tức là mỗi ngày cần nhận 1.300 – 1.400 đơn vị máu). Thời điểm này luôn có trong kho từ 7.000 – 8.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, số lượng máu như vậy là chưa nhiều so với kế hoạch đặt ra phải duy trì. Bởi mỗi ngày Viện phát ra Trung bình 1.300 – 1.400 đơn vị máu.
Viện cung cấp máu cho 178 BV của 28 tỉnh, thành phố. Hiện nay, Viện cũng đang thiếu máu nhẹ nhưng điều tiết được.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng hiến máu có sự dịch chuyển về mặt lực lượng rõ rệt. Trước kia chúng ta dựa vào sinh viên, có thời điểm tới 70% nhưng mấy năm nay, Viện chú trọng thêm vào lực lượng công chức, người lao động ở các cơ quan nhà nước, công ty, doanh nghiệp. Những lực lượng này có sức khở, mức sống ổn định, sức khỏe tốt và có hiểu biết. Ngoài việc tham gia hiến máu trực tiếp, họ còn trở thành những tình nguyện viên vận động hiến máu, tuyên truyền nghĩa cử cao đẹp này đối với các thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…
Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh lực lượng hiến máu thường xuyên, không phụ thuộc hoàn toàn vào sinh viên để tránh rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng dịp Tết, dịp Hè.
V.HưngBạn đang xem bài viết Sau khi mắc COVID-19 bao lâu thì có thể hiến máu? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].