Bị ngứa, rát hậu môn, đi khám phát hiện mắc bệnh mà nhiều người đang mắc

Xuất hiện tình trạng đau, ngứa, rát hậu môn hơn 1 năm nay, nhưng người đàn ông không đi viện mà tự điều trị tại nhà dẫn đến bệnh càng nghiêm trọng, vào viện thăm khám phát hiện mắc bệnh mà nhiều người mắc, phải phẫu thuật điều trị.

Bệnh nhân nam 36 tuổi đến BV ĐK Hùng Vương thăm khám sau hơn 1 năm diễn ra tình trạng đau hậu môn khi đại tiện, ngứa, rát hậu môn kèm chảy dịch. Đáng nói là khi mới có triệu chứng bệnh nhân không đi khám ngay mà lại tự điều trị tại nhà, nhưng bệnh không thuyên giảm mà tình trạng càng nghiêm trọng.

Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có vết loét mạn tính sâu vị trí 6 giờ , cơ thắt hậu môn tăng trương lực. Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn cần nhập viện phẫu thuật với chẩn đoán nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ hỗn hợp.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt cơ thắt điều trị nứt kẽ hậu môn. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân ổn định và đã được ra viện.

Nứt kẽ hậu môn nếu không chú trọng kiểm soát vết nứt sẽ dẫn đến hình thành nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Nứt kẽ hậu môn nếu không chú trọng kiểm soát vết nứt sẽ dẫn đến hình thành nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Nứt kẽ hậu môn là bệnh gì?

Nứt kẽ hậu môn (nứt hậu môn) là một vết rách nhỏ nằm ở ống hậu môn và gây đau, chảy máu khi đại tiện. Nứt kẽ hậu môn thường xuyên xảy ra trong mỗi chúng ta, và thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở vùng hậu môn, như bệnh trĩ.

Triệu chứng điển hình của bệnh nứt kẽ hậu môn là đại tiện rất đau và đau thường kéo dài vài phút đến vài giờ sau khi đại tiện, có những bệnh nhân đau cả ngày. Bệnh nhân cũng có thể đại tiện ra máu đỏ tươi. Một số bệnh nhân đau từ lần đại tiện này sang lần đại tiện sau. Bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn thường sợ, không dám đại tiện vì đau.

Nguyên nhân gây ra nứt kẽ hậu môn

Theo bác sĩ của Trung tâm hậu môn trực tràng và tầng sinh môn, BV Việt Đức, nguyên nhân gây ra nứt kẽ hậu môn là do những chấn thương ở vùng ống hậu môn hoặc hậu môn bị giãn quá căng khi đại tiện.

Cục phân rắn thường là nguyên nhân gây ra những chấn thương này. Nhưng phân lỏng khi bị tiêu chảy cũng là nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn.

Những bệnh nhân có cơ thắt hậu môn (cơ vòng hậu môn) chặt thường có nguy có mắc bệnh nứt kẽ hậu môn cao hơn. Tăng độ chặt của cơ thắt hậu môn làm cho máu vào nuôi vùng bị tổn thương kém và ảnh hường đến quá trình liền vết thương. Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng việc làm mềm phân, làm cơ thắt hậu môn lỏng hơn để giúp vết thương liền tốt hơn.

Một số nguyên nhân khác như các trường hợp viêm, nhiễm khuẩn hay u vùng hậu môn cũng gây nên nứt kẽ hậu môn. Nứt kẽ hậu môn có thể là cấp tính (mới bị) hoặc mãn tính (xuất hiện 1 thời gian dài). Nứt kẽ mãn tính thường điều trị khó khăn hơn. Những bệnh nhân bị nứt kẽ mãn tính thường có da thừa ở vùng hậu môn và những u nhú nhỏ nằm ở trong ống hậu môn.

Theo các bác sĩ, nứt kẽ hậu môn nếu không chú trọng kiểm soát vết nứt sẽ dẫn đến hình thành nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, gây đau đớn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó, khi có những biểu hiện như: đại tiện ra máu, đau rát hậu môn, ngứa hậu môn, cơ thể mệt mỏi, suy nhược… cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh nứt kẽ hậu môn thế nào?

Phần lớn bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân nứt kẽ hậu môn cấp thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, nhiều chất xơ, uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để phân mềm, khuôn hơn.

Sử dụng những thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, kháng viêm và ngâm hậu môn vào nước ấm 10-20 phút, nhiều lần trong ngày (đặc biệt sau khi đại tiện) sẽ làm dịu và lỏng cơ thắt hậu môn, do đó giúp quá trình liền vết thương tốt hơn.

Một số thuốc bôi, đặt tại chỗ có thể được sử dụng để làm cho cơ thắt lỏng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này phải được kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng.

Với những bệnh nhân bị vết nứt kẽ mãn tính, thường điều trị nội khoa không hiệu quả, tái phát thì phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Những vết nứt kẽ hậu môn thường rất dễ tái phát. Sau khi điều trị khỏi, bệnh thường tái phát sau khi đại tiện phân rắn hoặc do những nguyên nhân chấn thương khác.

Do đó, khi đã điều trị khỏi, đại tiện hết đau và chảy máu thì việc duy trì chế độ ăn và sinh hoạt để không bị táo bón là rất quan trọng để tránh tái phát. Nếu bệnh tái phát, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng để khám và điều trị.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính