Phương pháp mới: Đốt u phổi qua da, mở cơ hội điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi

Phương pháp đốt u phổi qua da được biết đến là thủ thuật không quá “kén” bệnh nhân, lại có thể diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh chóng, ít biến chứng…

  Hình ảnh chụp ghi nhận khối u ung thư phổi

Hình ảnh chụp ghi nhận khối u ung thư phổi

Vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam (80 tuổi, quê ở Thái Nguyên) từng cắt thuỳ trên phổi trái do u tại Bệnh viện cách đây 10 năm.

Lần này, bệnh nhân xuất hiện thêm khối u lớn thuỳ dưới phổi phải, khi sinh thiết, bệnh nhân bị ung thư phổi biểu mô tuyến. Hình chụp PET/CT xuất hiện u tăng chuyển hóa mạnh (SUV= 13,6), không thấy hình hạch tăng chuyển hóa rốn phổi, trung thất. 

Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật song tuổi cao, tiền sử đã mổ cắt thùy trên phổi trái nên bệnh nhân không muốn phẫu thuật.

Sau hội chẩn liên khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, các bác sĩ chỉ định đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính. 

Cụ thể, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê ngắn đường tĩnh mạch. Sau đó, kim đốt đã được các bác sĩ đưa vào đúng trục dọc của khối u và kim được nối với máy phát sóng ngắn.

Vì bệnh nhân có khối u lớn, các bác sĩ phải chia thành 2 liệu trình đốt để đảm bảo kết quả tối đa. 

  Hình ảnh đốt u phổi qua da

Hình ảnh đốt u phổi qua da

Sau khi thủ thuật được thực hiện, suốt 3 tuần sau đó, vùng đốt hoại tử dần. 1 tháng sau, phim X quang ngực chụp lại cho thấy kết quả khả quan, một hình hang thành mỏng xuất hiện thay thế vị trí u. 

Theo TS.BS. Cung Văn Công, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi Trung ương, “đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính” hay còn gọi là kỹ thuật “đốt u bằng vi sóng” là kỹ thuật đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Tại Đông Nam Á, Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị đầu tiên có thiết bị và đã triển khai thành công kỹ thuật này. Kỹ thuật đã được bệnh viện ứng dụng để đốt u phổi qua da (xuyên thành ngực) và thời gian tới sẽ tiến hành đốt u phổi qua phẫu thuật nội soi hoặc khi phẫu thuật mở.

Những đối tượng bệnh nhân có thể áp dụng thực hiện phương pháp này bao gồm: Bệnh nhân mắc u phổi ác tính nguyên phát loại không tế bào nhỏ có đường kính ngang lớn nhất dưới 5 cm; bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng không muốn hoặc không thể phẫu thuật; những bệnh nhân có các nốt thứ phát đến phổi, số lượng ít có thể tiến hành đốt tiệt căn bằng phương pháp này; những bệnh nhân khối u đã lớn, với mong muốn điều trị giảm nhẹ.

Ưu điểm của phương pháp này là không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyến cáo với những bệnh nhân u phổi kèm khí phế thũng nặng; bệnh nhân rối loạn đông, thiếu máu; bệnh nhân nhiễm trùng máu; mắc các bệnh hệ thống hay vị trí u quá khó để tiếp cận cần được hội chẩn trước khi áp dụng kỹ thuật này.

Khí phế thũng là bệnh ở phổi gây ra khó thở. Đây là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khí phế thũng chủ yếu là do hút thuốc lá.

Hồng Hải

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính