Báo Điện tử Gia đình Mới

Nên nói với con thế nào khi bố/mẹ mắc bệnh ung thư?

Mới đây, Công nương Kate, Vương phi xứ Wales, đã công bố đoạn video thông báo cô chẩn đoán mắc bệnh ung thư và phải trải qua quá trình hóa trị. Trong video, Kate cho biết phải mất một thời gian để giải thích mọi thứ cho các con theo cách phù hợp.

Việc thông báo với con khi bố/mẹ mắc bệnh ung thư có lẽ không phải là điều dễ dàng. 

Ảnh: Công nương Kate trong clip thông báo cô bị ung thư.

Ảnh: Công nương Kate trong clip thông báo cô bị ung thư.

Hãy cùng tìm hiểu cách tiếp cận tốt nhất cho cuộc trò chuyện này qua bài phỏng vấn của tờ WebMD với Tiến sĩ Wendy Baer, Giám đốc khoa tâm lý ung thư tại Viện Ung thư Winship thuộc Đại học Emory.

* Cuộc phỏng vấn này đã được biên tập để ngắn gọn và rõ ràng hơn.

  • Bố/mẹ có thể làm gì để chuẩn bị nói với con về việc được chẩn đoán ung thư?

Bạn cần phải bình tĩnh và hiểu tình trạng sức khỏe mình, những hỗ trợ mình có trước khi quyết định nói chuyện với con. Bạn nên biết và hiểu rõ chẩn đoán và phác đồ điều trị của bạn trước khi bạn chia sẻ với người khác. Việc biết được tình trạng bệnh và phác đồ điều trị có thể sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn.

Có như thế, khi nói chuyện với con, bạn sẽ truyền cho con cảm giác bình tĩnh và cho con biết rằng mọi việc sẽ ổn thỏa bởi vì bạn sẽ làm mọi thứ có thể để chăm sóc bản thân và sức khỏe của mình.

  • Làm thế nào để bắt đầu cuộc trò chuyện với con bạn về việc bạn được chẩn đoán ung thư?

Chọn thời gian và địa điểm thoải mái cho con bạn - không phải khi bạn đang rửa bát, làm việc nhà, bận chuyện vặt hoặc cố gắng sắp xếp lịch hẹn, mà là lúc bạn có thể ngồi xuống và nói chuyện trực tiếp với con bạn.

Bắt đầu cuộc trò chuyện của bạn với con bằng cách hỏi con đã nghe được chuyện gì chưa; con có nhận thấy gì khác biệt hay không; hay vô tình nghe bố mẹ, người thân khác nói về chuyện ung thư không.

Sau khi biết con đã nghe được những gì, bạn có thể hỏi con đang nghĩ gì và có những câu hỏi gì. Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi của con bằng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, ví dụ học sinh, thiếu niên, thanh niên hay người trưởng thành... Sử dụng ngôn ngữ mà bạn thường dùng hàng ngày với con để con có thể hiểu. Bạn hoàn toàn có thể dùng từ "ung thư".

Hãy trung thực với con, nhưng bạn không cần phải chia sẻ mọi thứ. Chỉ cần chia sẻ đủ thông tin để trả lời các câu hỏi của con. Và đôi khi trẻ có thể hỏi những câu khiến bạn ngạc nhiên vì không nghĩ tới rằng con sẽ hỏi.

Khi trẻ đổi chủ đề, hãy tiếp tục theo hướng đó. Cuộc trò chuyện không cần phải xoay quanh toàn bộ chẩn đoán của bác sĩ, gợi ý phác đồ điều trị hoặc các biến chứng của bệnh. Bạn cần trả lời những câu hỏi trẻ đang thắc mắc.

Và sau đó, hãy cho phép trẻ đổi chủ đề nếu trẻ muốn chuyển sang thảo luận tối nay ăn gì, xem gì trên TV. 

  • Một số vấn đề bạn có thể cần đề cập với trẻ?

Bạn có thể nói việc mình phải đi viện, nhưng hãy cố gắng trấn an con rằng bạn đang làm mọi thứ có thể để giữ bản thân được an toàn và khỏe mạnh nhất có thể. Bạn cũng nên trấn an trẻ rằng con sẽ an toàn, sẽ có người lớn chăm sóc con. Sẽ có các thành viên gia đình và bạn bè thay bạn ở bên con.

Trẻ em thường thắc mắc lịch trình thường ngày của mình có thể thay đổi ra sao khi bố/mẹ đi viện điều trị. Vì vậy, bạn nên cho trẻ biết là các lịch trình của con vẫn được tiếp tục bình thường, ví dụ đi học hay tham gia các hoạt động, đi chơi với bạn bè... Điều đó sẽ mang lại cảm giác bình thường cho trẻ trong khi bố/mẹ đang được điều trị.

  • Giải thích các khái niệm cụ thể như hóa trị bổ trợ thế nào?

Bạn có thể nói với con rằng ung thư là một quá trình mà các tế bào trong cơ thể phân chia quá nhanh và chúng ta cần ngăn chặn những tế bào đó càng nhiều càng tốt. Giải thích cho trẻ biết hóa trị bổ trợ, cũng như các liệu pháp hóa trị khác, là sử dụng thuốc để ngăn chặn tế bào phân chia quá nhanh.

Một thay đổi do hóa trị có thể khiến trẻ chú ý là rụng tóc. Bạn có thể trấn an con rằng đây chỉ là sự thay đổi về tóc và tóc sẽ mọc lại.

  • Có cần cho con biết bạn cảm thấy thế nào về thể chất và tinh thần mỗi ngày?

Không. Người lớn và trẻ em có sự khác biệt về khả năng dung nạp thông tin, cảm xúc và trải nghiệm sống. Bạn có thể tâm sự với vợ/chồng hay bạn bè thân thiết. Nhưng trẻ nhỏ và vị thành niên đang phải đối mặt với những quá trình cảm xúc khác nhau và khả năng xử lý các vấn đề của người lớn khác nhau.

Hãy suy nghĩ: Con thường muốn nói điều gì? Con thường muốn nghe điều gì? Điều gì thường làm cho con cảm thấy nhẹ nhõm hoặc căng thẳng? Sau đó, hãy điều chỉnh lượng thông tin để chia sẻ với con tùy thuộc vào khả năng và giai đoạn phát triển của đứa trẻ đó.

Ví dụ, bạn có thể nói cho con biết rằng việc điều trị hôm nay khiến bạn mệt mỏi và bạn sẽ không đi xem con chơi bóng, nhưng không cần giải thích có bao nhiêu phần trăm số người cảm thấy mệt mỏi khi hóa trị. Bạn chỉ cần nói một câu đơn giản: "Bây giờ bố/mẹ cần nghỉ ngơi, chúc con thi đấu vui nhé'"

(Theo WebMD)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO