Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] Quê mẹ ngày xưa

Gánh khoai lang oằn nặng trên đôi vai của mẹ ngày xưa đã nuôi ước mơ tôi khôn lớn. Từ một đứa trẻ quê nghèo, lớn lên cùng đồng áng bùn lầy, giờ đây tôi đã trưởng thành và là sĩ quan quân đội. Tôi mãi tự hào về mẹ, dẫu giờ đây, mẹ chỉ còn là sâu thẳm trong ký ức xa xưa.

Trở về quê nhà sau nửa đời người phiêu bạt mưu sinh, con đường làng đất mịn ngày xưa nay đã rải nhựa phẳng lì, cây táo bờ ao nay không còn nữa. Khoảng sân, bể nước ngày ấy giờ là bồn hoa hồng kiêu hãnh; mái nhà tranh nơi tôi chào đời xưa kia giờ chỉ là ký ức...

Tất cả đã đổi thay theo dòng chảy thời gian. Nhưng tình người thôn quê mộc mạc, lối sống chân thành giản dị của những người chân lấm tay bùn vẫn đậm đà, tình nghĩa. Xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa- nơi tôi sống ngày ấy- bây giờ là quê mẹ xa xưa.

Đường làng quê mẹ ngày xưa

Đường làng quê mẹ ngày xưa

Mẹ gánh gồng nuôi ước mơ con

Cho đến bây giờ sau nhiều năm thoát ly xa gia đình, cuộc đống đủ đầy nơi phồn hoa đô thị, song tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình xa quê vĩnh viễn.

Ở cái tuổi chưa già nhưng không trẻ, không phải ai xa quê cũng luôn đau đáu về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, điều đó cũng dễ hiểu.

Bởi, nơi thị thành tráng lệ phồn hoa, cuộc sống đủ đầy vật chất dễ làm cho người ta quên đi cái thuở hàn vi, đói khổ. Quê hương chỉ trở thành thiêng liêng đau đáu trong tim đối với những người người sâu nặng nghĩa tình.

Quán mía đầu làng

Quán mía đầu làng

Quê tôi - xã Nga Tân, xã đồng chua nước lợ trồng cói nghèo nhất trong 26 xã của huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Vào những năm 1986-1990 của thế kỷ XX, người dân quanh năm đói khổ, cuộc sống lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sống chết nhờ cậy vào cây cói.

Nhà tôi nghèo nhất xóm, lại đông chị em, cuộc sống bần hàn quanh năm cơ cực, ăn bữa sáng, nhịn bữa tối. Thời bao cấp, 95% hộ gia đình bữa cơm độn khoai sắn nhiều hơn gạo. Cũng như nhiều gia đình khác, để kiếm bữa cơm “gạo ít sắn nhiều”, mẹ tôi đã ra đồng bắt cáy kiếm tiền đong gạo nuôi con.

Không thể kể hết ra đây hàng ngàn lần mẹ quang gánh mưu sinh, nhưng có một lần tôi tận mắt chứng kiến mẹ bắt cáy giữa trời căm căm rét thì không thể nào quên được. Đó là một ngày cuối đông cách đây 35 năm trước.

Sớm tinh mơ ấy cũng như bao buổi sớm lệ thường, vai mẹ đeo xời, tay cầm thuổng ra đồng bắt cáy. Cái rét thấu xương. Đôi chân mẹ thoăn thoắt vượt qua bãi bùn lầy lội.

Dáng người nhỏ thó bị che khuất bởi cánh đồng cói cao quá đầu, mẹ rạp người, tay chọc thuổng, tay vồ cáy. Bữa trưa giữa đồng cói giá lạnh là nắm cơm độn khoai khô gói trong mo cau, nước nhánh phù sa giúp mẹ qua cơn khát.

Sau một ngày rét thấu xương “bán mặt cho đất”, mẹ trở về nhà lúc xế chiều. Đôi vai nặng trĩu 5 xời cáy, quần áo bết bùn rời rã đôi chân. Ăn vội miếng cơm khoai sót lại cuối nồi, mẹ đem cáy đi vào Làng Trung bán. Làng Trung ngày ấy là quê chồng của mẹ.

Người dân nơi đây cũng một đời lam lũ, nhưng đói còn có khoai, có rau ăn, còn quê mẹ “đồng chua nước lợ”, “gạo chợ nước sông”, một ngày không ra đồng là “tắt bữa”.

Chị em tôi chờ mãi chẳng thấy mẹ về trong khi bóng tối đang dần kéo đến. Sốt ruột, tôi và chị Hai vượt qua xóm 8, vòng xuống triền đê Nga Thủy (xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn) tìm mẹ.

Từ xa, dáng mẹ hao gầy phía cuối đê. Trên vai trĩu nặng gánh khoai lang, sản phẩm của một ngày cơ cực. “Đúng mẹ rồi!”. Chị tôi mừng rỡ reo lớn. Nhưng cũng đúng lúc đó, mẹ đổ sụp nằm sõng xoài trên đất.

Chị em tôi chạy đến gọi “Mẹ ơi, mẹ làm sao thế?”, rồi lấy hộp cao sao vàng xoa vùng thái dương. Chị tôi cởi chiếc áo ngoài đắp lên ngực mẹ.

Chừng 10 phút sau, mẹ tỉnh dậy nói: “Mẹ không sao đâu. Về thôi các con”. Thì ra mẹ đuối sức vì đói. Tôi gánh hai rổ khoai lang, chị tôi dìu mẹ về đến nhà cũng vừa lúc lên đèn.

Đó là ký ức về mẹ mãi mãi không phai mờ trong trái tim tôi. Gánh khoai lang oằn nặng trên đôi vai của mẹ ngày xưa đã nuôi ước mơ tôi khôn lớn. Từ một đứa trẻ quê nghèo, lớn lên cùng đồng áng bùn lầy, giờ đây tôi đã trưởng thành và là sĩ quan quân đội. Tôi mãi tự hào về mẹ, dẫu giờ đây, mẹ chỉ còn là sâu thẳm trong ký ức xa xưa.

Ngày mới trên quê hương trồng cói

Sau chặng đường 70km từ sân bay Thọ Xuân, tôi đến đầu xã Nga Tân lúc xế trưa. Ngồi trên xe ôm, hỏi chị bán mía ven đường: “Chị cho hỏi nhà chú Dũng xóm 7 Nga Tân ạ?”. “Chú đi thẳng đến ngã tư rồi rẽ phải, chạy hơn cây số là nhà Dũng đấy!”. Chị bán mía chỉ tay về phía căn nhà mái bằng quay mặt hướng Đông.

Sau 35 năm, tất cả đã đổi thay. Con đường đất xưa kia mùa nắng lầm bụi đỏ, ngày mưa bết dính chân người, bây giờ là đường nhựa phẳng lì.

Hàng ngàn “vườn cây ao cá” của người dân hai bên đường liên xã ngày trước, giờ là “nhà ống” san sát nhau. Thay vào những ngôi nhà vách đất đơn sơ là nhà cao tầng, nhà mái bằng san sát kề nhau.

Cây táo bờ ao mẹ trồng ngày xưa, nay không còn nữa. Khoảng sân, bể nước ngày ấy giờ là chậu hoa hồng kiêu hãnh.

Mái nhà tranh nơi tôi chào đời xưa kia giờ chỉ là ký ức… Tôi không chỉ ngỡ ngàng vì quê hương đổi mới, mà còn “mở cờ” trong bụng “cái xã nghèo nhất của tỉnh Thanh giờ đã đổi khác”.

Con đường đất xưa kia mùa nắng lầm bụi đỏ, ngày mưa bết dính chân người, bây giờ là đường nhựa phẳng lì

Con đường đất xưa kia mùa nắng lầm bụi đỏ, ngày mưa bết dính chân người, bây giờ là đường nhựa phẳng lì

Thấy tôi ngỡ ngàng về đổi thay của quê hương, ông Mai Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Nga Tân bảo: “Quê mình bây giờ khác xưa rồi ông ạ.

Ngày ông đi bộ đội, chạc khoai không có mà ăn, nay khoai là quà, bánh. 100% hộ gia đình có ti vi màn hình phẳng, hơn 80% có mạng wifi, 95% hộ gia đình có tủ lạnh, thanh niên, người lớn đều có điện thoại thông minh.

Nhà ai cũng có xe máy, nhiều nhà mua được xe ô tô. Sáng ra đồng, chiều về là có tiền trăm, bạc triệu cả đấy”. “Giờ quê mình còn làm cói không?”, tôi hỏi. “Có chứ. Nghề truyền thống bỏ sao được.

Nhưng nhiều nhà khoán hết cho thợ, đi mò cua, mò ngao biển mới có tiền làm giàu, chứ làm cói thì không đủ ăn đâu”, ông Tuấn phân trần.

Làm cói - Nghề truyền thống của xã Nga Tân

Làm cói - Nghề truyền thống của xã Nga Tân

Sau một đêm “no giấc” dưới căn nhà mái bằng của người em còn thơm mùi sơn mới, tôi và chị Hai “phi” xe máy ra biển.

Tuy vẫn cánh đồng cói ngày xưa bát ngát trải dài xa tít, nhưng người dân không phải kéo cói dưới sông, chẻ cói trên bãi nổi, phơi cói phía triền đê như xưa nữa; mà cắt đến đâu, chẻ, phơi, gù luôn đến đó. Ruộng cói là nhà dã chiến, thu hoạch hết cánh đồng này, chuyển sang cánh đồng khác.

Chị Hai bảo tôi: “Giờ làm cói nhàn lắm. Năm nay cói được mùa. Cói ngắn triệu hai một tạ, cói dài hơn ba triệu. Nhiều nhà bán cói mua tủ lạnh, ti vi xịn. Cậu thấy đấy, ra ngõ là gặp quán, hàng, ăn gì cũng có lại sạch sẽ, không chất bảo quản, không hóa chất độc hại. Dân mình nhà nào cũng no “trằn ruột” cậu ạ”.

Cánh đồng cói vào vụ thu hoạch

Cánh đồng cói vào vụ thu hoạch

Bỏ lại phía sau hàng chục cánh đồng sú, vẹt, trước mắt tôi là con đường 26 km cấp phối pê tông, nối liền đê 3 xã Nga Tân với ngư trường Cồn Thoi, tỉnh Ninh Bình, và hàng trăm “nhà chòi” lớn nhỏ canh ngao biển.

Đó là những chòi của những ông chủ “có máu mặt” làm giàu bằng nghề cào ngao xuất khẩu. Ông Phạm Văn Nhàn ở xã Nga Liên, một trong những doanh nghiệp trẻ của huyện Nga Sơn cho biết, quân bình mỗi ngày doanh nghiệp ông cào trên dưới ba tấn ngao trắng tươi, trừ chi phí, lương công nhân, doanh nghiệp thu lời cả tỉ đồng/ tháng.

“Ngoài làm ngao trắng, doanh nghiệp tôi còn nuôi tôm thẻ, nuôi ong lấy mật. Mùa nào thức ấy, đầu ra ổn định. Anh nhìn kìa, trên những căn chòi canh ngao ấy có đầy đủ ti vi, sóng điện thoại di động. Muốn vào bờ “a lô” là có ghe thuyền đến đón ngay”, ông Nhàn, nói.

Những chòi trông bãi cào ngao phía ngoài biển

Những chòi trông bãi cào ngao phía ngoài biển

Mãi mặn mà tình làng nghĩa xóm

Bây giờ Nga Tân được coi là xã giàu trong 6 xã đồng cói của huyện Nga Sơn. Người dân tứ xứ về Nga Sơn du lịch, sau khi thăm núi Mai An Tiêm, Hang Từ Thức không quên “phượt” ra đê ba Nga Tân thưởng thức món gỏi cá nhệch, một đặc sản miền biển của người dân bản xứ.

Hàng chục nhà hàng “mọc” lên phía biển. Chiều cuối tuần, hàng trăm xe máy, cả chục xe ô tô đưa khách ra ngắm bãi vẹt, đi thuyền ra đảo Nẹ, hít thở không khí trong lành.

Giữa đất trời mênh mông, bưng bát canh cáy nấu với rau đay, nhâm nhi món gỏi cá nhệch cuộn trong lá tía tô, tất cả du khách đều cảm nhận yên bình và hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

Tình làng nghĩa xóm là ngày tết đến thăm nhau cầu chúc sức khỏe.

Tình làng nghĩa xóm là ngày tết đến thăm nhau cầu chúc sức khỏe.

Quê hương đổi mới từ bùn lầy, người dân có nhà cao cửa rộng, “ăn ngon, mặc đẹp” từ bần hàn cơ cực. Trong hàng trăm căn nhà cao tầng, nhà mái bằng là những con người mới thế hệ 8X, 9X với lối sống hiện đại.

Song, có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là tình người, tình làng, nghĩa xóm. Ngày thường, ai làm việc đó, nhưng hễ có con lợn ngon là giết thịt mời cả thôn đến ăn.

Đám cưới một người, cả thôn đến chia vui; nhà ai có đám tang, cả thôn đến hỏi han chia buồn. Ngày tết đến thăm nhau cầu chúc sức khỏe, ngày giỗ đến ăn miếng trầu tưởng nhớ người quá cố.

Ngày giỗ đến ăn miếng trầu tưởng nhớ người quá cố

Ngày giỗ đến ăn miếng trầu tưởng nhớ người quá cố

Ông Mai Văn Lạc, nguyên đại úy công an đã nghỉ hưu ở xóm 7 Nga Tân cho biết, so với các xã đồng cói thì Nga Tân no hơn nhiều.

Đời sống của bà con ngày càng khá giả. Điều đáng mừng là tình nghĩa xóm làng vẫn giữ vững, đoàn kết làm ăn, phấn đấu làm giàu, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh nông thôn mới…

Quyến luyến lắm nhưng cũng phải chia xa. Sau một tuần trở về quê mẹ, tôi trở lại phương Nam nơi đơn vị đóng quân.

Sau 35 năm đặt chân đến nhiều miền đất xa xôi khắp mọi miền Tổ quốc, bây giờ tôi mới hiểu rằng, chẳng đâu nhớ bằng quê hương, chẳng đâu nghĩa nặng tình, sâu bằng làng quê xứ sở, chẳng nơi nào đẹp bằng quê mẹ ngày xưa.

Mai Thắng

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính