Trần Quang Thái nổi tiếng là người có một sự quan tâm, yêu chiều đặc biệt đối với vợ con.
Giống như nhiều ông bố bà mẹ khác, anh Trần Quang Thái và vợ rất đau đầu trong việc chọn nơi học cho con, 'trường công' hay 'trường tư'?
Gia Đình Mới xin đăng tải chia sẻ của ông bố vui tính đang làm chuyên viên truyền thông Ngân hàng nhưng đam mê viết báo, có biệt danh 'Thái hói':
Cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi, lại chính là cô giáo đã từng dạy vợ tôi năm lớp 1. Ok rồi con, học đi, vui đi, thoải mái đi nào.
Đầu tiên, tôi xin kể câu chuyện thật 100% ngày tôi đi đến trường nộp hồ sơ xin vào lớp 1 cho con, nộp vào một trường công.
Ngay cổng trường, tôi gặp 2 bà mẹ, trên tay 2 bà mẹ là 2 tập hồ sơ. Một bà mẹ thì nói rằng đến trường để xin cho con ra khỏi trường này, vì 'cháu học trường công, học nhiều quá, không học được, cho con ra trường tư cho cháu nó đỡ hơn'.
Một bà mẹ khác nghe thấy thế thì nói rằng 'tôi lại khác, cháu nó học trường tư, toàn thấy chơi, chỉ thấy cái trường đẹp, hoành tráng, nhưng giờ thì cái gì cũng không biết, đọc viết làm toán chẳng ra đâu vào đâu, bỏ trường kia xin lại vào trường công, học cho nó chuẩn'.
Đấy, các bố các mẹ ạ, nuôi dạy con, mỗi người một phương pháp, dù rằng ai cũng muốn điều tốt nhất cho con. Thực ra tôi thấy cuộc tranh luận 'trường công hay trường tư' này là một cuộc tranh luận vô cùng đáng yêu, của những ông bố bà mẹ vì con, dù rằng kết quả khéo rồi chẳng ai chịu ai, chẳng phe nào chịu phe nào, và thực ra thì phe 'trường công' hay 'trường tư', bên nào mà chẳng đúng.
Nuôi dạy con, tôi cho rằng đã làm bố làm mẹ, ai cũng phải cố gắng, nỗ lực, ai cũng bằng một trái tim đầy tình yêu thương, nhưng đố ai dám vỗ ngực chắc chắn là ta giỏi, các bố các mẹ công nhận không?
Với lại, vẻ như ở mấy cuộc tranh luận trên mạng, lại hóa ra học trường công hay trường tư, nguyên nhân chính là bố mẹ có nhiều tiền hay không.
Có tiền, cứ cho con vào một cái trường Quốc tế học phí nghìn đô cho nó oách, cho con nó sướng, còn thì cái trường công nhồi nhét mấy chục học sinh một lớp, là do bố mẹ nghèo, không có tiền.
Rồi sau thì hóa ra, cha mẹ tốn cả chục nghìn đô chỉ để con nói tiếng Anh giỏi, chủ động hơn. Ô hay, thế học trường công thì không ngoại ngữ tốt, không chủ động à, học trường công là con khổ à?
Vợ tôi vẫn hay nói rằng 'anh chiều con quá đấy, đừng có để con lúc nào cũng cảm thấy quá đầy đủ, cái gì nó muốn là nó có được, như thế chỉ tổ làm hư con'.
Trần Quang Thái còn còn là một cây viết trong làng báo, anh có nhiều bài bình luận thể thao cũng như các bài viết thú vị khác trên nhiều tờ báo.
Gia Đình Mới từng đăng tải một bài viết rất 'hot' của anh: Tôi đã thành khuân vác, shipper, giám đốc truyền thông cho vợ bán hàng online như thế nào?'
Vợ chồng tôi có 2 nhóc. Anh cu lớn Bảo Nam - tên thường gọi là Nơm, và cô nhóc 2 tuổi tên gọi là Nỉ. Con tôi năm nay vào lớp 1, và học trường công gần nhà, sau khi đã tốt nghiệp mẫu giáo cũng trường công luôn.
Có những trường Quốc tế, học phí 1 tháng bằng đúng thu nhập của tôi. Có những trường Quốc tế, học phí bằng cả thu nhập của tôi và vợ tôi cộng lại, thế thì bố mẹ chẳng đủ tiền đâu con.
Nhưng với mức tích lũy đang có, vợ chồng tôi hoàn toàn có thể cho con học ở một trường tư ở mức khá. Nhưng sao phải như vậy nhỉ, ai cũng muốn con có những điều kiện tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai, nhưng mà làm gì phải khổ đến mức con đi học mà phải thành gánh nặng cho bố mẹ như thế.
Con đi học mà đến mức con phải cố rồi bố mẹ cũng phải cố, thì khổ lắm. Mà giáo dục cũng đâu phải một món hàng, cứ tiền nhiều là 'hàng xịn'.
Cho đến ngày hôm nay, con tôi đã chính thức là học sinh lớp 1 tại trường tiểu học Bế Văn Đàn tại Quận Đống Đa, vợ tôi ngày trước cũng học ở đó. Trường con tôi là một ngôi trường tốt, giàu truyền thống và cơ sở vật chất đảm bảo, chính vợ tôi đã kiểm chứng.
Thật tình cờ, do cái duyên, cô giáo chủ nhiệm của con trai tôi lại chính là cô giáo từng dạy vợ tôi năm lớp 1.
Suốt cả hè, do sắp vào lớp 1, vợ chồng tôi tổ chức cho con một mùa hè rực rỡ, chỉ có đi chơi, không học trước chương trình. Tôi đăng kí cho con một lớp học bóng đá, cứ cuối tuần là bố đèo con ra sân bóng.
Anh con nhỏ nhất lớp, tập chơi bóng đá, hết hè là da đen nhẻm. Chữ nghĩa chưa đâu vào đâu, vẽ vời tô màu tùm lum, hiện giờ có duy nhất cái mà tôi thấy con tôi giỏi là khả năng... chơi Lego, niềm đam mê của cu cậu.
- Này, hết hè rồi đấy, giờ là một giai đoạn mới trong cuộc đời, là đi học, nó kéo dài 12 năm đấy, sẵn sàng chưa đấy?
- Ok bố, sẵn sàng rồi.
- Thế thì phải cố gắng lên, tập trung vào, còn thì cứ thoải mái đi.
Đấy là câu chuyện của bố con tôi trước khi con tôi vào lớp 1.
Nhiều mẹ có đưa ra ý kiến rằng học trường công thì nặng lắm, vất vả lắm. Ô, vấn đề gì đâu nhỉ, đấy là một thử thách cho con, chúng nó lớn rồi mà, 6 tuổi rồi cơ mà.
Con tôi khi học lớp mẫu giáo có đi học tiếng Anh, học với thầy nước ngoài. Riêng tôi quan niệm, đến tiếng Việt nói còn chưa sõi thì tiếng Anh cái gì.
Học ngoại ngữ tầm tuổi ấy, là để con có phản xạ ngoại ngữ, ý thức được rằng có một thứ ngôn ngữ khác, của một Quốc gia khác.
Con học trường công, khi cần, vợ chồng tôi sẽ cho đi học tiếng Anh, ở một trung tâm tiếng Anh tốt. Còn thì cứ là phải biết đá bóng, biết bơi, biết đi xe đạp..., biết mấy cái đấy để mà còn lớn lên.
Vợ chồng tôi đều cùng chung quan điểm, có kiếm được thêm rất nhiều tiền cũng không thuê giúp việc, hai vợ chồng chia sẻ việc nhà và cùng chăm sóc con, và cả hai đứa đều sẽ học tiểu học trường công. Cho con học ngoại khóa, học kĩ năng mềm nhiều, và cố gắng cho con đi du lịch, khám phá nhiều.
Còn lại, khi con lên các cấp học cao hơn, có thể sẽ học trường công hoặc một loại hình trường khác, tùy ở khả năng của con và hai vợ chồng có thấy phù hợp hay không.
Sáng nay, tôi vừa đưa con đến trường để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Các con xếp hàng đâu ra đấy, đều tăm tắp, nghiêm chỉnh, nhưng cũng rất vui vẻ.
Bỗng tôi nhớ đến cô giáo năm lớp 1 của tôi, nhớ đến ngôi trường đơn sơ giản dị hồi tiều học của tôi. Cô giáo đầu tiên của tôi trong đời là một cô giáo già, rất nghiêm nghị nhưng cũng rất hiền từ và rất tình cảm.
Bố mẹ của các con cùng lớp 1 chào nhau ở cổng trường, và tôi thấy, cả tôi và những phụ huynh khác, hoàn toàn thấy thoải mái, vui vẻ và an tâm khi con học trường này.
Quang TháiBạn đang xem bài viết Cứ 'trường làng' mà học con ơi! tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].