Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.
Cách đọc chỉ số huyết áp
Chỉ số huyết áp hiển thị trên các loại máy đo huyết áp tự động đều tương tự như nhau, theo đó:
- Chỉ số huyết áp tâm thu: ký hiệu bằng SYS (mmHg);
- Chỉ số huyết áp tâm trương: ký hiệu bằng DIA (mmHg);
- Nhịp tim/phút: ký hiệu bằng Pulse/min.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, huyết áp được chia thành các cấp sau:
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 130 mmHg và huyết áp tâm trương < 85 mmHg
- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥100 mmHg.
- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
- Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất.
Nên đo huyết áp vào thời điểm nào trong ngày?
Theo các chuyên gia tim mạch, huyết áp của mỗi người không phải luôn ổn định hay giữ cùng một chỉ số mà sẽ thay đổi tùy theo hoạt động, cảm xúc và tình trạng sức khỏe của mỗi người tại thời điểm đó.
Bình thường, huyết áp sẽ có khuynh hướng cao hơn vào buổi sáng và thấp hơn vào buổi tối. Vì vậy mà các chuyên gia tim mạch thường chỉ dẫn người bị tăng huyết áp nên thực hiện đo huyết áp vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi bước ra khỏi giường.
Với những người huyết áp không ổn định, phải đo nhiều lần trong ngày, nên chọn các thời điểm cố định, dễ nhớ và có cách lưu lại các kết quả huyết áp để theo dõi, có căn cứ so sánh và tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng huyết áp của bản thân.
Tuy nhiên, khi đo huyết áp, người bị tăng huyết áp cần lưu ý những điều sau để kết quả được chính xác nhất:
- Trước khi đo, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 5 phút, người bệnh không được hút thuốc, không dùng chất kích thích, ăn, vận động 30 phút trước khi đo, nên ở phòng yên tĩnh, không nói chuyện trong quá trình đo.
- Người bệnh chọn tư thế thoải mái nhất, tư thế đo có thể nằm hoặc ngồi. Khi ngồi thì lưng tựa thẳng vào ghế, chân đặt thẳng trên sàn.
- Tay không cầm nắm, thả lỏng khuỷu tay ngang tim
- Quấn bao huyết áp trên khuỷu tay 2 - 3 cm
- Bật máy, chờ và đọc kết quả
Để có kết quả chính xác nhất, người bệnh nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 5 phút. Nếu giá trị giữa 2 lần chênh nhau quá 10mmHg, thì cần đo lại thêm vài lần với thời gian nghỉ lâu hơn. Lấy giá trị trung bình của 2 lần đo cuối làm kết quả.
An AnBạn đang xem bài viết Nên đo huyết áp vào thời điểm nào trong ngày để có kết quả chính xác nhất? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].