Đi ngoài ra máu là bị bệnh gì?
Triệu chứng đi ngoài ra máu gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, cảnh báo bệnh lý vùng hậu môn như trĩ hoặc táo bón. Những bệnh này cũng gây hiện tượng đi ngoài ra máu do tổn thương niêm mạc hậu môn. Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lý ung thư vùng hậu môn - trực tràng.
Cách đây không lâu, bệnh nhân N.T.H. (sinh năm 1985, ở Uông Bí, Quảng Ninh) đến BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám vì lí do đi ngoài ra máu. Được biết trước đó khoảng vài tháng, người bệnh thường xuyên có khối sa lồi hậu môn khi đi đại tiện, nghĩ là bị bệnh trĩ nên người bệnh chủ quan không đi khám ngay. Chỉ khi có dấu hiệu đại tiện ra máu người bệnh mới đi khám.
Người bệnh được bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi trực tràng để tìm nguyên nhân. Khi nội soi bác sĩ phát hiện ngay sát rìa hậu môn có tổn thương là polyp kích thước gần 1,5 cm, có cuống lớn, bề mặt đang rỉ máu, có sự biến đổi cấu trúc niêm mạc, bác sĩ đã bấm sinh thiết một vài vị trí của tổn thương để làm giải phẫu bệnh. Kết quả cho thấy là tổn thương tiền ung thư.
Người bệnh được nhập viện và can thiệp cắt polyp gửi làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả là ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa, chân diện cắt không còn u.
Cần làm gì khi bị đi ngoài ra máu?
Theo bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện, tổn thương dạng polyp chảy máu ở đại trực tràng không phải hiếm gặp. Tuy nhiên tổn thương polyp ở ống hậu môn tương đối đặc biệt vì dễ gây nhầm lẫn, người bệnh thường nghĩ là bị bệnh trĩ nên chủ quan không đi khám bệnh.
Có trường hợp để rất lâu đến hàng năm mới đi kiểm tra, khi đến viện thường đã ở giai đoạn muộn. Như trường hợp người bệnh H. dù ở độ tuổi còn rất trẻ đã bị polyp ống hậu môn ung thư hóa. Nhưng rất may tổn thương chưa di căn đến các cơ quan khác và đã được can thiệp kịp thời.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng khuyến cáo, mọi người đừng chủ quan với dấu hiệu đi ngoài ra máu. Bởi đi ngoài ra máu có thể do các nguyên nhân như ung thư, bệnh viêm ruột vô căn, lao ruột, trĩ, nứt kẽ hậu môn… Mức độ đại tiện ra máu nhiều hay ít tùy thuộc vào tổn thương gây chảy máu cũng như thời gian mắc bệnh. Các triệu chứng có thể diễn biến từ từ, làm cho người bệnh có tâm lý chủ quan, không đi khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường. Hãy đi khám sớm để được khám loại trừ với các bệnh lý khác. Trong trường hợp là ung thư đại trực tràng, việc phát hiện sớm cũng mang lại hiệu quả điều trị cao, tăng chất lượng sống cho người bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết Đi ngoài ra máu có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].