Quá mệt mỏi với cảnh chai nhựa nằm lăn lóc khắp nơi, anh Robert Bezeau người Canada đã lên ý tưởng mới để tái sử dụng những chiếc chai đã bị vứt đi.
Anh chuyển đến sống tại quần đảo Bocas del Toro, Panama và bắt đầu tạo ra Làng Chai Nhựa (Plastic Bottle Village).
Mục đích chính của ý tưởng này là giảm lượng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và tái chế chúng cho mục đích xây dựng.
Robert cho biết thông điệp của anh khi tạo ra ngôi làng này là để cả thế giới nhận ra rằng, chúng ta có thể tái sử dụng chai nhựa trong nhiều mục đích khác nhau, từ xây nhà, xây chỗ trú ẩn tạm sau thảm hạo, xây chuồng cho vật nuôi, xây hồ bơi, bể tự hoại, công trình thủy lợi, nhà kho và đường xá.
Mặc dù hình ảnh ngôi nhà trong quá trình xây dựng có thể không quá đẹp mắt, nhưng kết quả cuối cùng lại xinh đẹp không khác những ngôi nhà bình thường mà chúng ta vẫn ở.
Ngoài mụ đích xây nhà, anh Robert muốn dùng hành động của mình để nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng hành tinh chúng ta hiện nay cũng như tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa.
Website của dự án Làng Chai Nhựa cũng phân tích lịch sử rác thải nhựa và các sự kiện có tác động lớn đến tình trạng ô nhiễm chai nhựa mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay.
"Từ năm 1978, khi Coca-Cola và Pepsi đưa vào sử dụng chai nhựa thay cho chai thủy tinh, chúng được cho là phát minh tuyệt vời. Người ta có thể đánh rơi chúng, mở ra nắp lại nhiều lần, dễ dàng mang đi,...
Từ loại chai thủy tinh có thể gửi trả về nhà máy và tái sử dụng, con người đổi sang dùng chai nhựa không cần gửi trả mà chỉ đơn giản là dùng xong và vứt đi..."
Website cũng cung cấp những bức ảnh trước - sau của các ngôi nhà vô cùng ấn tượng.
Theo Bored Panda, ai cũng có thể mua một mảnh đất và xây nhà trên quần đảo này. Theo thông tin trên website thì giá đất ở đây là khoảng 19.000 USD và kiến trúc sư sẵn sàng giúp bạn xây dựng ngôi nhà trong mơ.
Ước tính mất khoảng 14.000 chai nhựa để xây dựng một ngôi nhà 100 m2 trong ngôi làng này.
Những ngôi nhà này được cho biết là chịu được động đất, rất mát mẻ nên không cần dùng điều hòa, giúp tiết kiệm năng lượng cho Làng Chai Nhựa.
Tuy nhiên điểm bất lợi của việc sống trên hòn đảo này là hàng hóa được chuyển đến đảo bằng phà trong các bao bì nhựa. Sau khi hàng hóa được tiêu thụ thì bao bì nhựa vẫn còn trên đảo. Và phà không bao giờ chở chúng về đất liền.
Hòn đảo này nhận hơn 100.000 khách mỗi năm và trung bình mỗi khách thường ở lại đảo 5 ngày.
Nếu mỗi khách chỉ uống 2 chai nước 1 ngày thì bạn có 1 triệu chai nhựa mỗi năm bị để lại hòn đảo nhỏ này.
Đến Làng Chai Nhựa bạn còn có thể ở trong Lâu Đài Nhựa.
Ý tưởng của lâu đài này là để mọi người hiểu được có bao nhiêu chai nhựa đang ở quanh chúng ta mỗi ngày và khuyến khích mọi người hạn chế dùng rác thải nhựa và chăm chỉ tái sử dụng, tái chế rác hơn.
Mất 2 năm để họ xây xong lâu đài cao 4 tầng từ 40.000 chai nhựa PET.
Lâu đài có 2 phòng cho khách, một phòng đôi hoàng gia, một bàn ăn lớn và một tầng ngắm cảnh.
Thậm chí ở hòn đảo này còn có cả một "nhà tù" bằng chai nhựa để bạn nhận thức những tác động xấu mà chúng ta gây ra với môi trường.
Bạn có thể đến thăm và ngủ trong những nhà giam này như một cách hối lỗi vì những hậu quả mà hành động của mình đã gây ra.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Dùng chai nhựa vứt đi xây nhà, người đàn ông khiến ai cũng choáng váng khi nhìn kết quả tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].