Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ hoạt động thế nào?
Sau 2 năm chuẩn bị, với sự đồng hành và hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức FHI 360 – Alive và Thrive và Cơ quan viện trợ Ireland, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ đã ra đời.
Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở phía Nam và là ngân hàng sữa mẹ thứ hai tại Việt Nam. Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ đạt chuẩn quốc tế.
Bác sĩ Lê Quang Thanh - giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa do các mẹ đang nuôi con nhỏ tự nguyện hiến tặng và không nhận phí.
Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sĩ chọn lọc từ những bà mẹ không mắc bệnh lý (viêm gan siêu vi, HIV...), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình rất nghiêm ngặt.
Để tiêu diệt vi khuẩn có hại, sữa mẹ thô được làm nóng đến nhiệt độ 62,5 độ C trong 30 phút. Sau đó làm lạnh nhanh xuống 25 độ C trong vòng 10 phút. Sau đó làm lạnh xuống 4 độ C.
Quy trình này nhằm loại bỏ, hạn chế hoặc bất hoạt các tác nhân vi sinh học như nấm, vi khuẩn, virus, bào tử…trong khi vẫn đảm bảo dinh dưỡng và miễn dịch của sữa mẹ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: sữa tươi của mẹ đẻ xếp đầu tiên trong danh sách về dinh dưỡng các loại sữa cho trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ hiến tặng đã thanh trùng trong ngân hàng sữa xếp thứ 4. Sữa công thức xếp cuối cùng về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên trên thế giới thành lập vào năm 1909 tại Áo. Hiện nay, có khoảng 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 nước trên thế giới.
Muốn hiến sữa thì phải làm thế nào?
Hiện Bệnh viện Từ Dũ ưu tiên lấy nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ đang có con điều trị tại Đơn vị chăm sóc trẻ Kangaroo - Bệnh viện Từ Dũ. Bởi sữa các bà mẹ sinh non tháng sẽ phù hợp cho các bé sinh non. Mặt khác, con của các mẹ sinh non thường sử dụng lượng sữa ít nên thường có lượng sữa dư.
Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được nhận thẻ hiến sữa tình nguyện. Các bà mẹ được ưu tiên khám chữa bệnh tại bệnh viện và mua sữa mẹ nếu con cái rơi vào tình trạng thiếu sữa.
Bệnh viện Từ Dũ từng tiếp nhận một lượng sữa hiến tặng của một bà mẹ lên đến 200ml trong một lần vắt sữa, trong khi con chỉ dùng có 20ml.
Để tiếp nhận các nguồn sữa hiến tặng, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức khoảng 100 tình nguyện viên đến nhận sữa tại nhà các bà mẹ. Nguồn hiến tặng sữa sẽ được sàng lọc qua phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại, rà soát hồ sơ bệnh án hoặc qua lấy mẫu máu xét nghiệm.
Những bà mẹ hiến tặng sữa sẽ được cho mượn máy vắt sữa, túi bảo quản sữa, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh, có dán nhãn code tên người tặng và ngày giờ vắt. Nguồn sữa này gọi là sữa mẹ hiến tặng thô.
Sữa mẹ thô sau được rã đông để thanh trùng. Trước và sau bước thanh trùng, sữa mẹ được xét nghiệm vi sinh. Nếu không đạt yêu cầu, mẻ sữa sẽ bị hủy bỏ.
Ai được hưởng sữa mẹ từ Ngân hàng sữa mẹ?
Đối tượng ưu tiên được thụ hưởng sữa mẹ hiến tặng thông qua ngân hàng sữa mẹ là các trẻ sơ sinh sinh non có cân nặng dưới 1.500g. Đây là những trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm nếu thiếu sữa mẹ như viêm ruột hoại tử, và các bệnh nhiễm trùng khác.
Trong thời gian vận hành thử nghiệm ngân hàng sữa mẹ, kết quả thử nghiệm của cả ba mẻ sữa đầu tiên (20,280 lít) đều đạt tiêu chuẩn vi sinh trước và sau thanh trùng.
12 trẻ sơ sinh sinh non có cân nặng từ 750-1.700g bị mất nguồn sữa mẹ (một do mẹ mất, bốn do mẹ ở xa, bảy do bà mẹ thiếu sữa) đã được sử dụng sữa mẹ thanh trùng trong thời gian từ 3-6 ngày, đều cho kết quả tốt.
Theo thống kê, trong gần 70.000 ca sinh hàng năm tại bệnh viện Từ Dũ, khoa Sơ sinh tiếp nhận khoảng 6.000 - 7.000 trẻ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm.
Theo đó, các trẻ sinh non tháng này rất cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục, giảm nhiều nguy cơ như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh muộn...
Ngoài ra, với các em bé sơ sinh mà mẹ không thể cho con bú, việc nhận được sữa mẹ hiến tặng sẽ vô cùng có giá trị trong sự phát triển của trẻ.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế - đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Từ Dũ và sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho ra đời của ngân hàng sữa mẹ vì ý nghĩa khoa học và nhân văn rất cao của ngân hàng sữa mẹ.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh có gì đặc biệt? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].