Nếu có 3 biểu hiện sau, nhất định phải đi khám ngay tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh hô hấp

Với bệnh đường hô hấp, việc nhận đoán các tín hiệu thông báo bệnh nguy hiểm, dễ biến chứng để bệnh nhân kịp thời điều trị là rất khó. Tuy nhiên, khi bạn thấy có 3 triệu chứng cùng lúc như ho, sốt, khó thở … cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để khám, tránh biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng.

Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ nhập viện Nhi Trung ương điều trị vì bị biến chứng hô hấp

Thời điểm giao mùa, nhiều trẻ nhập viện Nhi Trung ương điều trị vì bị biến chứng hô hấp

Dễ bùng phát thời điểm giao mùa

Chia sẻ với Gia Đình Mới về thực trạng các bệnh lý đường hô hấp trong thời điểm giao mùa, GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, giãn phế quản (từ chuyên dùng gọi là giãn phế quản ướt hay còn gọi là giãn phế quản xuất tiết) với biểu hiện rõ nhất là các triệu chứng ho, khạc nhiều đờm.

Khi thời tiết thay đổi thất thường từ lạnh sang nóng làm số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm hô hấp tăng lên một cách đột biến.

Đặc biệt, cứ sau 3 – 4 ngày thời tiết thay đổi khiến bệnh nhân đến viện thăm khám lại tăng không ngừng. Với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp mạn tính bị ảnh hưởng nặng nhất.

Cũng theo giáo sư Châu, có 2 nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp trong thời điểm này. Đó là những người chưa từng bị bệnh hô hấp, đây là thời điểm dễ nhiễm bệnh. Bởi đường hô hấp của con người mở, tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài nên mỗi khi thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp. Nếu người có sức đề kháng tốt sẽ vượt qua được sự ảnh hưởng của những thay đổi này và không mắc bệnh.

Nhóm thứ hai dễ bị ảnh hưởng là những người có sẵn các bệnh hô hấp mạn tính hoặc đã từng mắc bệnh viêm đường hô hấp. Ở nhóm đối tượng này, nếu gặp điều kiện thuận lợi bệnh sẽ bùng phát. Ví như ở những người vị viêm phế quản mạn tính, khi thay đổi thời tiết, phản ứng của đường thở tăng lên khiến người bệnh dễ bị mắc bệnh hô hấp mới hoặc làm nặng thêm bệnh sẵn có.

Bác sĩ BV Nhi Trung Ương thăm khám cho bệnh nhân nhi bị viêm phổi

Bác sĩ BV Nhi Trung Ương thăm khám cho bệnh nhân nhi bị viêm phổi

Bình thường khi hít thở, không khí được niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi - họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản.

Trong khi đó, đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phổi) được bảo vệ bằng một số cơ chế. Thứ nhất là sụn nắp thanh thiệt hoạt động như một chiếc nắp đậy lên thanh quản, tránh cho các chất như thức ăn, dịch tiết ở mũi họng và đường hô hấp trên rơi vào lòng khí phế quản.

Thứ hai là trên bề mặt niêm mạc khí phế quản có những tế bào hình đài bài tiết chất dịch nhầy và lớp tế bào biểu mụ với nhiều lông chuyển nhỏ (nhung mao) trên bề mặt. Lớp dịch nhầy kết dính các phân tử bụi, vi khuẩn, virus có trong không khí hít thở vào. Trong lớp niêm dịch này có một số yếu tố bảo vệ như kháng thể làm ức chế hoạt động của các virus, vi khuẩn. Các nhung mao trên bề mặt phế quản chuyển động đẩy lớp niêm dịch theo hướng từ các phế quản nhỏ lên các phế quản lớn như phế quản thuỳ, phế quản gốc.

Từ đó, dịch nhầy được ho khạc ra hoặc ta tự động nuốt xuống đường tiêu hóa trong khi ngủ. Ở lớp dưới niêm mạc phế quản và trong vách các phế nang cũng có các tế bào đại thực bào, các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.

Ở thời điểm này, những bệnh lý đường hô hấp thường gặp bao gồm: viêm phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản…

Trong đó, hen phế quản là bệnh thường gặp nhất. Chính sự thay đổi thất thường của thời tiết khiến chức năng miễn dịch của cơ thể thấp, sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cũng giảm sút. Đối với những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng… sẽ bị co thắt khí quản, tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể gây suy hô hấp.

Cùng với hen phế quản thì viêm phổi cũng là bệnh thường gặp trong mùa xuân do vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp. Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh… Nếu có các triệu chứng trên, cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế khám và chữa trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh.

Viêm phế quản cấp cũng là một bệnh phổ biến vào mùa xuân. Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra. Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở.

Cẩn trọng trong quá trình dùng thuốc

Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, trong các bệnh hô hấp trẻ nhỏ hay mắc phải, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Tuy nhiên, với bất cứ triệu chứng nào ở đường hô hấp như ho, có đờm, sốt… người dân cần đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân, điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.

GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc BV Bạch Mai (thứ 2 từ trái qua) đang thăm khám cho bệnh nhân

GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc BV Bạch Mai (thứ 2 từ trái qua) đang thăm khám cho bệnh nhân

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi bị bệnh, nhất là việc tự ý dùng kháng sinh. Không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, việc dùng thuốc không đúng có thể làm bệnh diễn biến nặng hơn và gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh sau đó.

Thực tế có rất nhiều trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi (nước mũi xanh xanh, vàng vàng, đục đục) thì chỉ cần vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý sẽ giúp thông thoáng đường hô hấp, trẻ có thể tự khỏi và không cần dùng kháng sinh và đặc biệt là không bị lan ra gây viêm tai, hay xuống phế quản.

“Ngay cả những thuốc ho thông thường, người dân cũng cần có kiến thức sử dụng đúng, trong đó cần dùng đúng liều lượng. Khi bị ho, trong đa số các trường hợp không có chỉ định dùng thuốc để ức chế phản xạ ho vì nếu ức chế phản xạ ho thì các chất tiết như đờm, vi khuẩn, virus ứ đọng trong phổi, nên dùng các thuốc để đờm loãng ra thì người bệnh ho khạc dễ hơn” - GS Châu cho hay.

Với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể, không tự ý mua và sử dụng thuốc theo đơn cũ, không tự ý thay đổi liều thuốc, không tự dùng kháng sinh… Vì tất cả những thói quen tự chữa bệnh, tự làm bác sĩ chỉ làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau họng… kéo dài hơn so với bình thường, như ho kéo dài từ 3 - 5 ngày và kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

                                                                              Lý Lĩnh/GIADINHMOI.VN

Empty

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính