Phiên toà xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ tai biến y khoa chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 7 nhưng vẫn chưa hết nóng.
Bởi liên tục có những tranh cãi về mặt chuyên môn y khoa, đạo đức nghề y cũng như khía cạnh pháp lý để buộc tội một bác sĩ phải chịu trách nhiệm về một công việc ngoài hiểu biết chuyên môn của mình.
Tuy nhiên, đây không phải là vụ án duy nhất trong ngành y. Để thêm một góc nhìn, tôi xin kể lại những câu chuyện tương tự, đã xảy ra ở đất nước Hà Lan.
1. Thảm kịch bắt đầu từ một cú điện thoại thoáng qua. Công ty phân phối nước thông báo lịch sửa chữa đường ống cho Tiến sĩ Kenrick Berend, dự kiến sẽ cắt nguồn cung cấp nước khoảng vài giờ trong ngày 21 tháng 5 năm 1996.
Người gọi điện thoại đã nhắc nhở Ts Berend cần phải chú ý đến nguồn nước sử dụng để lọc máu cho bệnh nhân. Là giám đốc của một trung tâm thận nhân tạo trên đảo Curaçao, Ts Berend đã rất hoan nghênh nguồn tin này.
Một ngày sau đó, Ts Berend cùng với một bác sĩ đồng nghiệp cho xử lí lại nguồn nước RO, thay bộ lọc mới và chỉ định chạy thận nhân tạo cho 28 bệnh nhân.
Đến ngày thứ 25, có tất cả 27 trong số 29 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại trung tâm xuất hiện các triệu chứng buồn nôn và nôn, xét nghiệm chỉ số Calci máu tăng. Kiểm tra lại nguồn nước, Berend phát hiện hàm lượng Calci cao bất thường so với trước đây. Ông cùng với đồng nghiệp chẩn đoán 27 bệnh nhân mắc “Hội chứng nước cứng – Hard water syndrome”.
Ngay lập tức Berend cho dừng hệ thống chạy thận nhân tạo ở trung tâm, gửi tất cả bệnh nhân đến các cơ sở y tế an toàn khác để tiếp tục lọc máu, phác đồ bổ sung Calci và Vitamin D cho bệnh nhân cũng được dừng lại.
Chỉ sau một lần lọc máu với nguồn nước RO có Calci thấp, tất cả các triệu chứng buôn nôn và nôn ở 27 bệnh nhân đã biến mất, xét nghiệm Calci máu trở về chỉ số bình thường.
Nhưng 3 tuần sau nữa thì mọi vấn đề trở nên tồi tệ và mất kiểm soát. Có 10 bệnh nhân diễn biến rất nặng, với các triệu chứng thần kinh như mất phương hướng, rung giật cơ, rồi co giật và hôn mê, cuối cùng là tử vong.
Tất cả 18 bệnh nhân sống sót đều có triệu chứng giống như thế nhưng ở mức độ nhẹ, họ được chuyển đến 5 cơ sở y tế của Hà Lan để tiếp tục lọc máu và điều trị tích cực.
Ban đầu, Ts Berend và các chuyên gia y tế không tìm ra nguyên nhân gây nên cái chết cho 10 bệnh nhân. Phải mãi sau đó, họ mới xác định được trong nguồn nước RO có hàm lượng kim loại Nhôm khá cao, gây nên tình trạng nhiễm độc não cấp.
Thanh tra y tế vào cuộc, một hội đồng được thành lập với sự tham gia của công ty nước, các chuyên gia quốc tế về nước cũng được trưng cầu.
2. Curaçao là một hòn đảo nhỏ với 160.000 cư dân sinh sống, tỉ lệ mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối khoảng 0,8‰ nên có số người mắc cao nhất thế giới. Bởi vậy, năm 1992 Hà Lan cho xây dựng trung tâm thận nhân tạo Diatel Curaçao với 8 hệ thống lọc máu.
Trên đảo Curaçao không có nguồn nước tự nhiên, nên toàn bộ nước uống được chưng cất từ nước biển. Hệ thống xử lí nước đắt tiền ở nơi đây đã tạo ra nguồn nước rất tinh khiết (hàm lượng ion thấp, Al < 5 μg/L, Ca < 5 mg/L), chất lượng còn tốt hơn cả nước RO của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bởi vậy mà trung tâm thận nhân tạo Diatel Curaçao, cũng như nhiều cơ sở khác ở khu vực Antillean, nguồn cung cấp nước sạch được sử dụng cho RO mà không cần phải thanh lọc lại.
Hệ thống dẫn nước trên đảo Curaçao đã 22 năm chưa phải sửa chữa gì, nên lớp kim loại bên trong đường ống có hiện tượng bị ăn mòn. Chính quyền trên đảo đã quyết định mua một hệ thống mới, nhưng đang bị trì hoãn vì các thủ tục hành chính chưa giải quyết xong, vì thế mà công ty nước sửa chữa tạm thời bằng cách tráng một lớp xi măng lót bên trong.
Nguyên ngân gây ra 10 cái chết bắt đầu hé mở.
3. Có 3 tinh thể tạo nên thành phần chính của xi măng gồm: Silicat Tricalcium (Ca3SiO5), Silicat Dicalcium (Ca2SiO4) và Tricalcium Aluminate (Ca3)Al2O6). Các tinh thể này khi gặp nước, sẽ xảy ra phản ứng phân hủy để tạo thành các ion Calci và Nhôm.
Ca 3 SiO 5 + 5H 2 O ↔ 3Ca 2+ + H 4 SiO 4 · + 6OH –
Ca 2 SiO 4 + 4H 2 O ↔ 2Ca 2+ + H 4 SiO 4 · + 4OH –
Ca 3 Al 2 O 6 + 6H 2 O ↔ 3Ca 2+ + 2Al 3+ + 12OH - 9.
Các ion Nhôm và Calci với hàm lượng cao trong nước RO chính là nguyên nhân gây ra thảm họa thận nhân tạo, cướp đi sinh mạng của 10 bệnh nhân với hai bệnh cảnh tổn thương là “Hội chứng nước cứng – Hard water syndrome” và “Bệnh lí não Nhôm cấp" (Subacute aluminum encephalopathy).
Đối với những người hành nghề y, bị truy tố về cái chết của bệnh nhân sẽ là một trong những trải nghiệm đau khổ nhất trong sự nghiệp y tế của họ
Dấu hiệu của “Hội chứng nước cứng” bao gồm buồn nôn, nôn, cơ thể suy nhược, mệt mỏi và thờ ơ với ngoại cảnh. Những bệnh nhân suy thận mạn sẽ được chỉ định bổ sung Calci và Vitamin D, làm cho nồng độ Calci trong máu tăng lên, càng thêm nguy hiểm.
“Bệnh lí não Nhôm cấp” bắt đầu xuất hiện triệu chứng khi hàm lượng ion Nhôm trong máu cao hơn từ 4 – 8 lần so với bình thường, đặc trưng bởi một nhóm hội chứng thần kinh, bao gồm rối loạn phương hướng, rung giật cơ, co giật động kinh và hôn mê, cuối cùng là tử vong.
Thảm họa 10 bệnh nhân tử vong tại trung tâm thận nhân tạo Diatel Curaçao không phải là vụ nhiễm độc đầu tiên liên quan đến nguồn nước. Trong quá khứ đã từng xảy ra những vụ ngộ độc Nhôm, ví dụ như vụ ngộ độc Alumium Sulfate xảy ra ở Bồ Đào Nha, 71 bệnh nhân chạy thận nha tạo bị “Bệnh lí não Nhôm cấp”, tử vong 25 trường hợp trong số đó.
Những thảm họa tương tự như Curaçao hay Bồ Đào Nha phản ánh một điều rất rõ ràng, rằng bác sĩ phụ trách một đơn vị lọc máu không thể dựa vào chất lượng nước do nhà máy sản xuất, cho dù các thông số kĩ thuật nước RO có thể phù hợp thế nào chăng nữa khi chạy qua màng lọc.
Với bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo, họ thường không được đào tạo đầy đủ về an toàn nguồn nước RO, vì thế mà họ có khuynh hướng phụ thuộc vô điều kiện vào nguồn cấp nước đô thị và những nhà cung cấp sửa chữa thiết bị.
Không chỉ có ion Nhôm, mà các trung tâm thận nhân tạo trên thế giới đã xảy ra những thảm họa với các chất độc khác như Chloramine, Fluoride, Đồng, Hydrogen Peroxide, Natri Azide và Microcysvowis.
4. Một cuộc điều tra hình sự bắt đầu ngay sau khi có cuộc điều tra y tế. Nhận thấy đây là vụ án phức tạp, chính phủ Hà Lan đã mời thêm các chuyên gia từ Văn phòng khu vực Châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới, để cùng tham gia quá trình điều tra đảm bảo chính xác và khách quan.
Ban đầu công tố viên bác bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ án.
Nhưng gia đình các nạn nhân không đồng ý, họ khởi kiện Ts Berend và một bác sĩ đồng nghiệp của ông. Dư luận cũng bức xúc tạo nên áp lực cùng với truyền thông vào cuộc dữ dội, đã bắt buộc tòa án phải ra quyết định khởi tố. Gia đình các nạn nhân còn yêu cầu truy tố trách nhiệm hình sự cả công ty nước, nhưng tại thời điểm đó luật không có điều khoản phù hợp để áp dụng.
Bộ Tư pháp Hà Lan bắt đầu vào cuộc từ ngày 6/6/1998 đến tháng 1 năm 1999. Thẩm phán thành lập một hội đồng 13 chuyên gia bao gồm: 2 chuyên gia nước, 2 chuyên gia thận nhân tạo và 9 chuyên gia y tế trong các lĩnh vực đến từ 4 trường đại học và 3 trung tâm thận nhân tạo ở Hà Lan.
Kenrick Berend
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, tham khảo ý kiến từ 13 chuyên gia và các thẩm phán điều tra, công tố viên đã buộc tội Ts Berend sơ suất và ngộ sát vì không kiểm tra thành phần của nước sau khi có sửa chữa đường ống.
Mức án mà công tố viên đề xuất là phạt Ts Berend 6 tháng tù treo.
Tòa án đã tiến hành điều trần và không đồng ý với cáo buộc của công tố viên, nhưng vẫn áp dụng hình phạt tù treo 6 tháng vì tội lọc máu cho bệnh nhân mà không xem xét kĩ xử lí nước, kèm theo khoản tiền phạt 6500 đô la Mỹ, đồng thời cách chức giám đốc y trung tâm thận nhân tạo Diatel Curaçao.
Bác sĩ đồng nghiệp của Ts Berend được công tố viên và tòa án được tha bổng, bởi anh chỉ là bác sĩ điều trị, không được cảnh báo và không biết cách xác định chất lượng nguồn nước RO.
Ts Berend đã kháng cáo. Tòa phúc thẩm không chấp nhận với lí do Berend không được phép xảy ra sai sót như vậy khi đã được công ty nước thông báo sửa đường ống và cảnh báo cần xem xét chất lượng nước RO chạy thận nhân tạo.
“Đối với những người hành nghề y, bị truy tố về cái chết của bệnh nhân sẽ là một trong những trải nghiệm đau khổ nhất trong sự nghiệp y tế của họ. Sự đau khổ không chỉ vì quá trình tư pháp diễn ra kéo dài trong nhiều năm, mà chủ yếu nó chạm vào nền tảng y đức, trong khi bác sĩ không cố ý gây hại cho người bệnh” - Tiến sĩ Kenrick Berend chia sẻ sau sự cố.
BÀI VIẾT TỔNG HỢP TỪ TÀI LIỆU
-Kenrick Berend, Gijsbert Van Der Voet, Walther H. Boer. Acute aluminum encephalopathy in a dialysis center caused by a cement mortar water distribution pipe. Kidney Int. February 2001Volume 59, Issue 2, Pages 746–753
-Kenrick Berend. Criminal prosecution for the death of patients. The Netherlands Journal of Medicine. june 2009, Vol 242. 67, N o. 6
Bác sĩ Trần Văn PhúcBạn đang xem bài viết Nếu Hoàng Công Lương là bác sĩ ở Hà Lan… tại chuyên mục Super tag của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].