Thông tin với PV Gia Đình Mới, lương y Lê Thị Biên Thùy (121 Vệ Hồ, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hàng ngày tôi khá lo lắng khi nhận được những câu hỏi của các bậc phụ huynh khi thấy con có các triệu chứng của bệnh đau dạ dày như đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, nôn... Và khi tìm hiểu, tôi khuyến cáo các bố mẹ không nên chủ quan với bữa sáng của trẻ, bởi có thể đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dạ dày ở trẻ.
"Bữa sáng là bữa rất quan trọng để trẻ dồi dào năng lượng cho một ngày học tập và vui chơi hiệu quả. Sau 1 đêm các con ngủ dậy, dạ dày rỗng và đòi hỏi dinh dưỡng cao, co bóp nhiều, dịch vị axit trong dạ dày tăng lên nhiều so với bình thường. Nếu không ăn sáng lành mạnh, khoa học, trẻ sẽ sớm bị đau dạ dày” – lương y Thùy nhấn mạnh.
3 sai lầm trong bữa sáng của trẻ
Nhịn ăn sáng
Theo 1 khảo sát, khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi đi học nhịn ăn sáng, 30% trẻ em tiểu học đi học ít nhất 1 ngày/ tuần với bụng đói và 20% đi học không ăn sáng 2 lần/ tuần. Trẻ càng lớn, bữa sáng càng dễ bị bỏ qua.
Nhịn ăn sáng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe đặc biệt là dạ dày, Dạ dày luôn luôn co bóp, tiết ra dịch vị nhưng không có gì để tiêu hóa, lâu ngày sẽ dẫn đến bị viêm loét dạ dày. Không ăn sáng dẫn đến ruột rỗng, nhu động giảm, chất cặn trong ruột của ngày hôm trước không được đào thải ra ngoài, lâu dần sẽ kết lại thành sỏi.
Ăn đồ ăn chiên rán
Không khó để gặp hình ảnh học sinh tiểu học ăn sáng vội vàng trước giờ vào học tại cổng trường với các món ăn khoái khẩu như xúc xích, khoai chiên, khoai lắc, mì tôm trộn…
“Việc trẻ ăn sáng bằng các đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán thực sự là thiếu khoa học và sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đó là những món ăn nhiều dầu mỡ, thường là khó tiêu hóa, khiến dạ dày co bóp nhanh hơn, dịch vị dạ dày tiết ra nhiều ảnh hưởng tới dạ dày. Trong trường hợp, trẻ đã bị tổn thương dạ dày, việc dịch vị tiết ra nhiều sẽ khiến dạ dày bị đau” – lương y Thùy lý giải.
Ăn vội, ăn nhanh
Sai lầm thứ 3 trong việc ăn sáng của trẻ là việc trẻ ăn vội vàng. Thói quen không tốt này sẽ khiến thức ăn không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn ở dạng thô để tiêu hóa tiếp. Lúc này, thức ăn sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, đồng thời cũng làm giảm nhu động dạ dày.
Buổi sáng nên cho trẻ ăn gì là tốt nhất?
Bữa sáng lành mạnh cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng: Bên cạnh việc cung cấp nhiên liệu cho cơ thể, bữa sáng còn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng.
Trẻ em ăn sáng lành mạnh có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tổng thể tốt hơn so với các bữa ăn còn lại trong ngày. Khi trẻ bỏ bữa sáng thì sẽ không được bù đắp các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, canxi và protein...
Bữa ăn sáng của trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như:
Chất đạm: giúp trẻ duy trì cân nặng, giúp cơ bắp và não bộ phát triển. Bạn có thể bổ sung các thực phẩm chứa nhiều đạm như sữa và chế phẩm từ sữa, trứng, thịt bò… vào bữa ăn sáng của trẻ.
Tinh bột: cung cấp nguồn năng lượng giúp trẻ thực hiện các hoạt động trong ngày. Các món ăn có chứa tinh bột là bánh mì, phở, hủ tiếu...
Vitamin, chất xơ: Vitamin và chất xơ đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của trẻ. Vitamin và chất xơ thường có trong các loại thực phẩm như trái cây, salad… bạn có thể bổ sung vào khẩu phần ăn của bé.
V.LinhBạn đang xem bài viết Có con trong độ tuổi tiểu học, dù bận đến mấy bố mẹ cũng không nên mắc 3 sai lầm khi cho con ăn sáng vì sẽ khiến con chẳng mấy mà đau dạ dày tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].