Sau gần một thập kỉ với những giai đoạn thăng trầm của phong trào bình đẳng LGBT, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công về các sáng kiến và phong trào thay đổi thái độ của cộng đồng nói chung đối với người LGBT.
1. Bộ phim "Hot boy nổi loạn" (2011)
"Hot boy nổi loạn" (tên đầy đủ là "Hot boy nổi loạn, chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt") là một bộ phim tình cảm - tâm lý xã hội của Việt Nam do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện, được công chiếu năm 2011.
"Hot boy nổi loạn" được đánh giá là bộ phim Việt Nam phản ánh vô cùng chân thực về người đồng tính, dù đã có một số bộ phim đồng tính khác được sản xuất. Dù là phim tình cảm nhưng "Hot boy nổi loạn" không mang màu sắc lãng mạn, mà ngược lại mang màu sắc tối tăm và u ám, cũng giống như sự khắc nghiệt ngoài xã hội lúc bấy giờ.
Với cách khai thác chân thực, nghiêm túc về đề tài LGBT, bộ phim đã đi vào trái tim người xem bằng sự bình dị, đơn giản và tái hiện một phần đời thực rõ nét.
2. Viet Pride (từ 2012)
Bắt đầu từ sự kiện Stonewall (Mỹ) ngày 28/6/1969, từ năm 2012, sự kiện Viet Pride được tổ chức tại Việt Nam nhằm tôn vinh niềm tự hào được là chính mình của cộng đồng LGBT trong xã hội và tôn vinh quyền tự do thể hiện bản thân, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới của cá nhân.
Trải qua 6 năm tự hào, Viet Pride ngày càng được mở rộng trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng LGBT và những người ủng hộ.
3. Lễ hội âm nhạc ASEAN Pride (từ 2013)
Lễ hội ASEAN Pride lần đầu tổ chức năm 2013 bởi Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội và CAMA Vietnam.
Bên cạnh việc thúc đẩy giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN Pride. Qua đó xóa bỏ những rào cản ngăn cách sự bình đẳng, chấm dứt những kỳ thị dựa trên xu hướng tình dục và đặc tính giới, cũng như gắn kết những cộng đồng người đồng tính nữ, người đồng tính nam, song tính luyến ái, chuyển giới (LGBT).
Lễ hội có sự tham gia của những ban nhạc tên tuổi đến từ các nước ASEAN, cũng như các nghệ sĩ và những nhóm cộng đồng ở Hà Nội.
4. Việt Nam hủy bỏ điều khoản "cấm kết hôn giữa người cùng giới tính" (2014)
Từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 có hiệu lực Quốc hội đã bỏ điều khoản "cấm kết hôn giữa người cùng giới tính" và thay bằng điều 8, khoản 2 là: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, những người cùng giới tính vẫn có thể tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau, nhưng sẽ không thể đăng kí kết hôn với cơ quan nhà nước và không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.
Dù vậy, đây cũng là một sự kiện đáng mừng cho cộng đồng LGBT.
5. Sự hiện diện của cặp đôi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam (2014)
Đại sứ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ. Hai người gặp nhau lần đầu năm 2004, trong một buổi tiệc tổ chức riêng cho những nhà ngoại giao thuộc cộng đồng LGBTQI. Họ tổ chức đám cưới ở Vancouver, Canada năm 2006.
Kể từ khi đến Việt Nam vào tháng 12 năm 2014, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và người bạn đời Clayton Bond đã trở thành cặp đôi đồng tính nổi tiếng nhất tại Việt Nam và được xem như những vị đại sứ của phong trào vì quyền của cộng đồng LGBT tại Việt Nam
Hiện tại, cặp đôi cùng các con vẫn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
6. Đám cưới của cặp đôi showbiz Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn (2015)
Vượt qua mọi áp lực dư luận, Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn đã tổ chức đám cưới tại Nha Trang vào năm 2015. Cặp đôi cùng chung đam mê thời trang, nếu ăn và du lịch khắp nơi, là một trong những đôi tình nhân “gây sốt” trong cộng đồng LGBT.
Trước khi tổ chức đám cưới tại Việt Nam, cặp đôi đã đăng ký kết hôn tại Mỹ khi quốc gia này chính thức công nhận hôn nhân đồng giới.
Là một trong những cặp đôi hạnh phúc đi tiên phong công khai mối quan hệ trong cộng đồng LGBT, Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn đã truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBT dám sống và dám đấu tranh để được là chính mình.
7. Quyền chuyển đổi giới tính được Quốc hội thông qua (2015)
Vào trưa ngày 24/11/2015, Quốc hội Việt Nam đã có biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó có điều luật liên quan đến quyền chuyển đổi giới tính (điều 37).
Theo Bộ luật mới, các cá nhân có quyền xác định lại giới tính của mình. Đây được coi như là những động thái đầu tiên cho việc chấp nhận và tôn trọng của xã hội đối với cộng đồng LGBT nói chung và những người chuyển giới nói riêng.
8. Việt Nam bỏ phiếu thuận cho Nghị quyết bảo vệ người đồng tính (2016)
Ngày 26/9/2014, Việt Nam với tư cách thành viên của Hội đồng nhân quyền, đã bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết lên án mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Đây là lá phiếu lịch sử, một lần nữa củng cố quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ tốt hơn quyền của người đồng tính song tính và chuyển giới. Nó cũng tạo ra tiền lệ để Việt Nam ủng hộ các nghị quyết hoặc vấn đề tương tự liên quan đến quyền của người LGBT.
Ngày 30/6/2016, Hội đồng Nhân quyền đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết 32/2, theo đó thành lập một Chuyên gia Độc lập với nhiệm vụ thúc đẩy giải quyết bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Việt nam là một trong những nước bỏ phiếu "thuận" cho nghị quyết này.
Ái LinhBạn đang xem bài viết 8 sự kiện đặc biệt làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về LGBT tại Việt Nam tại chuyên mục LGBT của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].