Mới đây, tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hành dược lâm sàng chuyên ngành ung bướu, Giám đốc BV Ung Bướu Hà Nội Bùi Vinh Quang chia sẻ, ngày 02/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, hoạt động dược lâm sàng ngày càng được quan tâm và phát triển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sử dụng thuốc đúng, đủ và an toàn. Dược lâm sàng không chỉ dừng lại ở các can thiệp ở mức độ cá nhân mà còn là trách nhiệm tổ chức, xây dựng bộ phận dược lâm sàng của các cơ sở y tế có giường bệnh.
Bác sĩ Quang cho biết thêm, với tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư ngày càng tăng như hiện nay, người dược sĩ hoạt động trong lĩnh vực ung bướu càng có trách nhiệm, thách thức to lớn trong các hoạt động nhằm giảm thiểu sai sót, tăng cường hiệu quả sử dụng và giảm thiểu tác dụng không mong muốn của quá trình điều trị. Chính vì vậy, sự phối hợp của dược sĩ, bác sĩ và điều dưỡng trong nhóm đa ngành là cần thiết để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe toàn diện dành cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, khoa Dược lý – Dược lâm sàng, trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, dược sĩ lâm sàng chuyên khoa ung thư cần tham gia tất cả các hoạt động lâm sàng như thẩm định y lệnh, đi buồng, giao ban, báo cáo ca lâm sàng, hội chẩn đa chuyên ngành, tham gia ý kiến về điều trị cho bệnh nhân ung thư, thông tin thuốc, báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR), nghiên cứu khoa học, đào tạo và tập huấn…
Đặc biệt, công việc cụ thể của dược sĩ lâm sàng chuyên khoa ung thư, gồm: khai thác tiền sử sử dụng thuốc và kiểm tra thông tin người bệnh; xem xét sử dụng thuốc trong quá trình điều trị; giám sát sử dụng thuốc cho người bệnh; theo dõi đáp ứng của người bệnh, đánh giá về các vấn đề liên quan đến thuốc trong suốt quá trình điều trị; tư vấn cho người bệnh ung thư và gia đình người bệnh về thuốc điều trị, thông tin cụ thể về an toàn và sự phù hợp của thuốc điều trị, thông tin để theo dõi, phòng ngừa và xử trí tác dụng không mong muốn hay gặp của thuốc và thúc đẩy tuân thủ điều trị.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, việc hợp tác giữa ngành Y tế Hà Nội, các đơn vị bệnh viện của thành phố với Đại học Dược Hà Nội nhằm chia sẻ kinh nghiệm, vài trò của công tác dược lâm sàng ngày càng được nâng cao, giúp các dược sĩ tự tin cùng phối hợp với các bác sĩ thực hiện tốt việc khám, điều trị người bệnh.
Đồng thời, giúp cho các bệnh viện quản lý, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả hơn. Qua đó, người bệnh có nhiều lựa chọn trong quá trình sử dụng thuốc điều trị được tốt hơn.
Trong những năm gần đây, ngành Y tế Hà Nội cũng rất quan tâm đến hoạt động dược lâm sàng, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang, Thanh Nhàn... tổ chức nhiều hội thảo quy mô lớn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho các dược sĩ về kiểm soát, sử dụng kháng sinh, thuốc đái tháo đường…; hàng quý tổ chức giao ban công tác dược lâm sàng với các đơn vị y tế trong ngành.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội mong muốn, thông qua đó, các bác sĩ, dược sĩ được học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ thực hành lâm sàng; ứng dụng các tiến bộ y học và cập nhật kiến thức về ung thư từ những chuyên gia, bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trên cả nước; các đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý thuốc bảo hiểm y tế trong lĩnh vực ung bướu trong thời gian tới.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội đã hợp tác trong công tác Dược lâm sàng về các lĩnh vực như giám sát sử dụng kháng sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo an toàn thuốc, hướng dẫn trực tiếp triển khai công tác đầu ngành dược lâm sàng tại một số bệnh viện như: Hòe Nhai, Hà Đông, Thường Tín, Mê Linh… Đồng thời hỗ trợ các bệnh viện trong nghiên cứu và báo cáo khoa học.
Đặc biệt, việc chú trọng và phát triển công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dược lâm sàng nhận được sự ủng hộ lớn từ ban giám đốc các bệnh viện cũng như các bác sĩ, dược sĩ. Bởi, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp các bác sĩ được trang bị công cụ hỗ trợ, cảnh báo và cập nhật kiến thức nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, vai trò và vị thế của dược sĩ trong các đơn vị y tế được nâng cao lên, giảm thời gian rà soát đơn thuốc của dược sĩ, giảm sai sót y khoa trong công tác khám chữa bệnh.
Dược lâm sàng là một chuyên khoa trong ngành Dược. Hoạt động của ngành Dược lâm sàng là để thúc đẩy và phát triển sử dụng hợp lý các loại thuốc và vật dụng y tế. Dược sĩ lâm sàng có nhiệm vụ:
- Đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh để xác định xem các loại thuốc bác sĩ chỉ định có đáp ứng tối ưu mục tiêu điều trị và nhu cầu của người bệnh hay không.
- Đồng thời, đánh giá hiệu quả và sự phù hợp của các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng.
- Phát hiện những vấn đề mới phát sinh liên quan đến sức khỏe trong quá trình điều trị, giải quyết vấn đề bằng những liệu pháp sử dụng thuốc phù hợp.
- Dược sĩ lâm sàng còn có nhiệm vụ thảo luận với bác sĩ điều trị để lựa chọn những loại thuốc phù hợp nhất đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
- Theo dõi diễn tiến sức khỏe của người bệnh để xác định được mức độ tác dụng của thuốc.
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà sử dụng thuốc phù hợp.
- Hướng dẫn người bệnh đến các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
- Hướng dẫn người bệnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe như tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn chế độ ăn uống đầy đủ, luyện tập thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe.
An AnBạn đang xem bài viết Ngành y tế Thủ đô tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động dược lâm sàng trong khám chữa bệnh tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].