Bản thân tên gọi ‘Halloween’ có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, là viết tắt của ‘All Hallows Eve’.
Halloween có nghĩa là Đêm của những vị thánh hay đêm của những linh hồn, lễ hội diễn ra vào đêm trước ngày 1 tháng 11 hằng năm.
Theo nghĩa tiếng Anh cổ thì ‘hallow’ có nghĩa là ban vinh dự cho cả những linh hồn xưng danh hoặc không xưng danh.
Lễ Halloween được tổ chức hằng năm vào ngày cuối cùng của tháng 10, bắt đầu vào buổi chiều tối cho tới 12 giờ đêm.
Halloween ngày nay thường gắn liền với các phong tục ‘trick or treat’ (cho kẹo hay bị ghẹo) hay khắc bí ngô trang trí.
1. Nguồn gốc ra đời Halloween
Nguồn gốc Halloween bắt nguồn từ lễ hội Samhain của người Celt cổ (đọc là sow-in).
Khoảng 2000 năm trước, người Celt sinh sống ở vùng đất mà giờ là Ireland, Anh Quốc và miền Bắc nước Pháp. Họ mừng năm mới vào ngày 1 tháng 11 hàng năm.
Đây là ngày đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và vụ mùa, bắt đầu cho mùa đông tối tăm, giá lạnh, và là khoảng thời gian trong năm được gắn với cái chết.
Người Celt tin rằng vào đêm trước năm mới, ranh giới giữa thế giới người sống và người chết sẽ trở nên mong manh, và những linh hồn đã khuất có thể tìm được đường trở về Trái đất.
Theo quan niệm của người Celt, ngoài việc gây rắc rối, phá hoại mùa màng, sự hiện diện của những linh hồn sẽ tạo điều kiện cho pháp sư Celt đưa ra những tiên đoán cho tương lai.
Vào dịp này, người Celt sẽ đốt một đống lửa lớn, và mọi người tập trung lại, thiêu các con vật và hoa màu thu hoạch được để hiến tế cho các vị thần và cùng nhau đưa ra những lời tiên đoán.
Sau khi lễ hội kết thúc, họ sẽ lấy lửa từ đống lửa hiến tế về đốt lại lửa lò sưởi trong nhà (đã bị họ dập đi trước buổi tối Halloween), họ tin rằng ngọn lửa thiêng liêng này đã được các thần chứng giám, được các linh hồn bảo hộ và sẽ giúp họ vượt qua mùa đông dài giá rét.
Đến năm 43 sau Công Nguyên, đế chế La Mã cai trị hầu hết các vùng đất của người Celt và nô dịch họ cả về vật chất và văn hóa trong vòng 400 năm.
Hai lễ hội có nguồn gốc La Mã đã được kết hợp với lễ hội Samhain của người Celt.
Đầu tiên là Feralia vào ngày cuối tháng 10, người La Mã kỷ niệm sự ra đi của người chết.
Thứ hai là ngày tôn vinh nữ thần Pomona – nữ thần quả. Biểu tượng của Pomona là trái táo, điều này cũng lý giải các trò chơi liên quan đến táo trong dịp Halloween như thi nhau lấy được thật nhiều quả táo trong thau nước, hoặc thi gọt vỏ táo, vỏ táo càng dài thì càng sống lâu…
2. Lễ Các Thánh
Ngày 13 tháng 5 năm 609 được đức Giáo hoàng Boniface IV quy định là ngày kỷ niệm và tôn vinh những linh hồn tử vì đạo và được chấp hành trên các nhà thờ của Kito.
Giáo hoàng Gregory III (731-741) đã mở rộng ngày lễ này nhằm kỷ niệm tất cả các vị thánh và những người tử vì đạo và dời ngày 13 tháng 5 thành ngày 1 tháng 11.
Đến thế kỷ IX, Kito giáo đã ảnh hưởng đến vùng đất của người Celt và dần dần kết hợp với truyền thống của người Celt.
Năm 1000 sau Công Nguyên, các nhà thờ chọn ngày 2 tháng 11 làm ngày của các linh hồn (All Souls’ Day), ngày để tưởng niệm người chết.
All Souls Day được tổ chức khá tương đồng với lễ Samhain, với đống lửa, diễu hành, hóa trang thiên thần và ác quỷ.
Ngày này còn được gọi là All Saints Day, hay All-hallows hoặc All-hallowmas (với tiếng Anh trung địa thì Alholowmesse có nghĩa là All Saints’ Day).
Đêm trước của ngày này trong tôn giáo của người Celt được gọi là All-hallows Eve và cuối cùng gọi chung với cái tên: Halloween.
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ hội Halloween có thể bạn chưa biết tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].