Thu nhập thấp, kiêm luôn chân sai vặt
Mấy level cỡ HRM (HR Manager), HRD (HR Director) thì không nói làm gì chứ mặt bằng chung level nhân viên như HR intern, HR Staff / HR Admin hay HR Executive trên các web tìm việc làm thì mức lương không cao, mà nói trắng ra là lương thấp là điều không cần phải bàn cãi.
Lương thấp cũng thôi đi, đã vậy trong công ty, HR thường chẳng khác gì chân sai vặt. Cái chổi gãy cũng “HR à”, máy in hết mực cũng “HR ơi”, mạng không vô được cũng “tại sao thế HR”. Ấy thế mà đến khi công ty cắt giảm nhân sự thì y như rằng HR là thằng bị cắt đầu tiên vì không tạo ra doanh thu cho công ty. Thử hỏi có chua xót không cơ chứ???
Cái gì không ưng ý cũng “tại HR”
Team nào, phòng nào trễ deadline, thiếu KPI… thì lý do đầu tiên luôn là thiếu nhân sự. Mà thiếu nhân sự thì mặc định đổ lỗi do HR tuyển không đủ người chứ chẳng thể nào trật đi đâu được.
Tuyển nhân sự mới nhưng làm không được việc cũng do HR “không biết nhìn người”, “nhân sự như thế mà cũng tuyển”. Trong khi HR còn chẳng được quyền quyết định việc ứng viên đậu hay rớt. Hội đồng phỏng vấn thì có cả ông quản lý bộ phận, ban giám đốc, thậm chí còn có Hội đồng quản trị tham gia cùng. Đó là còn chưa kể lúc tuyển người thì chọn ứng viên deal lương thấp hơn, đến lúc làm không được việc lại đổ lỗi “HR làm ăn kiểu gì thế?”
Ơ kìa, nhiệm vụ của HR chỉ là chia sẻ những vấn đề về con người, phúc lợi, văn hóa công ty… còn chuyện đánh giá ứng viên có đủ năng lực hay không, quyết định có nhận ứng viên vào làm hay không lại phụ thuộc vào mấy ông chuyên môn. Vì lẽ gì mà hễ tuyển sai lại “tại HR” thế nhở?
Luôn là kẻ phản diện trong công ty
Như mọi người đều biết, HR luôn là nhân vật đại diện cho Ban lãnh đạo công ty thực thi các quyết định khấu trừ lương khi nhân viên vi phạm quy định hoặc không đạt KPI. Xa hơn nữa, HR cũng là người thực hiện các quyết định kỷ luật, cách chức, cho thôi việc, vân vân và mây mây.
Vẫn biết người làm nghề nhân sự chỉ thi hành quyết định của sếp chứ chẳng làm gì nên tội nhưng nhân viên hễ bị khấu trừ lương hay phải đón nhận bất cứ quyết định không vui vẻ nào y như rằng lại đè HR ra mà chửi chỉ vì “có chửi được sếp đâu mà chẳng chửi HR?!”
Làm đúng nội quy công ty thì bị nhân viên ghét, nới lỏng chút cho mọi người dễ thở thì bị sếp chửi. Thật sự, chẳng biết sống sao cho vừa lòng thiên hạ.
Deal lương với ứng viên thì bị ứng viên chửi nào là “ép lương”, nào là “đều là phận nhân viên với nhau, sao lại phải khắt khe đến thế”. Nhưng mà ơ kìa, sếp chỉ cho vị trí này ngần ấy ngân sách mà thôi, HR có cắt lương của mình để tăng lương cho ứng viên được đâu mà bảo chẳng ép.
HR chỉ là người đại diện cho ban lãnh đạo trao đổi về mức lương với ứng viên, hoàn toàn không có quyền quyết định khung lương hay việc tăng giảm mức lương của nhân sự. Vậy nên, nếu có thắc mắc hay bất mãn gì về lương, thưởng, đãi ngộ… có thể đặt câu hỏi một cách thiện chí và hoà ái chứ đừng nhắm thẳng mặt HR mà xả giận đấy nhé!
Bên cạnh đó, không chỉ HR nội bộ mà HR của các Recruitment Agency Headhunting còn thường xuyên rơi vào tình thế bánh mì kẹp thịt khi trình hồ sơ mãi, hối mãi nhưng sếp/đối tác chẳng chịu duyệt hồ sơ trong khi ứng viên thì mãi nhắn tin, gọi điện hỏi han, dí HR sắp xếp lịch phỏng vấn.
Luôn phải làm diễn viên bất đắc dĩ
Bị sếp mắng té tát, mắng đúng mắng sai chẳng cần biết nhưng nhất định phải nhịn, phải mỉm cười. Tuyệt đối không bày tỏ sự bất mãn, không được để nhân viên mới bắt gặp cảnh cãi cọ, không được để nhân viên mới nhìn thấy cảnh sếp la mắng nhân viên cũ. Các bạn mới chưa quen môi trường, lo lắng các bạn nhìn thấy, các bạn sợ, các bạn nghỉ làm luôn.
Nhân viên mà nghỉ việc là HR lại bị chửi vì không sát sao, không đi sâu đi sát vào đời sống tinh thần của nhân viên, không nói chuyện tâm sự, động viên nhân viên để nhân viên buồn, nhân viên nghỉ. Rồi đấy, lại quay về cái vòng lặp “tại HR, tất cả là tại HR”.
Nói đi cũng phải nói lại, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không phải ai theo nghề nhân sự cũng nhiều niềm đau như thế. Chẳng thiếu HR nắm quyền hành trong tay, lương cao ngất ngưởng, đức cao vọng trọng nên đừng hình dung về nghề HR một cách tiêu cực. Làm nghề gì cũng vậy, có được có mất, có vui có buồn. Nếu bạn có đủ tình yêu với nghề thì dù ở vị trí nào cũng tìm được niềm vui và động lực để phấn đấu mỗi ngày.
Trang ĐoànBạn đang xem bài viết Những nỗi đau không ai thấu của người làm nghề nhân sự tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].