Báo Điện tử Gia đình Mới

Những bài học để đời của tôi sau nhiều lần 'mất tiền ngu'

Mình có đủ tiền để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc.

Mẹ mình là một kế toán viên ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Ấu thơ, mình đã nhiều lần thấy mẹ cặm cụi chong đèn ngồi tính từng hóa đơn, sột soạt viết sổ sách chi tiêu, nhíu mày nhăn mặt vò đầu bứt trán khi những con số thu chi hiện lên. Ý niệm về quản lý tài chính cá nhân đã âm thầm xuất hiện trong tiềm thức của mình từ giai đoạn đó. 

Kể từ năm 18 tuổi đến 31, mình đã học được quá trời bài học “mất tiền ngu” lẫn “chi tiền khôn”. Từ các sai lầm tài chính đã trải qua, mình đúc kết ra những quy tắc của bản thân để có một cuộc sống giàu có hơn.

Dưới đây là bài học tài chính “ahihi đồ ngốc” mình đã mắc phải, và nó cũng có thể giúp bạn giàu có hơn như thế nào.

9 bài học (của mình) cho cuộc sống giàu có

1. Một cuộc sống giàu có nghĩa là dùng tiền để thiết kế cuộc sống bạn mong muốn

Mọi người đều giống nhau về số tiền ta muốn (100 tỷ chẳng hạn), nhưng đó không phải là ước mơ. Ước mơ thực sự là cuộc sống hoàn toàn tự do mà 100 tỷ mang lại. Bạn dùng tiền để thiết kế cuộc sống bạn mong muốn.

Khi nào thì bạn sẽ giàu, theo thước đo của bạn? Như mình thì biết mình đã chạm mốc giàu có khi đạt được các mục tiêu tài chính sau:

• Để bố mẹ được nghỉ hưu không phải làm việc cực nhọc nữa, khoảng 120 triệu/năm

• Một cuộc sống thoải mái, đôi khi hơi xa hoa (mình thích videogames và du lịch), khoảng 50 triệu/năm

• Quyết định lựa chọn sự nghiệp vì mình muốn, chứ không phải vì tiền.

• Luôn xuất hiện với vẻ ngoài đẹp nhất, khoảng 100 triệu/năm

• Theo học những kỹ năng mình muốn với những người thầy giỏi nhất.

• Road trip dọc USA trong 6 tháng, khoảng 6.000USD

Tại sao bạn muốn có nhiều tiền? Tiền nhiều để làm gì? Bắt đầu với câu hỏi Tại sao, rồi thì mình sẽ tìm được câu hỏi Làm thế nào?.

2. Tập trung vào những chiến thắng lớn lao thay vì những chiến thắng vụn vặt

Bạn có dành hàng tiếng săn deal Shopee chỉ để tiết kiệm… 50.000 đồng? Bạn có thức đêm khuya để săn vé máy bay giá rẻ rồi bực mình vì hệ thống bị sập? Đó là những chiến thắng tài chính vụn vặt vì đặt ra những câu hỏi chỉ 500.000 đồng?

Những bài học để đời của tôi sau nhiều lần 'mất tiền ngu' 0

Thay vào đó, mình tập trung vào những câu hỏi lớn trị giá 50~500 triệu như mình muốn ở trong căn nhà như thế nào? Thiết lập danh mục đầu tư ra sao? Học lên cao cho ngành gì? Phát triển sự nghiệp ra sao? Kế hoạch nuôi dạy con đến năm 18 tuổi như thế nào?

Giải quyết được những câu hỏi tài chính lớn đó, thì hằng tháng bạn có mua bao nhiêu ly trà sữa Phúc Long cũng được.

3. Tiết kiệm là thu nhập trừ đi cái Tôi

"Kỹ năng vĩ đại nhất của tôi luôn là chỉ muốn rất ít", Henry David Thoreu từng nói. Mình nhớ đến một kỹ sư Harvard đã thay đổi cuộc đời mình. Walden ghi lại một năm thử nghiệm sống không vật chất của ông ở hồ Walden. Thoreau sống trong một căn nhà nhỏ-gọn-sạch tự xây, ăn rau củ tự trồng, cá từ hồ; một năm chỉ làm việc 6 tuần; tránh các chi phí không cần thiết, như áo quần đẹp. Cách sống này để cho ông dư dật thời gian để theo đuổi những điều ông yêu nhất: đọc, viết, tản bộ, tư duy, và quan sát thiên nhiên.

"Một người sẽ giàu có tỷ lệ theo số lượng thứ anh có thể chịu để yên", Thoreau tin tất cả những sở hữu vật chất ngoài mức cơ bản là vật cản đến cuộc sống đích thực. Ông tán thành ý tưởng "sự giàu sang không nằm ở cái bạn sở hữu mà ở cách bạn sử dụng thời gian của mình".

Và mình thực hành thay đổi ngưỡng chi phí sống. Ngưỡng chi phí cuộc sống sẽ phụ thuộc một phần vào nơi bạn sinh sống. Phần lớn thời gian, nó phụ thuộc chính vào tâm lý tiêu dùng của bạn – cách bạn nghĩ về tiền.

Ở Hà Nội hay Hồ Chí Minh giá 3 triệu/phòng trong khi ở Đà Nẵng hay Nha Trang giá 4 triệu/nguyên căn. Khi xác định ra con số ngưỡng chi phí cuộc sống này, bạn sẽ bất ngờ nhận ra để có những ngày tháng sống vui vẻ, mình không cần nhiều tiền đến thế.

Tiết kiệm ròng là khoảng cách giữa Thu nhập của bạn vầ Cái tôi của bạn. Cái tôi của bạn càng nhỏ thì bạn càng mau giàu sang. Bạn tiết kiệm được nhờ chi tiêu ít hơn, nhờ bạn ít ham muốn hơn, nhờ bạn ít quan tâm tới người khác nghĩ gì hơn.

Mình cũng tập sống tử tế hơn và ít phô trương hơn. Không ai ấn tượng với sở hữu vật chất của bạn nhiều như bạn. Bạn đạt được sự ngưỡng mộ và tôn trọng từ những người quan trọng với bạn bằng phẩm chất của bạn, hơn là sự phô trương tài sản. Bởi vì mình nhận thấy hạnh phúc nếu dựa trên nhu cầu thì tương đối (sở hữu vật chất). Nếu dựa trên giá trị thì tuyệt đối (trở thành/phát triển bản thân).

4. Tiết kiệm 10%, Đầu tư 20% thu nhập thường niên

Tiết kiệm đi. Bạn không cần lý do cụ thể gì để tiết kiệm. Tiết kiệm cho những thứ không thể đoán trước, những tình huống xui rủi “trộm vía”, những ngày mưa,… là lý do đủ tốt để tiết kiệm rồi.

Đầu tư đi. Đừng nghĩ rằng bạn có thể chờ hay bạn vẫn còn thời gian. Trì hoãn sẽ giết dần giết mòn tiền của bạn theo lạm phát. Bắt đầu ngay sẽ nuôi dưỡng tiền của bạn theo lãi kép.

5. Có thể trả đủ cho những chi phí lớn (đám cưới, trăng mật, nhà cửa, du học) trước khi xuống tiền (để chi phí không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trong quyết định):

Tuy mỗi người đều đặc biệt, nhưng về tài chính thì ta có những khoản chi tiêu lớn giống nhau:

• Bạn sẽ cưới

• Bạn sẽ mua nhà

• Bạn sẽ mua xe (2 bánh hoặc 4 bánh)

• Bạn sẽ nuôi con

• Bạn sẽ học cao hơn

Và với những khoản chi tiêu quan trọng này, hãy tiết kiệm đủ tiền để tiền không phải là yếu tố ảnh hưởng chính trong quyết định của bạn.

6. Tập trung vào những điều đơn giản hiệu quả, thay vì 'bí mật triệu phú'

Cũng như bao bạn khác, mình đã nghe bao nhiêu lời khuyên về tiền bạc trên báo, tham gia vài lớp Làm Giàu Không Khó, Bí Mật Tư Duy Triệu Phú, đọc mòn gáy các cuốn sách Nghĩ Giàu Làm Giàu, Cha Giàu Cha Nghèo, Người Giàu Nhất Thành Babylon...

Những bài học để đời của tôi sau nhiều lần 'mất tiền ngu' 1

Nhưng mình cứ thắc mắc sao các “bí kíp” được chia sẻ rộng rãi thế, nhiều người đọc thế, mà sao không thấy nhiều người giàu hơn sau khi gấp sách lại? 

Cho đến một ngày mình đọc được cuốn sách Tâm Lý Học về Tiền, thì mình mới vỡ lẽ ra một nhận thức quan trọng. Tài Chính Cá Nhân thì ít nhất 50% là kỹ năng mềm. Cái bạn LÀM quan trọng hơn cái bạn BIẾT.

Thiên tài mất kiểm soát cảm xúc có thể là thảm họa tài chính. Người bình thường không được giáo dục về tài chính vẫn có thể giàu có nếu họ có những kỹ năng hành vi với tiền bạc hữu ích, mà thường không liên quan gì đến các thước đo chuẩn mực về trí thông minh.

Đến nay, mình thấy tài chính cá nhân đơn giản như một nụ hôn (KISS- Keep it short and simple). Bạn không cần bằng toán học và 10 năm kinh nghiệm chơi chứng khoản để hiểu, bạn chỉ cần:

• 1 tài khoản ngân hàng (giao dịch & tiết kiệm)

• 1-2 thẻ tín dụng

• 30 phút cân đối chi tiêu mỗi tháng

• Tự động đầu tư vào quỹ chỉ số

• Chọn 1-2 lĩnh vực để tiết kiệm chi phí

• Chọn 1-2 lĩnh vực để chi tiêu nhiều hơn

Thế là đủ.

7. Tiêu dùng ý thức là chi xả láng cho những thứ bạn yêu thích, cắt tàn nhẫn cho những thứ bạn không thèm quan tâm.

Lời khuyên nào bạn hay nghe nhất khi nói đến chi tiêu? “Không”. “Tiết kiệm đi”. “Bớt mua lại”. Nhưng một cuộc sống giàu có không chỉ là về tiết kiệm, mà còn là cách chi tiêu.

Tiết kiệm chi li từng đồng cắc bạc và cắt giảm mọi thứ, tỷ như “đừng phí tiền cho [trà sữa/Tarot/ăn vặt] là một dạng tự sát tinh thần. Mọi người hay nói đến cách TIẾT KIỆM tiền hay ĐẦU TƯ tiền, nhưng không ai dạy bạn cách XÀI TIỀN.

Những bài học để đời của tôi sau nhiều lần 'mất tiền ngu' 2

Để tiêu dùng ý thức, bạn chỉ cần:

• Xác định “tiếng gọi đồng tiền” của bản thân: giá trị con người của bạn và chi tiêu có khớp với nhau chưa?

• Chọn 3 khoản bạn sẽ cắt giảm để hạnh phúc hơn (mà không ảnh hưởng chất lượng cuộc sống)

• Chọn 3 khoản bạn sẽ chi nhiều hơn để hạnh phúc hơn (mà spark joy với bạn)

• Chọn 3 thí nghiệm chi tiêu để dần thiết kế cuộc sống giàu có của bạn.

Trong tiêu dùng ý thức, chi tiêu xả láng cho những gì bạn yêu thích và cắt tàn nhẫn cho những gì bạn không thích thì tốt hơn cái gì cũng ham hoặc cái gì cũng cắt.

8. Không có giới hạn trần nào cho kiếm nhiều hơn, nhưng có giới hạn sàn cho tiết kiệm.

Thế hệ trước thường khuyên “Tiết kiệm” mà ít nói đến “Đầu tư”. Thực ra, ông cha ta cũng không giỏi quản lý tài chính cho lắm và thời họ không có những công cụ tài chính như hiện nay.

Sau khi bạn đã sắp xếp được những chiến lược “phòng thủ” để tiết kiệm tiền, thì tập trung vào những chiến lược “tấn công” sẽ mang lại kết quả lớn hơn cho sự thịnh vượng của bạn.

9. Sống một cuộc sống ngoài bảng tính. Hãy xây dựng một hệ thống tài chính và để nó chạy trong khi bạn tận hưởng cuộc sống

Ta hay dựa vào ý chí hay “động lực” để kiểm soát hành vi. “Không, mình không mua iPhone mới”, “Không, mình không ăn vặt nữa đâu”. Nhưng tâm lý con người không hoạt động như thế (Logic thường thất bại), thay vào đó hãy tập trung vào Tự Động Hóa và Hệ Thống.

Sau 10 năm thử nghiệm, lăn xả với những cơ hội tích lũy, đầu tư và tiêu dùng có trên thị trường, cho đến hiện tại mình đã thiết lập một hệ thống quản lý tài chính tự động và ổn định. Trong khi hệ thống vận động “tự thân”, mình dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống ngoài bảng tính, giải phóng đầu óc khỏi những con số để trau dồi bản thân và thực hiện những mục tiêu quan trọng khác.

Đây là 9 bài học đã hiệu quả với mình. Nó giúp mình tạo đa nguồn thu chủ động và thụ động. Nó giúp mình xây dựng hệ thống tài chính tự động, chỉ mất 1-2 tiếng bảo trì mỗi tháng. Nó giúp mình nhẹ đầu và có mối quan hệ “không phức tạp” với tiền bạc.

Giờ đây, mình độc lập, tự do và hạnh phúc khỏi những căng thẳng về tiền. Mình có “đủ” tiền để đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc. Mình không còn là câu hỏi lo lắng căng thẳng, mà là câu hỏi về làm gì cho đi chia sẻ phát triển.

Người dự thi: Trần Hữu Đại Nhật (31 tuổi, TP Đà Nẵng)

Những bài học để đời của tôi sau nhiều lần 'mất tiền ngu' 3

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn. 

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO