Bệnh nhi D.B.K.(5 tháng tuổi) vào BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với chẩn đoán viêm tiểu phế quản cấp có suy hô hấp độ 2.
Được biết, trước khi vào viện 4 ngày trẻ ho cơn ngắn có đờm nặng tiếng, ho tăng nhanh, kèm theo khò khè nhiều, khó thở tăng về đêm, ăn uống kém.
Tuy nhiên, trẻ không được đưa đi viện thăm khám ngay mà ở nhà cha mẹ tự cho uống thuốc để điều trị bệnh. Do trẻ uống thuốc mãi không đỡ nên được cha mẹ đưa vào viện để thăm khám, điều trị. Và sau 12 ngày chăm sóc và điều trị tích cực tại khoa Nhi, sức khỏe trẻ tiến triển tốt hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trinh, khoa Nhi, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, không phải trường hợp trẻ nào bị viêm tiểu phế quản cũng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời như của bé K. Thực tế thăm khám và điều trị cho trẻ, bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải cấp cứu đặt nội khí quản và thời gian điều trị rất lâu.
Bác sĩ Trinh chia sẻ thêm, viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính ở các phế quản nhỏ và trung bình, thường do virus gây ra, đặc trưng bởi hiện tượng viêm cấp, phù nề, hoại tử các tế bào biểu mô đường dẫn khí nhỏ, tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi (đặc biệt là trẻ từ 3 - 6 tháng) với biểu hiện lâm sàng đặc trưng là ho, khò khè, thở nhanh hoặc rút lõm lồng ngực.
Bệnh thường gia tăng vào mùa đông xuân, khi thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt, với nhiều mức độ, có thể nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể rất nặng, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Để hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, khi thấy trẻ có các biểu hiện ho, sổ mũi, sốt, thở nhanh, khò khè, bỏ bú, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp, cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
An AnBạn đang xem bài viết Thời tiết chuyển lạnh, trẻ bị viêm tiểu phế quản gia tăng và những lưu ý cho cha mẹ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].