Đau bụng quằn quại, người lạnh toát vì ngồi điều hòa trong ngày 'đèn đỏ'
Lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường chia sẻ, trong quá trình thăm khám bệnh, chị từng gặp từng gặp nhiều cô gái trẻ đến khám vì bị đau bụng dữ dội khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
“Từng có một cô gái trẻ nhà ngay cạnh phòng khám của tôi bị đau bị đau bụng kinh nặng. Cứ đến tháng là cô gái này phải nghỉ làm vài ngày vì bụng đau vật vã, người lạnh toát, vã mồ hôi hột.
Đau nhiều khiến cô không thiết ăn uống trong những ngày này, người xanh dớt, mệt mỏi. Có những lần cô bé đau vật vã trên giường dù đã dùng các biện pháp chườm ấm, uống nước ấm nhưng vẫn không giảm, người nhà cô bé phải gọi bác sĩ cấp cứu đến tiêm thuốc giảm đau mới đỡ.
Và tình trạng của cô gái trẻ này thường nặng hơn khi gặp lạnh như vào mùa đông, hoặc mùa hè ở trong phòng điều hòa mát lạnh, uống nước đá lạnh, ăn các món ăn lạnh…
Đã có một thời gian dài, tháng nào cô gái này cũng phải dùng đến thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng.
Nhưng dùng thuốc giảm đau nhiều cô bé lại lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến dạ dày nên đã tìm đến cách chữa bệnh của Đông y để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Khi sang phòng khám để thăm khám cô bé chia sẻ rằng, có những ngày đến tháng, sáng chuẩn bị làm vẫn rất bình thường, nhưng khi đến công ty mọi người mở điều hòa quá lạnh.
Ngồi làm việc một lúc là cả người lạnh ngắt, toát mồ hôi hột, bụng đau dữ dội muốn lả đi, không thể làm việc nên cô lại phải nhờ đồng nghiệp đưa về hoặc gọi taxi về nhà để nghỉ ngơi” - Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ.
Vì sao chị em đến tháng lại bị đau bụng nặng hơn khi ngồi điều hòa lạnh?
Y học chia thống kinh (đau bụng kinh) thành 2 loại là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát. Trong đó, thống kinh nguyên phát là tình trạng đau bụng có hoặc không kèm theo triệu chứng buồn nôn, đau đầu… trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng khám không tìm thấy nguyên nhân thực thể.
Tình trạng này gặp nhiều ở tuổi dậy thì, nhưng có nhiều thiếu nữ gặp tình trạng đau bụng kinh kéo dài.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do căng thẳng thần kinh, chưa sinh đẻ nên lỗ cổ tử cung của người phụ nữ nhỏ, hoặc là do tử cung gập trước hay gập sau, do các lớp cơ thành tử cung co thắt để tống máu ra khỏi buồng tử cung…
Thống kinh nguyên phát thường đau nhiều ở vùng bụng dưới, đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng.
Những cơn đau thường xuất hiện trước khi có kinh nguyệt vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh. Tình trạng này có thể kéo dài một vài ngày, kèm theo buồn nôn, đau đầu, sốt, tiêu chảy…
Còn thống kinh thứ phát là đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt do một nguyên nhân hay bệnh lý cụ thể như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm âm đạo…
Các triệu chứng của thống kinh thứ phát cũng giống như thống kinh nguyên phát nhưng cơn đau thường xuất hiện trước chu kỳ kinh cả tuần và kéo dài đến hết chu kỳ, có thể đau vào các thời điểm khác trong tháng.
Thống kinh thứ phát thường xuất hiện muộn sau khi đã hành kinh nhiều năm hoặc sau sinh đẻ.
Phần lớn phụ nữ đều bị thống kinh vô căn ít nhất một lần trong suốt thời gian có hoạt động sinh sản. Thống kinh dạng này thường xuất hiện sớm khi cơ thể đánh dấu cột mốc dậy thì. Thời điểm lần đầu xảy ra ngay sau những vòng kinh đầu tiên trong đời.
Theo đó, khoảng tuổi gặp phải chứng này cao nhất là từ lúc dậy thì cho đến khi 30 tuổi. Mặc dù vậy, vẫn có không ít phụ nữ thường xuyên bị thống kinh lặp đi lặp lại mỗi chu kỳ cho đến tận lúc mãn kinh.
Còn theo chia sẻ của lương y Nguyễn Thanh Thúy, Đông y chia ra nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh như do huyết ứ, khí trệ, huyết hư, huyết nhiệt, huyết hàn, có trường hợp do cả huyết ứ và khí trệ…
“Với trường hợp như bệnh nhân nữ tôi kể trên, đau bụng kinh tăng nặng khi gặp lanh là thuộc dạng đau bụng kinh ở thể huyết hàn (lạnh).
Người bị đau bụng kinh do thể huyết hàn thường có những dấu hiệu như cơ thể cảm thấy lạnh, sợ lạnh, thích ấm, chân tay lạnh, người lạnh, thích uống nước ấm, thích ăn đồ nóng ấm…
Và với những trường hợp đau bụng kinh do hàn (lạnh) chỉ cần dùng các thảo dược có tính nhiệt, ôn, ấm. Đồng thời, cần tuyệt đối giữ ấm 2 gan bàn chân, giữ ấm cơ thể, cần kiêng kỵ đồ ăn lạnh khi sắp đến kỳ và trong kỳ kinh nguyệt sẽ mang lại hiệu quả rất tốt” – Lương y Nguyễn Thúy cho hay.
Làm thế nào để giảm tình trạng đau bụng trong những ngày 'đèn đỏ'?
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng, tình trạng đau bụng dữ dội khi đến chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của chị em.
Do đó, để giảm cơn đau bụng kinh, chị em nên lưu ý thực hiện những điều sau:
- Những người bị đau bụng kinh ở thể hàn (lạnh), gặp lạnh đau nhiều hơn thì nên áp dụng biện pháp chườm nóng khi đau, làm giảm lạnh, ôn ấm trừ hàn, giữ ấm 2 gan bàn chân, giữ ấm cơ thể, cần kiêng kỵ đồ ăn lạnh khi sắp đến kỳ và trong kỳ kinh nguyệt, không ngồi điều hòa quá lạnh, không tắm nước lạnh, uống nước lạnh trong những ngày “đèn đỏ”.
- Người bị đau bụng kinh do hàn (lạnh) nên uống nước ấm nóng, dùng các thảo dược có tính nhiệt, ôn, ấm như uống trà gừng, trà quế, nghệ đen mật ong, uống nước ngải cứu, ăn canh nấu từ ngải cứu… trước và trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Người bệnh có thể tự dùng điếu ngải ôn cứu vào huyệt dũng tuyền, huyệt tam âm giao. Tức là đốt điếu ngải, hơ nóng ở các huyệt đó, nóng già thì bỏ ra, hết nóng lại ôn tiếp, cứ đổi vị trí các huyệt liên tục, làm cả 2 bên chân. Huyệt dũng tuyền nằm ở gan bàn chân, vị trí ở 1/3 phía trên và 2/3 phía dưới. Còn huyệt tam âm giao ở vùng mặt trong của cổ chân. Tính từ đỉnh xương mắt cá trong, huyệt nằm cách vị trí bằng chiều rộng của 4 ngón tay.
- Ngoài việc dùng thảo dược điều trị đau bụng kinh, chị em có thể áp dụng các động tác xoa bóp, xoa dầu nóng vào xung quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, tác dụng dãn cơ, hành khí hoạt huyết; Xoa 2 bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi xoa vào gan bàn chân. Xoa khi thấy cơ thể dễ chịu thì dừng.
An AnBạn đang xem bài viết Ngày 'đèn đỏ' mà ngồi lâu trong điều hòa lạnh sẽ ảnh hưởng ra sao? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].