Việt Nam có thể xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng
Ngày 8/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với virus Corona (COVID-19).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập nhưng đến thời điểm này chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng.
Bởi trước 0 giờ ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, thì trước đó vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Thống kê từ Bộ Y tế cũng cho thấy, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Ban chỉ đạo cho rằng, tới đây có thể sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Điển hình mới đây nhất là ca bệnh 243.
Hiện ca bệnh này chưa xác định được F0, song song với việc tìm ra nguồn lây nhiễm, phải thực hiện quyết liệt việc cách ly, khoanh vùng, thực hiện cách ly xã hội để ngăn chặn dịch lây lan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác, phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.
Tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly xã hội, mở rộng rà soát đối tượng tại cộng đồng
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, 1-2 ngày qua đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều hơn dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội.
Thứ trưởng Sơn yêu cầu phải phải kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng.
Thứ trưởng cũng khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát tại cộng đồng. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch; những người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tự do…
Đối với người Việt Nam là những người từ nước ngoài về nước; những người đi đến hoặc đi qua vùng có ca nhiễm bệnh trong nước; những người có liên quan dịch tễ đến các ca bệnh; những người sống lang thang, liên quan đến tệ nạn xã hội.
Ban Chỉ đạo cũng cho rằng phải tăng cường bảo vệ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh không chỉ công an, y tế, quân đội mà cả thành viên Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tham gia phòng, chống dịch tại địa phương…
Xem thêm bản tin phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại video sau:
V.LinhBạn đang xem bài viết Cảnh giác với những ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].