"Người bị cận thường thông minh" đã không còn chỉ là một quan niệm, mà các nhà khoa học ở Đại học Edinburgh, Scotland đã phát hiện rằng người thông minh có khả năng mang gene mắc các tật khúc xạ cao hơn 30% so với bình thường.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về nhận thức và di truyền của hơn 300.000 người độ tuổi từ 16 đến 102 và nhận thấy “chồng chéo rõ ràng về mặt di truyền giữa chức năng nhận thức nói chung, thời gian phản ứng và nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, trong đó có thị lực, chứng tăng huyết áp và tuổi thọ”.
Cụ thể, người thông minh có khả năng mang gene mắc bệnh về mắt khiến họ phải đeo kính cao hơn 30%.
Mặc dù người thông minh hơn có nguy cơ cận thị hay bị các tật khác về mắt cao hơn, song liên kết với các vấn đề sức khỏe khác phần lớn là theo hướng tích cực.
Tất nhiên các liên kết kiểu này chưa thể khẳng định chắc chắn ở thời điểm hiện tại, và các yếu tố cấu thành trí thông minh vẫn là dựa trên suy đoán, khó có thể (nếu không nói là không thể) đo lường được.
Không nói đến mặt di truyền thì trước đó cũng có nhiều bằng chứng cho thấy đeo kính (dù người đeo có thực sự cần nó hay không) cũng tạo cảm giác trí thức hơn.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện người đeo kính thường được cho là thông minh, độc lập, cần cù và thật thà hơn.
Do đó, nhiều luật sư thường khuyên thân chủ đeo kính khi ra tòa.
Trả lời tạp chí New York, luật sư Harvey Slovis cho biết: "Kính làm mặt bạn trông "mềm" hơn và ít có vẻ có khả năng phạm tội. Tôi đã thử những vụ án có rất nhiều bằng chứng bất lợi, nhưng thân chủ tôi đã đeo kính và được tuyên bố trắng án."
Issac Asimov từng viết trong bài luận nổi tiếng của mình: "Kính không chỉ là kính. Chúng là một loại biểu tượng, biểu tượng của trí tuệ."
(Theo The Guardian)
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Nghiên cứu: Người đeo kính thường thông minh hơn và lý do các luật sư bảo thân chủ đeo kính tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].