Đường đến trường rất xa
Ngày Khai giảng năm nay, vì có chuyến công tác nên lẽ ra phải ở nhà đưa con trai 4 tuổi đi dự lễ như năm ngoái thì tôi đã phải nhường lại việc đó cho ba cháu để đến trao quà cho những đứa trẻ ở vùng cao.
Con trai tôi đã quen với những chuyến công tác của mẹ nên không thắc mắc nhiều.
Dự kiến chương trình, chúng tôi chỉ cần mang quà tới trường mầm non Hoa Huệ của xã Hồ Bốn là điểm mà xe có thể chở hàng tới được.
Nhưng theo gợi ý của cô hiệu trưởng, chúng tôi quyết định đi đến một điểm trường nằm sâu trong bản cũng thuộc xã Hồ Bốn là Trống Gầu Bua.
Từ đường chính lên bản chỉ hơn 4 km thôi nhưng là đường rất dốc và trơn nên chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ.
Xe máy phải leo trên những con dốc trơn trượt đầy đá lổn nhổn khiến người lái phải nín thở gồng mình còn người ngồi sau thì thót tim vì chỉ cần lạng tay lái một chút thôi là có thể té ngã và tình huống xấu nhất là có thể lăn xuống vực.
Thỉnh thoảng có những lúc đường dốc quá người ngồi sau phải xuống đi bộ hoặc phải đẩy xe lên vì bị sa lầy.
Anh cán bộ xã nói với chúng tôi thế này chưa ăn thua gì vì những hôm trời mưa còn kinh khủng hơn phải buộc xích vào bánh xe để leo lên hoặc chỉ có 1 cách là đi bộ.
Ì ạch gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lên tới nơi và khi nhìn những gương mặt lem luốc, ngơ ngác của các bé thì thấy quãng đường vừa trải qua chả là gì.
Những đứa trẻ ở vùng cao không có chuyện cha mẹ đưa đón. Đứa lớn 5 tuổi dẫn đứa nhỏ 3 tuổi đi bộ tới lớp. Chân đất.
Ở đây xa xôi chưa có bếp nấu ăn nên các em phải mang cơm theo. Sáng sáng mỗi em sẽ được cha mẹ chuẩn bị cho một cặp lồng cơm và xách tới lớp. Có em không có cặp lồng thì bỏ cơm vào túi bóng.
Và suất cơm của các em nó nói lên đầy đủ cái sự đói nghèo.
Có suất ăn chỉ là cơm với một nửa con cá khô nướng bé xíu, có cái là hai con cá nướng nhi đồng, hay chỉ là mấy miếng măng xào.
Đến giờ ăn, các em sẽ ngồi vào bàn và từng em mở cặp lồng cơm ra tự xúc. Có khi hai chị em học cùng lớp thì ăn chung 1 cặp lồng.
Nhìn chúng mở cặp lồng một tay xúc cơm, một tay bốc cá ăn ngon lành mà sao thấy thương quá đỗi...
Ngẫm về những đứa trẻ thành thị
Có lần, tôi cũng đi tặng sữa cho các bé bằng tuổi con mình ở những vùng vừa bị lũ lụt, khi gọi điện về nghe con líu lo hỏi: ‘Mẹ ơi sao mẹ đi công tác nhiều thế? Mẹ ơi sao mẹ đi chỗ ngập nước rồi mẹ dẫn các bạn đi ăn hả? Mẹ ơi sao mẹ chưa mua máy bay cho con?’
Tôi đã rơi nước mắt vì thương và cảm thấy con thật tội nghiệp.
Và dĩ nhiên, khi công tác trở về, tôi đã bù đắp cho con bằng một chiếc máy bay mô hình đúng như lời hứa trước khi đi.
Từ nhỏ tôi đã cố gắng dạy con sống độc lập nên việc tôi đi xa không khiến con trai nhớ nhung nhiều nhưng là người mẹ tôi vẫn thấy xót xa vì nghĩ con mình chịu thiệt thòi.
Chính vì thế mà mỗi lần đi xa, khi trở về bao giờ tôi cũng mua những món quà mà con thích và yêu cầu mẹ hứa mua trước khi đi.
Tôi có rất nhiều ước mơ và dự định dành cho con trai như muốn cày cật lực để có thể cho con vào học trường quốc tế rồi đi học tiếng Anh để sau này có thể đi du học.
Không phải tôi sính ngoại mà vì tôi rất mê nền giáo dục của mấy nước tiên tiến và vì tôi sợ cái chương trình học ở trường công quá nặng.Tôi muốn con tôi được chơi nhiều hơn thay vì è cổ ra học. Mà học phí của trường quốc tế thì rất đắt đỏ nên tôi quyết định không sinh thêm nữa để có thể tập trung đầu tư cho con thật tốt.
Và vì có một mình nên con trai được hưởng tất cả tình yêu, sự chiều chuộng, và được chăm sóc đầy đủ từ ba mẹ.
Con trai tôi không phải là đứa kén ăn nên tôi không phải vất vả năn nỉ đe dọa để con nạp vào người những món ăn đại bổ như rất nhiều bà mẹ khác quanh tôi vẫn làm để con không còi cọc trong ánh nhìn của thiên hạ.
Nhưng tôi cũng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu mua yến hay những món ăn đắt tiền khác cho con vì muốn con cũng bằng những đứa trẻ khác.
Và như bao đứa trẻ thành phố khác được chiều chuộng, con tôi 4 tuổi nhưng ở nhà ăn cơm vẫn đòi mẹ đút, uống nước vẫn gọi mẹ lấy và dĩ nhiên cũng đòi mua những món quà đắt tiền mỗi khi được mẹ dắt đi siêu thị.
Tôi sẽ vẫn như thế và sẽ chẳng nghĩ gì về con mình nếu như không có chuyến từ thiện lên Mù Cang Chải, một huyện miền núi của Yên Bái vừa trải qua thiệt hại nặng nề sau đợt lũ quét.
Ly sữa ấm và ước mơ về những bữa ăn
Những đứa trẻ này chắc chắn chưa bao giờ biết đến 1 ly sữa ấm ngon lành thế nào nên chúng đã ôm rất chặt hộp sữa trong tay, mắt đen láy nhìn mà xót thương.
Để chia sẻ cho người dân huyện Mù Cang Chải sau đợt lũ quét, nhất là các bé mẫu giáo, công ty sữa NutiFood đẵ trao tặng cho Mù Cang Chải món quà trị giá hơn 900 triệu đồng.
Trong đó có 100 triệu tiền mặt để hỗ trợ xây lại cơ sở 2 của trường Tiểu học và THCS Mù Cang Chải bị sập sau lũ quét và hơn 800 triệu tiền sữa tặng cho các trường mầm non của huyện.
Lúc đó, chỉ ước giá có thể nấu cho chúng một bữa ăn với đầy đủ thịt cá thì những đôi mắt ngây thơ kia sẽ sáng lên cỡ nào, những cái miệng nhỏ xíu kia sẽ ăn ngon lành ra sao.
Và tôi nghĩ về những bữa ăn nhiều khi thừa mứa của con mình, những món đồ chơi có khi mua bằng tiền trăm, tiền triệu mà chỉ chơi vài ngày đã bị hắt hủi.
Nhìn chúng tôi ước gì mình có thể dắt con trai lên đây để con gặp những người bạn đồng trang lứa của mình, để con thấy bữa cơm của các bạn khác xa với bữa cơm ở nhà mẹ nấu hay những bữa đi ăn ngoài ở KFC hay Macdonal như thế nào.
Và tôi nghĩ, những bà mẹ như mình có phải đã quá chiều chuộng con nên thế hệ chúng lớn lên sẽ như thế nào?
Nhìn những đứa trẻ, tôi nghĩ về con mình, tôi nghĩ về những tượng đài nghìn tỷ, những khoản thất thoát, những khoản tham ô tham chục nghìn tỷ mà thấy ngậm ngùi.
Một cái tượng đài thôi có thể giúp biết bao đứa trẻ có được những bữa ăn ngon có thịt cá hay xây được biết bao phòng học để nhiều đứa trẻ không phải ngồi trong những lớp học lợp tranh vách đất mùa đông gió lùa buốt da.
Tôi có thể dạy con tôi biết chia sẻ, bớt đi một món đồ chơi, vài bữa ăn đắt tiền để dành tiền giúp đỡ những bạn nhỏ ở đây hay điểm trường xa xôi nào đó ở khắp vùng miền núi phía Bắc này nhưng còn tượng đài nghìn tỷ, những đại án tham ô nghìn cây thì... tôi chịu.
Ở Mù Cang Chải, nghĩ về tương lai những đứa trẻ bỗng thấy buồn vui lẫn lộn...
Hà DịuBạn đang xem bài viết Những điều trông thấy trong bữa ăn trưa của học sinh Mù Cang Chải tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].