Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] - Có chút nắng trong tiếng gà trưa

Như một tiền bối quy hoạch gia đã nói, đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược, tức là chúng ta đang vun vút trên con tàu một chiều và không thể quay lại vị trí cũ.

Tôi là một kiến trúc sư, nghiên cứu về quy hoạch và phát triển đô thị. Nghề nghiệp cho tôi được đi nhiều, cũng bắt tôi phải đọc nhiều.

Khi đọc về đô thị xanh, công trình xanh, các không gian sống thân thiện, các khu ở đáng sống, v.v… trong vô thức, tôi lại nhớ đến Lão Tử trong Đạo Đức Kinh hơn hai mươi tư thế kỷ trước: “Tiểu quốc quả dân, sử hữu thập bá chi khí nhi bất dụng…

Cam kì thực, mĩ kì phục, an kì cư, lạc kì tục” – có thể tạm hiểu là “Nước nhỏ, dân ít, dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng chưa cần dùng đến… Ăn cho là ngon, mặc cho là đẹp, ở cho là yên, sống cho là sướng”.

Quan điểm đó phải chăng đến giờ lại quay trở lại với chúng ta, với một kiểu khác hơn? Với việc kiến tạo môi trường sống, chúng ta cẩn thận chuẩn bị cho mọi khả năng đáp ứng đến mức lớn nhất, cho cái tệ nhất có thể xảy ra, để rồi yên tâm sẽ ít khi phải dùng đến nhất…

An yên trong sự chủ động, ở sức chống chịu. Hiện nay, chúng ta đang hô hào muốn quay về mô hình sống tối giản (minimalist), mà điều này há chẳng phải hai ngàn năm trăm năm trước, Lão Tử đã nhắc đến sao?

Chợ địa phương Taunggyi, rau tự trồng, thuốc tự cuốn.

Chợ địa phương Taunggyi, rau tự trồng, thuốc tự cuốn.

Rồi những xu hướng như phát triển bền vững - sustainable development, tăng trưởng xanh – green growth, đặc biệt là local economy - kinh tế địa phương của từng vùng định cư cũng đã được nhấn mạnh trong tư tưởng của Lão Tử.

“Lân quốc tương vọng. Kê khuyển chi thanh tương văn. Dân chí lão tử, bất tương vãng lai” – “Các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà, tiếng chó ở nước kia, mà dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau”.

Tôi nhớ lại một buổi sáng thức dậy ở xã nhỏ gần Taunggyi bang Shan vùng núi Myanmar, hai làng giáp nhau người ta đi chợ buổi sáng qua nhau, chợ đủ gần và đủ tiện, người ta nhìn thấy nhau và lại mỉm cười, rồi lại vác gùi đi tiếp.

Người ta hái rau rừng đủ dùng, để cho rau kịp mọc kịp lớn, sống bình thản vô ưu. Sinh hoạt giản phác mà làm vui, nhà ở thô sơ mà thích.

Rồi cái làng nhỏ ven sông miền Trung Việt Nam mà tôi đã lớn lên, làng bên kia, xóm bên này, cách một dòng nước lững lờ mà ngàn đời vẫn khác.

Uống nước chung dòng, đò qua đò lại mà tiếng nói vẫn không hòa chung, cưới hỏi ma chay đôi khi cũng lạ. Đó cũng chính là cái mà không yêu thì kêu là bảo thủ, thương mến thì gọi vững bền trong tâm tưởng từng ngôi làng Việt.

Rời vùng xa xôi dân cư thưa thớt xứ Đông Nam Á, tôi lại rơi tõm ngay vào giữa lòng châu Âu hoa lệ. Đến Hà Lan, xứ đất thấp hơn mực nước biển.

Cả đất nước như một vườn hoa tulips xinh xắn mà cứng cáp quật cường, lang thang xuyên qua những khu cao tầng nơi mà mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao vút, cái điều mà chúng ta vẫn thường hay e ngại, ngay cả các nhà học giả, hay nói về chúng như minh chứng của một sự không bền vững, khai thác cạn kiệt tài nguyên.

Mặc dù, đô thị nén - compact city, trên lý thuyết vẫn là biểu trưng cho một sự phát triển đô thị và khu dân cư thông minh đúng chuẩn thời đại.

Hớn hở chạy xe đạp giữa khu ở trung tâm Den Haag, Hà Lan.

Hớn hở chạy xe đạp giữa khu ở trung tâm Den Haag, Hà Lan.

Nghe có vẻ là nghịch lỗ nhĩ, nhưng những điểm cư trú có mật độ cao với một quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp theo chức năng thực chất lại tiết kiệm hơn, ít phát thải hơn so với những nơi thấp tầng phát triển tràn lan, sin sít không thể kiểm soát.

Phong cách sống chung cư cao tầng với mặt đất được tăng cường tối đa những thảm xanh, giảm những diện tích nền không thấm nước, hệ thống giao thông thuận tiện, đi xa bước lên tàu điện xe bus ngồi nghỉ ngơi rồi đến, lòng vòng gần gần ta rảo bước đi bộ cho vui, hay vác xe đạp chạy dưới một con đường nho nhỏ chỉ dành riêng cho giao thông phi cơ giới… cũng là một cách khác của “go green”.

Tôi cũng chạy một chiếc xe đạp lòng vòng giữa khu CBD cao tầng của Den Haag, còn gọi là La Haye, thành phố nghe tên đã thấy lịch sử sôi trào. Hiện đại không có nghĩa là không thân thiện, không trong lành.

Thành phố thông minh – smart city - có nghĩa là không phải sử dụng công nghệ tất cả mọi nơi, mà là sử dụng như thế nào để tất cả vẫn là “thật”, càng tiếp cận được với cái “thật” hơn chứ không phải “ảo”.

Đi chơi phố ngày Chủ nhật - Den Haag.

Đi chơi phố ngày Chủ nhật - Den Haag.

“Xanh” không có nghĩa là chúng ta phải về đồng ruộng đồi núi cuốc đất trồng cây, “xanh” với nghĩa rộng hơn chính là “bền vững”.

Như một tiền bối quy hoạch gia đã nói, đô thị hóa là một quá trình không thể đảo ngược, tức là chúng ta đang vun vút trên con tàu một chiều và không thể quay lại vị trí cũ.

Nhóm “khách hàng mục tiêu” đã chuyển từ người đi nương đi rẫy sang nhóm đi Tây trong 24 tiếng rồi lại quay về ngủ ở giường nhà mình.

Họ cảm thấy thanh thản và an toàn trong cái không gian của họ, cảm thấy vừa đủ tiện nghi, giao tiếp mặt đối mặt, nhìn thấy nhau chỉ gật đầu cười nhẹ thay câu hỏi chuyện vồn vã, nghe thấy những tiếng động thân quen “kê khuyển chi thanh tương văn” từ cộng đồng sống xung quanh, đi dạo trên những vỉa hè rộng rãi đầy cây, dắt xuyên từ ga trung tâm về tòa nhà mình sống, nơi đàn ông ríu rít đẩy xe nôi, phụ nữ thong dong đi bộ.

Khu ở lúc này vẫn đầy sức sống, đầy cá tính và tôn trọng cá tính của nhau.

Chúng ta giờ phải đương đầu với trái đất ấm lên, biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… nhưng chúng ta có nhiều ý tưởng, phương tiện kỹ thuật làm công cụ, hãy chuẩn bị tối đa để sống tối thiểu. Dù có xu hướng nào, trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì là con người, chúng ta vẫn vận hành trong vòng càn khôn của trời đất.

Cho nên gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Trời đất! Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là người? (Lão Tử, Đạo Đức kinh).

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh - sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người…

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: [email protected]

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Fanpage: https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Lê Thượng Nhã

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính