Paracetamol là thuốc gì và cần sử dụng thế nào cho đúng?

Cứ hễ đau đầu, khó chịu là nhiều người liền uống Paracetamol cho dễ chịu. Vậy Paracetamol là thuốc gì và cần sử dụng thế nào cho đúng?

Paracetamol là thuốc gì?

Paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt thường được chỉ định điều trị các trường hợp đau và sốt từ nhẹ đến vừa như đau đầu, đau răng, đau cơ, hạ sốt,… Paracetamol hầu như không ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp hay gây kích ứng dạ dày như một số loại có cùng tác dụng khác.

Khi nào nên sử dụng Paracetamol và dùng với liều lượng bao nhiêu?

Theo hướng dẫn của BV Nhi Trung ương, khi có dấu hiệu sốt (từ 38 độ C trở lên) hoặc đau, người bệnh có thể sử dụng paracetamol để làm giảm thân nhiệt và bớt khó chịu.

Paracetamol có nhiều dạng sử dụng với nhiều hàm lượng khác nhau như: Viên nén Paracetamol 500mg, Paracetamol 500mg viên nén sủi, Paracetamol 325mg viên nén, gói bột Paracetamol 150mg, viên đặt Paracetamol 300mg... Tùy vào từng độ tuổi và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.

Paracetamol có nhiều dạng sử dụng với nhiều hàm lượng khác nhau. Ảnh minh họa

Paracetamol có nhiều dạng sử dụng với nhiều hàm lượng khác nhau. Ảnh minh họa

Paracetamol cho người lớn trong trường hợp giảm đau không được phép dùng quá 10 ngày. Nếu quá thời gian trên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra xem có gặp vấn đề gì không. Lưu ý chỉ được uống thuốc tiếp nếu có sự chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp dùng Paracetamol để hạ sốt với thân nhiệt từ 38 độ C trở lên cũng không được dùng quá 3 ngày liên tục. Nếu quá 3 ngày mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Liều lượng Paracetamol cho trẻ

Paracetamol dùng cho trẻ để giảm đau không được phép dùng quá 5 ngày. Đặc biệt, dù mục đích để giảm đau hay hạ sốt cho trẻ cũng không được dùng quá 5 liều Paracetamol/ngày. Cụ thể:

  • Liều dùng cho trẻ nhỏ: 10 - 15 mg/kg/liều. Các liều cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ.
  • Liều dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên liều dùng 325 - 650 mg cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ hoặc 1000 mg cách nhau 6 - 8 giờ.

Liều dùng cho người lớn

  • Trường hợp dùng để giảm đau, hạ sốt liều dùng từ 325 - 650 mg cách nhau 4 - 6 giờ hoặc 1000 mg cách nhau 6 - 8 giờ. Có thể dùng qua đường uống hoặc đặt hậu môn.
Viên nén paracetamol nên được nuốt với một ly nước, sữa hoặc nước trái cây. Ảnh minh họa

Viên nén paracetamol nên được nuốt với một ly nước, sữa hoặc nước trái cây. Ảnh minh họa

Cách sử dụng của từng chế phẩm Paracetamol

– Viên nén: nên được nuốt với một ly nước, sữa hoặc nước trái cây. Không nên nhai viên thuốc.

– Viên sủi: hoà tan hoàn toàn viên thuốc trong khoảng 150-200ml nước trước khi uống. Không nên bẻ viên sủi.

– Viên nhai: hướng dẫn trẻ nhai viên thuốc trước khi nuốt. Không nên nuốt viên thuốc nguyên vẹn.

– Thuốc dạng dung dịch: sử dụng dụng cụ phân liều như thìa hoặc cốc có chia vạch, xy-lanh… Nếu không có dụng cụ chia liều chính xác, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng chính xác, không đùng thìa hoặc cốc thông thường.

– Thuốc dạng bột pha uống: khuấy đều trong một lượng nước vừa đủ và uống ngay sau khi pha.

– Thuốc dạng đặt hậu môn: là thuốc được bào chế để tan chảy ở nhiệt độ cơ thể trong trực tràng, không được uống. Để sử dụng thuốc cho trẻ cần thực hiện các bước:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn của trẻ
  • Rửa sạch tay bạn bằng xà phòng và nước ấm
  • Đặt trẻ nằm nghiêng, quay lưng về phía người đặt thuốc. Đặt chân dưới của trẻ duỗi thẳng, chân trên co về phía trước bụng
  • Nâng nhẹ phần mông trên để bộc lộ vùng trực tràng
  • Tháo vỏ thuốc và đặt đầu nhọn của viên thuốc hướng về phía trực tràng
  • Dùng 1 ngón tay đẩy nhẹ thuốc sâu vào trực tràng khoảng 2cm (khoảng 1/2 đốt ngón tay). Ấn giữ nhẹ 2 phần mông trong vài giây.
  • Giữ trẻ nằm nghiêng, thẳng chân trong vòng 15 phút để viên thuốc không bị rơi ra ngoài, đồng thời đảm bảo dược chất được giải phóng dần trong vùng trực tràng
  • Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm.

Người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy bớt đau hoặc hạ sốt sau khoảng 30 phút sau khi uống và có thể mất đến 1 giờ sau khi đặt thuốc đường hậu môn. 

Một số tác dụng phụ của Paracetamol

Paracetamol an toàn khi sử dụng đúng liều phù hợp. Nếu sử dụng thuốc quá liều có thể gây độc tính trên gan không hồi phục nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, người bệnh phải tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

Ngoài ra, khi sử dụng Paracetamol có thể gây một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở. Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.

Nhiều loại thuốc bạn sử dụng có thể có chứa Paracetamol (thông tin có trên nhãn sản phẩm), không nên cho người bệnh dùng cùng hai loại thuốc đều có chứa hoạt chất trên vì nguy cơ quá liều.

Có thể dùng cùng các loại thuốc có chứa Ibuprofen trừ khi bác sĩ yêu cầu không nên dùng.

Lưu ý khi sử dụng Paracetamol để tránh gây hại

  • Không sử dụng quá liều khuyến cáo
  • Không sử dụng trong trường hợp mẫn cảm với Paracetamol
  • Ghi lại thời gian sử dụng từng liều thuốc để đảm bảo bạn không cho quá liều
  • Để xa tầm với của trẻ
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính