Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

PGS. TS Nguyễn Duy Thắng: 'Hội chứng ruột kích thích cần chữa tinh thần trước khi trị bệnh'

Hội chứng ruột kích thích hiện nay khá phổ biến, nhưng vẫn còn rất ít người biết đến và dễ dàng nhầm lẫn nó với các bệnh đường ruột khác. Phóng viên Gia Đình Mới đã có buổi phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp để có cái nhìn đúng đắn về hội chứng.

Hội chứng ruột kích thích hiện nay khá phổ biến, với tỷ lệ ít nhất 5-10% dân số Việt Nam mắc phải. Thế nhưng vẫn còn rất ít người biết đến hội chứng này và dễ dàng nhầm lẫn nó với bệnh viêm đại tràng.

Để có cái nhìn đúng đắn, từ đó có phương án điều trị bệnh thích hợp, Phóng viên Gia Đình Mới đã có buổi phỏng vấn với PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Thắng, bác sĩ cao cấp Nội Tiêu hóa, Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp. Hiện tại, bác sĩ đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Tiêu hóa, Gan mật.

Hiện nay có rất nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích, nhưng không phải ai cũng biết tới hội chứng này, và dễ dàng nhầm lẫn với nhiều căn bệnh khác về đường tiêu hóa. Vậy bác sĩ có thể đưa ra khái niệm khái quát về hội chứng này được không?

- Theo Tiêu chuẩn ROM IV (tiêu chuẩn mới trong chẩn đoán các rối loạn chức năng tiêu hóa) thì Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng ruột mạn tính, bao gồm các biểu hiện sau:

Triệu chứng đau bụng tái đi tái lại, trung bình ít nhất 1 ngày mỗi tuần trong 3 tháng qua, kết hợp với 2 hoặc 3 đặc điểm sau:

-  Liên quan tới việc đại tiện

-  Thay đổi số lần đại tiện 

-  Thay đổi tính chất của phân

Các triệu chứng xảy ra ≥ 3 tháng với triệu chứng khởi phát ≥  6 tháng trước khi được chẩn đoán.

Vậy hội chứng ruột kích thích khác gì so với đại tràng co thắt?

- Thực chất 2 tên gọi chỉ cùng một loại bệnh. Trước đây người ta gọi là bệnh viêm đại tràng co thắt, hoặc bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng tiết nhầy. Bây giờ theo ROM IV thì người ta định nghĩa lại là hội chứng ruột kích thích (IBS), để tránh nhầm lẫn với viêm đại tràng.

Làm thế nào để tránh nhầm lẫn với bệnh viêm đại tràng khi biểu hiện 2 bệnh khá giống nhau?

- Bệnh nhân có thể nhận biết 2 dấu hiệu đơn giản nhất:

  • Cùng là đau bụng, nhưng nếu mắc viêm đại tràng mạn tính sẽ đau âm ỉ và thường cố định một chỗ. Còn mắc hội chứng IBS có thể đau quặn hoặc âm ỉ, nhưng không cố định, nổi u cục tại vị trí đau.
  • Điểm rõ ràng nhất là khi đi nội soi, viêm đại tràng có tổn thương ruột còn IBS thì không.

Ngoài ra viêm đại tràng có thể đi ngoài ra máu, còn IBS thì không. Bệnh viêm đại tràng không bị ảnh hưởng bởi yếu tố tinh thần như IBS.

Thưa bác sĩ, tỷ lệ người mắc hội chứng này có cao không?

Trên thế giới, tỷ lệ người mắc Hội chứng ruột kích thích khá cao, con số này đã lên tới 15-20% ở Mỹ. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu thống kê tổng thể, cũng như còn nhiều người chưa biết tới hội chứng này để kịp thời khám chữa.

Tuy nhiên theo thực tế khám chữa bệnh hàng ngày qua nhiều năm của chúng tôi thì ước tính có đến 5-10% người bệnh đến khám ở các cơ sở khám chữa bệnh bị bệnh này.

Điểm khác biệt nữa là phụ nữ mắc hội chứng này nhiều gấp 2-3 lần nam giới, có thể do có liên quan tới vấn đề hormone.

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng đang nội soi tiêu hóa cho  bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng đang nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân.

Độ tuổi nào thường mắc hội chứng này?

Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, hội chứng ruột kích thích gặp ở các độ tuổi nhiều nhất là 45 - 50 tuổi. Những người trên 70 tuổi vẫn có khả năng mắc bệnh. Độ tuổi thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc bệnh này thấp.

Phần lớn những người mắc bệnh là do áp lực, căng thẳng tinh thần trong công việc, gia đình, người buôn bán, kinh doanh, doanh nhân phải thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích. Độ tuổi học sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt với những bạn bị áp lực học tập, thi cử quá nặng.

Những học sinh nữ trung học ở các giờ có thầy giáo dạy cũng là một trường hợp khó nói. Vì là thầy giáo, nên các em này dễ có tâm lý ngại ngùng khi xin ra ngoài đi vệ sinh, từ đó nín nhịn, lâu ngày bệnh càng nặng. 

Trường hợp khác là trẻ thành phố trở về nông thôn. Do không quen với việc đi vệ sinh ở nơi kém về cơ sở vật chất, các em cũng cố gắng nhịn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Đó là những trường hợp bác sĩ đặt tâm lý vào bệnh nhân sẽ hiểu và đồng cảm, từ đó mới có thể chia sẻ, tìm giải pháp cải thiện tình trạng bệnh. 

Mắc IBS có nguy hiểm, có thể dẫn đến ung thư được không ạ?

Đây là vấn đề khiến đa phần bệnh nhân lo lắng và quan tâm. Chính vì hiểu tâm lý này, các bác sĩ nên nói rõ. Bệnh nhân cần hiểu bệnh không dẫn đến ung thư đại trực tràng, không quá nguy hiểm, chỉ là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Như vậy trước hết họ đã được giải tỏa về tâm lý, là coi như đã giảm được nửa bệnh. Có lẽ đây là vấn đề chung của bác sĩ, không chỉ với bác sĩ khám chữa hội chứng IBS.

Rất nhiều bác sĩ, chỉ quá tập trung vào việc ra chỉ định, kê đơn thuốc, thậm chí còn không nhìn kỹ mặt bệnh nhân, chỉ chăm chăm nhìn vào máy tính. Cũng phải thông cảm là có thể do bệnh nhân quá nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề tâm lý cũng hết sức quan trọng với người bệnh. Trước khi tìm ra bệnh, cái họ cần là sự đồng cảm, chia sẻ của bác sĩ. Nhiều khi chỉ cần được đồng cảm, bệnh đã có thể giảm đi nhiều.

Bác sĩ nói có nhiều người mắc hội chứng IBS, nhưng chưa đi khám. Như vậy có phải hội chứng này không quá nghiêm trọng, không gây nhiều tác hại nên bệnh nhân xem nhẹ không?

Mắc hội chứng IBS vừa đơn giản lại cũng vừa phức tạp. Đơn giản vì nó không gây nguy hiểm chết người, không phải bệnh cấp tính.

Nhưng điểm phức tạp của nó là có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Suốt ngày ôm bụng đau, mót đi ngoài. Đi đến nhà ai thì nhìn ngó xem toilet ở đâu trước rồi mới lo việc khác. Nhất là phải đi đâu xa, đi ô tô thì rất sợ.

Bệnh đôi khi gây cản trở thời gian, ảnh hưởng mọi công việc. Thậm chí người bị bệnh nặng còn phải nghỉ việc. Điều này có thể gây ảnh hưởng tâm lý, tinh thần người bệnh.

Và điều đặc biệt của hội chứng này là càng căng thẳng càng bị nặng, nên người bệnh có thể luẩn quẩn trong vòng tròn bị bệnh nặng, dẫn đến căng thẳng, càng căng thẳng càng bị nặng.

Bác sĩ đã gặp trường hợp nào mà người bệnh thắc mắc, trăn trở nhiều về hội chứng IBS không?

- Như tôi đã kể ở trên, phần lớn mối quan tâm của người bệnh là hội chứng có nguy hiểm, có dẫn đến ung thư không. Khám xong bảo không phải ung thư họ vẫn không tin. Đi khám thêm vài ba bác sĩ nữa, thậm chí đến Bệnh viện K để khám xem thế nào. Nếu Bệnh viện K bảo không ung thư họ mới quay lại bác sĩ ban đầu để kê đơn thuốc.

Không trách bệnh nhân được, phải trách bác sĩ trước. Tôi là bác sĩ tôi vẫn nói như vậy. Bởi vì bác sĩ phải giải thích cặn kẽ bệnh này là gì, chế độ ăn uống sinh hoạt ra sao đối với họ chứ chỉ đưa cho đơn thuốc mà không giải thích thì người bệnh rất hoang mang. Họ nghĩ: “Sao đau như thế này mà lại bảo là không nguy hiểm, không viêm ?”

Người ta bảo: “Không biết thì không đáng trách”. Vì vậy bệnh nhân lo lắng, thắc mắc, họ hỏi nhiều là điều dễ hiểu, vì đây là chuyện sức khỏe, cuộc sống.

Người bệnh có thể tới đâu để khám về hội chứng ruột kích thích?

- Bệnh nhân có thể đến ở các cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám công lập hay tư nhân. Những nơi có trang bị máy nội soi dạ dày, đại tràng là phương tiện giúp chẩn đoán được IBS. Thực tế nhiều tuyến huyện, tuyến tỉnh đã được trang bị máy móc hiện đại, đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn tay nghề giỏi đã được bổ sung. 

Máy móc ngày càng hiện đại góp phần nhanh chóng phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là mỗi người phải có ý thức với sức khỏe của mình, có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh kịp thời.

Máy móc ngày càng hiện đại góp phần nhanh chóng phát hiện ra bệnh. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là mỗi người phải có ý thức với sức khỏe của mình, có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh kịp thời.

Vậy theo bác sĩ, người bệnh mắc hội chứng IBS quan trọng nhất phải chú ý điều gì?

IBS liên quan trực tiếp đến vấn đề tinh thần. Càng căng thẳng càng bệnh nặng. Vì vậy trước hết người bệnh cần có lối sống khoa học lành mạnh, sống lạc quan, ăn uống hợp lý, vận động thể thao phù hợp lứa tuổi sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng lâm sàng.

Nếu đã uống thuốc thì cần phải kiên trì. Nhiều người uống 1 tuần không thấy hiệu quả thì bỏ luôn.

Bác sĩ có muốn chia sẻ điều gì với các bệnh nhân IBS và bác sĩ?

Có lẽ đây là điều tôi muốn nói với bác sĩ và bệnh nhân nói chung, để cả hai có sự đồng cảm, chia sẻ, thông cảm lẫn nhau hơn.

Người bệnh cần kể cho bác sĩ nghe những khó chịu, những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống hàng ngày mà mình đang mắc phải. Hãy nêu những câu hỏi cụ thể mà mình chưa rõ về bệnh tật.

Đừng ngại khi kể ra những điều mà bấy lâu này cứ ấm ức, ái ngại không dám nói ra. Hãy kể cho bác sĩ biết về các khó khăn của mình. Chỉ khi người bệnh nói ra những điều đó thì bác sĩ mới có thể tìm cách giúp mình được. Hãy để cho bác sĩ được chia sẻ nỗi khổ của người bệnh và tìm cách giúp đỡ họ.

Mỗi người bệnh khi tìm đến thầy thuốc đều có nỗi khổ riêng về bệnh tật. Họ cần được trình bày lý do đến khám và cần được giúp đỡ. Cho nên, thầy thuốc dù ở trình độ nào thì cũng cần cố gắng lắng nghe người bệnh kể về bệnh tật và mong muốn của họ để rồi cùng chia sẻ, đồng cảm với họ, tìm ra cách giúp đỡ họ.

Bệnh nhân có thể mua thuốc ở bất cứ quầy bán thuốc nào. Cái mà người bệnh cần là lời tư vấn từ bác sĩ của họ. Điều này không mua ở đâu được! Đôi khi tư vấn đã có thể làm giảm đến một nữa những lo lắng phiền toái mà lâu nay người bệnh phải chịu dựng, giúp họ an tâm, thoải mái hơn trong cuộc sống, yêu đời hơn.

Qua lời kể của bệnh nhân, thầy thuốc có thể chắt lọc những thông tin có ích cho chẩn đoán bệnh để từ đó kết hợp với thăm khám và đưa ra những quyết định chính xác cho chẩn đoán và điều trị bệnh. 

Chỉ có như vậy thì chữa bệnh IBS mới có được những thành công.

Viện nghiên cứu là đào tạo tiêu hóa gan mật là một trong những cơ sở được trang bị chuyên sâu và hiện đại nhất về tiêu hóa và gan mật ở Việt Nam với: 20 giàn nội soi và 120 dây soi cao cấp.

Viện được thành lập với mục tiêu góp phần đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao), cũng như đưa ra những nghiên cứu, đánh giá khoa học để đề xuất các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và ứng dụng được những kỹ thuật mới trong việc điều trị và phòng bệnh. 

Ngoài ra, Viện cũng sẽ chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tiêu hóa tại Việt Nam.

Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa gan mật có trụ sở tại Tầng 10, tòa tháp VCCI, số 9 Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội

Team Gia Đình Mới

Tin liên quan

từ khóa Tags: