Năm học mới 2023 - 2024: Nhiều thay đổi quan trọng với học sinh lớp 4, 8 và 11, các phụ huynh cần nắm được

Năm học 2023 - 2024, các khối lớp 4, 8, 11 sẽ lần đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bài viết này tổng hợp các thay đổi quan trọng về chương trình lớp 4, 8, 11 phụ huynh và học sinh cần chú ý.

1. Thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới

Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới như sau:

- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, học sinh lớp 4, 8 và 11 năm nay sẽ học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, không giống chương trình của các năm học trước.

Nhiều thay đổi quan trọng với học sinh lớp 4, 8 và 11 năm học 2023 - 2024.

Nhiều thay đổi quan trọng với học sinh lớp 4, 8 và 11 năm học 2023 - 2024.

2. Tăng số tiết học học trong tuần

Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT (sau đây gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018), số tiết học trung bình mỗi tuần (không kể các môn học tự chọn) của lớp 4, 8, 11 như sau:

- Lớp 4: 30 tiết/tuần

So với số tiết học trung bình một tuần của học sinh lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018: tăng 02 tiết/tuần

So với số tiết học trung bình một tuần của học sinh lớp 4 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ 2006: tăng 05 tiết/tuần.

- Lớp 8: 29,5 tiết/tuần

So với số tiết học trung bình một tuần của học sinh lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006: tăng 0,5 tiết/tuần

- Lớp 11: 28.5 tiết/tuần

So với số tiết học trung bình một tuần của học sinh lớp 11 theo chương trình giáo dục phổ thông 2006: tăng 09 tiết/tuần.

3. Chương trình học lớp 4 năm học 2023 - 2024 có thay đổi về môn học

Tại mục 1 Phần IV Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định:

- Ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nội dung giáo dục khoa học xã hội được thực hiện trong môn Tự nhiên và Xã hội;

- Lên lớp 4 và lớp 5, môn Tự nhiên và Xã hội tách thành hai môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học.

Như vậy khi lên lớp 4, học sinh sẽ không còn học môn bắt buộc là "tự nhiên và xã hội", thay vào sẽ học 02 môn bắt buộc khác là môn "lịch sử và địa lý" và môn "khoa học".

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở chương trình lớp 4 bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1; Lịch sử và Địa lí; Khoa học; Tin học và Công nghệ; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.

Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số.

Thời lượng giáo dục: Thực hiện dạy học 02 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 07 tiết học; mỗi tiết học 35 phút.

4. Chương trình giáo dục mới lớp 8 năm học 2023 - 2024

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 01 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 05 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Căn cứ mục 1 Phần IV Chương trình giáo dục phổ thông 2018

5. Chương trình giáo dục mới lớp 11 năm học 2023 - 2024

- Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

- Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Học sinh chọn 04 môn học từ các môn học lựa chọn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.

Học sinh chọn 03 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

- Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

- Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 01 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 05 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 02 buổi/ngày.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính