1. Lili Elbe và Gerda Gottlieb
Bộ phim The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch) công chiếu vào năm 2016 dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đời họa sĩ Einar Wegener, quyết định chuyển giới thành phụ nữ vào cuối thập niên 1920 tại Đan Mạch, lấy nhân dạng là Lili Elbe.
Lili Elbe cũng chính là người thực hiện phẫu thuật chuyển giới đầu tiên trên thế giới.
Lili tên khai sinh là Einar Magnus Andreas Wegener, kết hôn với Gerda Gottlieb năm 1904 và 2 người cùng làm công việc vẽ tranh. Einar chuyên về tranh phong cảnh còn Gottlieb vẽ minh họa cho các cuốn sách và tạp chí thời trang.
Một lần, do người mẫu bức tranh của Gerda bận không tới được, bà đã ngỏ ý nhờ chồng đi tất chân và giày cao gót của phụ nữ để vẽ. Nhưng không ngờ sau lần ấy, Einar cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong những bộ trang phục của phụ nữ, điều đó đã khơi gợi bản năng trong con người Einar.
Năm 1912, cặp đôi chuyển đến định cư tại Paris (Pháp), nơi Lili có thể sống công khai như một người phụ nữ.
Đến năm 1930, Einar Wegener tới Berlin (Đức), tìm gặp bác sĩ tâm lý giới tính - nhà tình dục học người Đức - Magnus Hirschfeld để thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới. Từ năm 1930-1931, Lili đã trải qua 4 cuộc phẫu thuật để trở thành phụ nữ.
Sau khi cuộc phẫu thuật thành công, Gerda từ bỏ cuộc hôn nhân với Lili và sau đó, Lili nhận lời cầu hôn từ một người đàn ông và bắt đầu cuộc sống mới. Lili cũng ngừng vẽ tranh từ thời gian này.
Mong muốn được làm mẹ, Lili đã chấp nhận rủi ro tiến hành phẫu thuật cấy ghép tử cung vào năm 1931. Nhưng do biến chứng, Lili đã qua đời chỉ 2 ngày sau cuộc phẫu thuật, trước sinh nhật lần thứ 50.
2. Michelangelo và Tommaso dei Cavalieri
Michelangelo sinh năm 1475 tại Caprese (Ý). Ông là một nhà kiến trúc sư, nhà điêu khắc và họa sĩ tài năng sống ở thời kỳ Phục hưng.
Phần lớn tác phẩm điêu khắc của Michelangelo đều lấy cảm hứng từ những đường nét cơ thể của nam giới.
Năm 1532, Michelangelo (57 tuổi) gặp chàng thanh niên Tommaso dei Cavalieri (23 tuổi). Mối tình sâu đậm của Michelangelo đối với Cavalieri đã để lại một bộ phận rất lớn trong lịch sử thơ văn đồng tính gồm hơn 300 bài thơ thể sonnet và madrigal.
3. Ethel Collins Dunham và Martha May Eliot
Năm 1914, Martha May Eliot gặp Ethel Collins Dunham khi họ là sinh viên tại trường Đại học Y - Dược Bryn Mawr. Họ đã yêu nhau và ở bên nhau trọn đời.
Sau khi tốt nghiệp, cặp đôi tập trung vào niềm đam mê với thuốc và được mời đến làm việc tại một khoa nhi ở Bệnh viện Yale (Mỹ).
Hai người phụ nữ đã đóng góp công sức không hề nhỏ để thay dổi nhận thức về vai trò của phụ nữ trong y học.
Bằng việc tổ chức các chương trình của New Deal về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Eliot được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Trẻ em, một cơ quan y tế liên bang. Eliot trở thành thành viên nữ đầu tiên của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ và cũng là người phụ nữ đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Y tế Công cộng Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Dunham tập trung vào việc chăm sóc các em bé sinh non và trẻ sơ sinh, đồng thời tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia về cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh cho các nhân viên y tế bệnh viện. Bà trở thành một trong những nữ Giáo sư đầu tiên tại trường Đại học Yale.
Năm 1957, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ trao tặng cho Dunham giải thưởng John Howland. Bà là người phụ nữ đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này.
Năm 1967, người bạn đời của bà là người phụ nữ thứ hai nhận được giải thưởng này.
4. Gertrude Stein và Alice B. Toklas
Gertrude Stein sinh ra tại Pennsylvania trong một gia đình người Do Thái gốc Đức vào năm 1874. Năm 1907, bà gặp Alice B. Toklas ở Paris, một trong những nhân vật tiêu biểu trong sự phát triển của văn học nghệ thuật hiện đại.
Sau đó họ về sống chung với nhau trọn đời. Căn hộ của cặp đôi trở thành một salon văn học của giới nghệ sĩ khắp châu Âu. Những tên tuổi thiên tài như Pablo Picasso và Ernest Hemmingway là khách mời thường xuyên của họ.
Dù sống chung và thường xuyên tay trong tay xuất hiện trước công chúng, cặp đôi chưa bao giờ công khai về thực hư bản chất mối quan hệ của mình. Cho đến những năm 1980, Đại học Yale đã khám phá ra hàng trăm bức thư tình giữa hai người trong một chiếc tủ bị khóa lâu năm.
5. Virginia Woolf và Vita Sackville-West
Adeline Virginia Woolf là một tiểu thuyết gia người Anh được xem là một trong những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỷ 20.
Virginia Woolf và Sackville-West gặp nhau vào khoảng năm 1922. Bắt đầu từ tình bạn, quan hệ của họ dần biến chuyển thành một thứ tình cảm thân thiết hơn mà chồng họ ít nhiều có biết, nhưng đã lờ đi.
Vì không thường xuyên gặp nên tình yêu của họ chủ yếu được gửi gắm qua những bức thư tình nồng nàn.
Nhiều tác phẩm của Sackville-West khai thác một nội dung rất mới là tình yêu đồng giới. Trong khi đó Woolf lại là một trong những người góp phần làm thay đổi nền tiểu thuyết Anh đầu thế kỷ 20.
Ái LinhBạn đang xem bài viết Những cặp đôi đồng tính nổi tiếng được coi là biểu tượng trong lịch sử (Phần 1) tại chuyên mục LGBT của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].