Theo dõi phương tiện truyền thông đại chúng, thấy hình ảnh chiến sĩ ăn uống, ngủ nghỉ kham khổ mà miệng vẫn cười tươi rói, một nhân viên đã nảy ra ý tưởng viết thư gửi chiến sĩ và kêu gọi tập thể cùng nhau hành động.
Rất nhanh chóng, ý tưởng được toàn bộ CBNV Dược phẩm Thái Minh đồng tình với một ý nghĩ người nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình và với một niềm tin người nhận được lá thư sẽ cảm thấy ấm áp.
Ngày 25/3, toàn bộ 200 lá thư tay đã được gửi đi. Trong những lá thư gửi đi, ai nấy đều bày tỏ niềm xúc động và cảm kích trước những cống hiến chân tình và thầm lặng của người chiến sĩ. Họ ăn vội bữa cơm, ngủ tạm qua giấc để kịp phục vụ người cách ly.
Một lá thư viết: “Thú thật, nhìn thấy cảnh đấy em đã rơi nước mắt. Cảm ơn anh vì đã làm sống lại trong em lòng biết ơn những điều tưởng như xa xỉ bởi trước đây em nghĩ đó là điều hiển nhiên, mỗi người một nghề và nghề nào thì nghiệp đó. Nhưng không, em đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ ấy. Nói là nhiệm vụ cũng được nhưng nó thật cao cả biết bao!”.
Ở lá thư khác, chính sự tận tâm của người chiến sĩ là niềm khích lệ để người hậu phương cố gắng hơn: “Vốn đã biết cuộc đời này luôn hào phóng với mình. Nhưng để đong đếm điều mình thấy giàu có nhất, may mắn nhất chính là khoảnh khắc này, khi mình vẫn an yên viết những dòng thư thì ở nơi nào đó các bạn vẫn đang chiến đấu để bảo vệ mình, gia đình mình và toàn dân tộc Việt Nam. Nhìn hình ảnh các bạn làm việc mình biết mình phải cố gắng thêm một chút mỗi ngày”
Và cả những lời hứa, động viên khích lệ tiền tuyến: “Chúng mình ở hậu phương sẽ luôn vững tin vào các đồng chí. Mong các đồng chí luôn khỏe mạnh. Chúng mình sẽ hứa phòng bệnh thật tốt, không dịch chuyển, đeo khẩu trang, không tích lương thực, rửa tay thường xuyên, nên các đồng chí hãy vững tin nhé!”
Là một trong những cá nhân rất hào hứng với ý tưởng viết thư tay gửi chiến sĩ, chị Nguyễn Thị Oanh được sống lại cảm xúc viết thư đã bị lãng quên. Chị chia sẻ: “Em lâu lắm không viết thư tay. Đêm qua cặm cụi tới 11h mới viết xong. Em đã cố hết sức viết thật cô đọng cho ít chữ để các anh đỡ vất vả khi đọc rồi, vì chữ hơi giống thư pháp. Mong em Cô Vy chóng đi để các anh sớm được về nhà”.
Còn đối với anh Đặng Nam Thắng, anh tin từng lá thư tay mỗi người Thái Minh nắn nót viết với sự ghi nhận, cảm kích, biết ơn sẽ khiến các anh bộ đội cụ Hồ ấm lòng hơn. Đó là lý do anh muốn đưa những điều kể trên vào bức thư của mình.“Người lo lắng và biết ơn các anh còn nhiều lắm. Cảm ơn các anh rất nhiều” – anh Thắng chia sẻ.
Được biết 200 lá thư này cùng 1.000 bộ đồ bảo hộ và 1.000 lọ tăng cường miễn dịch do CBNV Dược phẩm Thái Minh quyên góp trong ba ngày từ 21/03-23/03/2020.
Những món quà này sẽ được gửi đến tận tay các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh thủ đô đang nhận nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung Pháp Vân, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và trường ĐH FPT.
Trước đó, vào ngày 24/3/2020, 1.000 bộ đồ bảo hộ và 1.000 lọ tăng cường miễn dịch của công ty Dược phẩm Thái Minh cũng được trao tặng cho Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây – đơn vị làm nhiệm vụ phun khử khuẩn, lấy mẫu máu cho gần 800 đối tượng cách ly tại trường Quân khu thủ đô.
Đại tá Thái Tâm Tứ - Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ Tư lệnh thủ đô đại diện các chiến sĩ cho biết: “Với tinh thần quân đội vào cuộc chống dịch như chống giặc, Bộ Tư lệnh coi nhiệm vụ chống dịch là một trong những nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội. Có sự ủng hộ của nhân dân, vào cuộc của các doanh nghiệp hỗ trợ cho bộ đội như vậy thực sự đáng quý. Đặc biệt những bức thư tay sẽ là nguồn động viên tinh thần vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi hết sức trân trọng!”
Rõ ràng, các anh chiến sĩ làm việc ở những khu cách ly, nhưng trái tim, sự yêu thương, quan tâm của nhân dân Việt Nam vẫn luôn ở đó và tiếp thêm sức mạnh để các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh thắng giặc COVID-19.
Xem thêm clip: Tự pha chế dung dịch rửa tay theo công thức của WHO
Bạn đang xem bài viết Xúc động với 200 lá thư tay gửi cán bộ chiến sĩ tuyến đầu phòng dịch COVID-19 tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].