Ngay tại Việt Nam, nhiều dịch bệnh xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng cũng bắt nguồn từ việc nhiễm khuẩn bệnh viện.
Điển hình như dịch SARS năm 2003, nhiễm trùng muộn sau phẫu thuật tại Hà Giang (năm 2013), lây nhiễm Sởi, vi khuẩn đa kháng kháng sinh tại Bệnh viện Nhi Trung Ương. Gần đây nhất, cuối năm 2017, 4 trẻ sơ sinh nhiễm vi khuẩn đa kháng tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.
Việc không kiểm soát các vấn đề nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, vô tình, đẩy người bệnh vào tình thế lưỡng lan, vừa mắc bệnh, vừa dễ nhiễm bệnh.
Tại hội nghị Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh ngày 27/3, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định: Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế đang là gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, từ môi trường ô nhiễm, dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước…
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, tình trạng này có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khi để xảy ra nhiễm khuẩn do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trong, thậm chí là tử vong với người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin của người dân với cơ sở y tế.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, GS. TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò rất quan trọng trong khám chữa bệnh. “Hiện nay, Bộ Y tế chưa thực hiện số liệu quốc gia về nhiễm khuẩn bệnh viện nhưng thực tế cho thấy, ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào cũng có thể trở thành nạn nhân vấn đề trên.
Việc thực hiện không tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có nguy cơ lây lan cao các dịch bệnh ra cộng đồng, tạo điều kiện dịch mới xuất hiện, các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với thuốc kháng sinh”.
Theo Thứ trưởng, để xảy ra thực trạng đó, nhiều người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chưa có chính sách ưu đãi, thu hút người làm công tác này.
Ở nhiều bệnh viện, nhân viên công tác kiểm soát bệnh viện mới dừng lại ở những người bị kỷ luật đẩy về chứ không phải là người được đào tạo, có chuyên môn, có tâm huyết với lĩnh vực này.
Kết quả khảo sát tại 25 bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, tỷ lệ người bệnh mắc hơn một loại nhiễm khuẩn bệnh viên trở lên khoảng 4,61%. Trong đó, 2 loại nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất là nhiễm khuẩn viêm phổi (28,2%) và nhiễm khuẩn vết mổ (25,4%). Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các khoa hồi sức tích cực cao nhất với tỷ lệ trung bình hơn 27%, trong đó nhiễm khuẩn viêm phổi chiếm 78%.
Ngoài ra, hệ thống tổ chức của kiểm soát nhiễm bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ. Nhiều bệnh viện có quá số giường cho phép, thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng không bổ nhiệm lãnh đạo”, Thứ trưởng cho biết thêm.
Trong cuộc gặp mặt báo chí đầu năm mới 2018, tư lệnh ngành y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng nhắc tới vấn đề này với nhiều trăn trở.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, qua các nghiên cứu của các bệnh viện về nhiễm khuẩn bệnh viện được báo cáo trong các hội nghị, hội thảo về kiểm soát nhiễm khuẩn cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện hiện mắc từ 4,5% - 8% người bệnh nội trú. Nó cũng gây ra tình trạng tử vong nhiều hơn hẳn so với tổng số người bệnh tử vong vì ung thư vú, ung thư tiền liệt.
Nhiễm khuẩn bệnh viện là gì?
Nhiễm khuẩn bệnh viện được định nghĩa là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị tại bệnh viện và nhiễm khuẩn này không hiện diện cũng như không nằm trong giai đoạn ủ bệnh tại thời điểm nhập viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện.
Môi trường bệnh viện (không khí, đất, nước và nhân tố trung gian truyền bệnh) có ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Nhiễm khuẩn bệnh viện: Nguy hiểm nhưng nhiều nơi mới chỉ dùng người bị kỷ luật đẩy về tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].