3 trường hợp sang tên Sổ đỏ nhà đất cho con rất dễ xảy ra tranh chấp
Thứ nhất, cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho người con khi người này ra ở riêng và để phần còn lại cho người con sống chung với mình nhưng không làm thủ tục tặng cho
Việc cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con theo phương án này xảy ra phổ biến trên thực tế. Từ xưa đến nay hầu hết các gia đình đều lựa chọn theo phương án này nhưng ít xảy ra tranh chấp vì người được tặng cho cảm thấy hài lòng, giá đất không cao và việc tặng cho được thực hiện dứt điểm.
Tuy nhiên, hiện nay phương án này trên thực tế đã xảy ra không ít tranh chấp giữa những người con vì việc tặng cho không dứt điểm, cụ thể:
Gia đình có nhiều con, khi con ra ở riêng cha mẹ tặng cho thửa đất riêng hoặc tách thửa để tặng cho người con này, việc tặng cho có hiệu lực vì đã sang tên xong. Phần đất còn lại được cha mẹ giữ lại cho mình, cho người con sống chung.
Vấn đề dễ xảy ra tranh chấp ở chỗ cha mẹ để lại đất cho mình và cho người con sống chung nhưng không làm thủ tục tặng cho, trên thực tế hầu hết trường hợp này chỉ tặng cho bằng lời nói.
Khi cha, mẹ chết hoặc cả hai người chết thì phần đất này là di sản thừa kế, nếu không có di chúc để lại cho người con sống chung thì phần đất này sẽ được chia theo pháp luật. Khi đó, người con ra ở riêng được hưởng thừa kế, nếu những người này không từ chối nhận di sản sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp.
Tóm lại, trường hợp cha mẹ tặng cho đất cho con khi ra ở riêng và để phần còn lại cho người con sống chung nhưng không làm thủ tục tặng cho sẽ dễ xảy ra tranh chấp khi cha, mẹ chết.
Kiến nghị: Nếu cha, mẹ tặng cho đất cho những người con ra ở riêng thì cũng nên tặng cho người con sống chung theo đúng quy định của pháp luật hoặc lập di chúc để phần đất này cho người con sống chung.
Thứ hai, đất của hộ gia đình nhưng cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con theo ý mình hoặc không “công bằng”
Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Dấu hiệu nhận biết đất hộ gia đình là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) ghi là “Hộ ông”, “Hộ bà”.
Trong trường hợp con có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ thì con cũng có một phần đất trong thửa đất chung. Mặc dù Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự quy định rất rõ về vấn đề này nhưng thực tế rất nhiều người dân không biết dẫn đến trường hợp sang tên không đúng.
Đối với đất hộ gia đình thì người con có chung quyền sử dụng đất đã có một phần đất trong thửa đất chung của gia đình nên việc cha mẹ sang tên Sổ đỏ, Sổ hồng cho con theo ý của mình (bản chất là lấy một phần đất của con tặng cho con) hoặc cho không công bằng giữa những người con (người được ít, người được nhiều) sẽ dễ xảy ra tranh chấp.
Trong trường hợp này việc xảy ra tranh chấp cũng dễ hiểu, bởi lẽ đều có chung quyền sử dụng đất nhưng được chia không công bằng, nhất là khi giá đất có xu hướng ngày càng tăng.
Thứ ba, đất là tài sản chung của vợ chồng, khi vợ hoặc chồng chết nhưng không làm thủ tục chia di sản thừa kế mà người còn lại sang tên nhà đất cho con theo ý mình
Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, khi một người chết thì ½ khối tài sản chung đó là di sản thừa kế và được thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế do không am hiểu quy định của pháp luật nên khi vợ hoặc chồng chết thì người còn lại tặng cho quyền sử dụng đất chung theo ý chí của mình mà không chia thừa kế.
Ngoài ra, không phải lúc nào việc tặng cho cũng công bằng giữa những người con nên dễ xảy ra tranh chấp giữa những người này với nhau hoặc giữa những người thừa kế khác với người đã được tặng cho đất.
V.LinhBạn đang xem bài viết 3 trường hợp sang tên Sổ đỏ nhà đất cho con rất dễ xảy ra tranh chấp, bố mẹ cần tuyệt đối tránh để không sứt mẻ tình cảm gia đình tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].