Đề thi tốt nghiệp THPT 2022 được chia làm hai phần: Phần đọc hiểu và phần làm văn.
1. Phần đọc hiểu:
Ở phần này, đề bài có thể là một đoạn văn xuôi (khoảng 250 đến 300 chữ) hoặc một bài thơ, đoạn thơ và yêu cầu trả lời 4 câu hỏi nhỏ theo ma trận: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).
Câu 1: Ở mức độ nhận biết, thí sinh cần nắm chắc một số đơn vị kiến thức có liên quan như: thể thơ (nếu ngữ liệu cho bài thơ/đoạn thơ), phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ…
Câu 2: Thường có dạng như “trong đoạn trích, tác giả cho rằng…”, thí sinh phải ghi lại quan điểm của tác giả có sẵn trong ngữ liệu, chứ không phải quan điểm của bản thân. Thí sinh cần trả lời ngắn gọn, trọng tâm, để trong ngoặc kép quan điểm của tác giả, tránh trả lời lan man, dài dòng dẫn tới lạc đề.
Câu 3: Ở mức độ cao hơn so với câu hỏi 1 và 2, kiểu như “anh/chị hiểu như thế nào về câu…”, thí sinh cần trả lời ngắn gọn nhưng đủ ý, cần diễn đạt khoảng 3 đến 5 câu là đạt yêu cầu.
Câu 4: Ở mức độ vận dụng nhưng có độ mở rộng, kiểu như “anh/chị có đồng tình với quan niệm… không, vì sao”? Thí sinh trả lời khoảng 3 đến 5 câu, có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần nào đó nhưng cần lí giải cho hợp lí.
2. Phần làm văn:
Có 2 câu: Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Câu nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ được tích hợp một vấn đề, khía cạnh từ ngữ liệu Đọc hiểu.
Hình thức: Viết một đoạn văn (không xuống dòng) khoảng 1 mặt giấy thi, trình bày theo một trong những cách: Diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành – nhưng tốt nhất nên viết theo tổng - phân - hợp. Như vậy, câu chủ đề của đoạn văn phải mang luận điểm chính, sau đó giải thích (tùy theo đề), bàn luận và cuối cùng là kết đoạn văn.
Nội dung: Xác định cho được vấn đề cần nghị luận để viết chính xác, trọng tâm. Trong quá trình triển khai đoạn văn, thí sinh cần vào đưa những chứng gần gũi, thiết thực, chắt lọc để làm sáng tỏ yêu cầu cần nghị luận.
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi thí sinh phải dành nhiều thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, quá trình viết không lan man, sơ sài.
3. Phân chia thời gian làm bài hợp lý
Thời gian hợp lý để Phân chia thời gian giữa các phần của bài thi: Đọc hiểu văn bản (20 phút), nghị luận xã hội (20 phút), nghị luận văn học (80 phút).
4. Trình bày bài sạch đẹp
Đây là một yếu tố rất quan trọng khi làm bài thi, việc trình bày bài đẹp và sạch sẽ cũng tạo được sự dễ chịu và thiện cảm khi thầy cô chấm bài.
Tránh tẩy xóa, diễn đạt lan man, mơ hồ, sai chính tả, đưa ra những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, trái với thuần phong mĩ tục của Việt Nam.
* Chúc tất cả các sĩ tử sẽ có một kỳ thì thành công
Tuệ AnBạn đang xem bài viết 4 điều cần lưu ý khi làm bài thi tốt nghiệp THPT 2022 môn Ngữ văn để đạt điểm cao tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].